Liên quan đến sự việc một trẻ mầm non 5 tuổi ở Thái Bình tử vong trên xe đưa đón của trường do bị bỏ quên, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 30-5, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế), cho rằng đây là chuyện rất đáng tiếc.
Theo bà, qua các sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón từ cách đây nhiều năm cần có sự rà soát lại quy định về tổ chức các trường mầm non, công lập và tư thục và ngoài công lập; quy chế hoạt động của các trường, nhất là trường tư thục để những sự việc thương tâm không tái diễn.
Đại biểu cũng nhìn nhận rõ vai trò quản lý Nhà nước đối với "công” và "tư” ở những mức độ khác nhau, phải tuân thủ theo Luật doanh nghiệp và những luật khác như Luật Giáo dục hay các luật liên quan đến trẻ em để bổ sung cho chặt chẽ.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương đối với hệ thống giáo dục nói chung và mạng lưới giáo dục mầm non nói riêng, cần được tăng cường, quan tâm hơn bằng những quy định cụ thể.
Cũng theo bà, pháp luật và hành lang pháp lý về giáo dục nói chung và trẻ mầm non nói riêng đã khá nhiều, khá đầy đủ và khá toàn diện nhưng công tác thực thi, phối kết hợp để thực thi còn yếu và cần được quan tâm.
"Không phải đến khi có vụ việc xảy ra thì mới can thiệp, mới xem xét bởi khi đó đã quá muộn. Một đứa trẻ bị bỏ rơi từ sáng đến chiều trên ô tô là một điều vô lý” - bà Sửu nói và cho hay tình trạng này đã xảy ra nhiều năm trước, do đó phải có sự rà soát mạnh mẽ.
Nữ đại biểu cũng đề nghị cơ quan chức năng cần có sự thay đổi về thiết kế xe chở trẻ em mầm non. Theo bà, xe phải được thiết kế chuyên biệt, khác với xe đường dài chở khách để trong trường hợp bất khả kháng hoặc có tình huống xảy ra thì người bên ngoài vẫn nhìn thấy người mắc kẹt bên trong. Bởi các bé còn nhỏ, sức phản kháng khi gặp tình huống xảy ra sẽ yếu và không thể tự xử lý được…
Bà khẳng định nếu xe đóng kín như ngôi nhà di động, dán kính đen thì tầm quan sát từ bên ngoài vào rất khó. Nếu trẻ có đứng lên ngồi xuống cũng không thấy. Hiện cũng chưa có đơn vị chức năng nào hay dịch vụ vận tải nào giới thiệu về những mô hình xe đưa đón dành riêng cho trẻ mầm non.
"Tôi rất mong có rà soát, đánh giá, chuẩn bị cho những dự án thiết kế xây dựng, đầu tư những loại xe như thế từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp để đảm bảo cho trẻ em. Đồng thời các cơ sở đưa đón trẻ cũng phải chọn lựa những loại xe phù hợp đối với các con và an toàn phải đặt được lên trên hết” – đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng nhìn nhận việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón và tử vong tại Thái Bình là rất đau buồn.
Bà khẳng định sự việc này xảy ra trước hết là trách nhiệm của nhà trường, bởi sự việc xảy ra trong thời gian các bé ở trường và còn ngay trên xe do nhà trường tổ chức.
Thứ hai là trách nhiệm của tài xế xe. Tài xế đã không có thao tác kiểm tra xe xem còn em nào bị bỏ quên hay không. "Không phải lần đầu tiên sự việc này xảy ra nên phải có động thái kiểm tra xe kỹ, đây là việc bắt buộc” - bà Nga nhấn mạnh.
Tiếp đến là trách nhiệm của các giáo viên. Cô giáo phụ trách đưa đón giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm nhưng cũng không rõ mình nhận và giao bao nhiêu em; giáo viên chủ nhiệm cũng không có động thái kiểm tra sĩ số học sinh của lớp mình, có vắng em nào không và vì sao lại vắng.
Như thông tin đã đưa, sáng 29-5, tài xế NVL và cô giáo PQA có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình), trong đó có bé TGH (5 tuổi, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư).
Đến 17 giờ cùng ngày, người thân của bé H đến đón nhưng không thấy cháu nên đã báo cho nhà trường.
Sau khi tìm kiếm đã phát hiện cháu H vẫn ở trên xe đưa đón học sinh của nhà trường, dù được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng cháu đã tử vong.
Ngay trong tối 29-5, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án vô ý làm chết người để điều tra làm rõ vụ việc.
(Theo PLO)