Ở đây, trong thời gian cai nghiện, ngoài được điều trị, chăm sóc phục hồi sức khỏe, đào tạo nghề, nhiều học viên còn được tham gia một lớp học đặc biệt - Lớp xóa mù. Thông qua những lớp học đó đã giúp học viên biết đọc, biết viết, vượt qua mặc cảm, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, có thêm tự tin trên hành trình từ bỏ ma túy.
Lên "Đảo cai nghiện” vào một buổi sáng tháng 7, chỉ mới bước vào cổng thôi đã thấy vang lên âm thanh đọc và đánh vần tiếng Việt. Đó là những tiếng đọc bài của các học viên đang theo học lớp "xóa mù chữ” tổ chức tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Thấy chúng tôi có những chút ngạc nhiên, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lê Công Huấn giải thích: "Với đặc thù địa phương là tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên trong hơn 800 học viên ở đây thì có trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay từ lúc tiếp nhận, sàng lòng đối tượng, chúng tôi đã rà soát, phân loại học viên và phát hiện ra một số học viên là người dân tộc thiểu số không biết chữ, từ đó sẽ gây khó khăn cho việc tuyên truyền cũng như hướng dẫn công việc. Do đó, Ban Giám đốc cơ sở quyết định mở lớp xóa mù cho học viên trong thời gian học 3 tháng".
"Đây là lớp học thứ 2 chúng tôi tổ chức nhằm giúp học viên biết đọc, viết, cộng, trừ, nhân, chia và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các kiến thức được tuyên truyền, phổ biến tại cơ sở cai nghiện. Lớp cũng nhằm mục đích để sau này trở về tái hòa nhập cộng đồng, học viên sẽ dễ dàng hiểu được pháp luật, nắm bắt được các quy định của chính quyền địa phương cũng như các chế độ chính sách, tiếp thu được thông tin tuyên truyền trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế tại nơi mình sinh sống" - Giám đốc Huấn cho biết.
Là 1 trong 26 học viên của lớp học "đặc biệt”, Thào A T. là người dân tộc Mông ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã vào cơ sở cai nghiện được hơn 8 tháng. T kể: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến trường. Khi đến tuổi trưởng thành, mình cũng không nhận thức rõ được về tác hại của ma túy nên theo bạn bè thử vài lần rồi nghiện từ lúc nào không hay. Đến cơ sở cai nghiện, ngoài được dạy nghề, mình còn được Ban quản lý cơ sở tạo điều kiện cho tham gia lớp xóa mù chữ. Mình rất vui và mong là sau khi được về nhà hòa nhập với cộng đồng, cái chữ và phép tính được học ở đây để sống tốt hơn”.
Trong lớp học xóa mù chữ này có 8 học viên là phụ nữ, họ đều là người dân tộc Mông, ở huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Học viên Giàng Thị M. ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải 30 tuổi nhưng đã "dính” vào ma túy từ nhiều năm nay. Cuối năm 2023, M được ngành chức năng địa phương đưa đến cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái.
Đến cơ sở, M được cán bộ cho điều trị cắt cơn, giải độc, giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi; lao động, học nghề. Đặc biệt, M còn được tham gia lớp xóa mù chữ dành cho các học viên chưa từng được đi học. Dưới sự tận tình chỉ dạy của giáo viên, đến nay M đã cơ bản biết đọc, biết viết.
M tâm sự: "Trước đây gia đình không có đủ điều kiện để được đi học, không có hiểu biết nên bản thân sa vào sử dụng ma túy. Khi vào Cơ sở cai nghiện, mình được cán bộ dạy học chữ, biết viết, biết đọc, biết tính. Mỗi khi thăm gặp gia đình, mình cũng khoe với chồng con được học chữ nên cả gia đình rất phấn khởi”.
Dù đã lớn tuổi nhưng khi được cán bộ dạy học chữ, các học viên rất nỗ lực.
Một lớp học đặc biệt trên đảo giữa lòng hồ Thác Bà. Đặc biệt, bởi học viên đa phần là người dân tộc thiểu số, chưa từng đi học, thiếu hiểu biết nên mắc nghiện ma túy. Ở đây học viên đặc biệt, thầy cô đặc biệt và giáo án cũng đặc biệt.
Thầy cô là những cán bộ tại cơ sở, chưa từng giảng dạy bao giờ nhưng khi được phân công dạy xóa mù, dù biết rất khó khăn do học viên là những người đã từng một thời lầm lỗi, vướng vào tệ nạn ma túy, nhiều đối tượng là người lớn tuổi, khả năng tiếp thu hạn chế, có người chỉ biết nói tiếng dân tộc mình, có người nói tiếng phổ thông chưa thạo… song thầy cô đã tự tìm tòi, học hỏi các kỹ năng giảng dạy thông qua người thân, mạng internet để có những phương pháp dễ hiểu nhất cho học viên.
Đảm nhận vai trò chủ nhiệm lớp học, thầy giáo Nguyễn Hồng Phong cho biết: "Hiểu rõ hoàn cảnh của các học viên là những người đã từng một thời lầm lỗi do vướng vào tệ nạn ma túy, luôn có sự mặc cảm, tự ti, cùng với dạy chữ, chúng tôi luôn phải động viên tinh thần, giúp các học viên vượt qua mặc cảm, tự ti của bản thân để biết đọc, biết viết và tính toán".
"Trực tiếp dạy các học viên, tôi thấy các bạn rất chịu khó nghe giảng, thích học Toán và Tiếng Việt. Nhiều học viên nói ngọng, không nói được dấu ngã và các vần khó, tôi đã nghiên cứu và dùng phương pháp gợi mở. Cùng với đó, học viên là những người lớn tuổi nên tôi phải hướng dẫn học viên tỉ mỉ từng con chữ, cách đọc, cách cầm bút viết. Đồng thời luôn dành sự quan tâm nhiều hơn, khen ngợi kịp thời để tạo không khí vui vẻ trong lớp học" - anh Phong kể.
Thầy Phong bày tỏ rất phấn khởi bởi sau mỗi khóa học, các học viên đều biết đọc, biết viết và cộng trừ các phép tính cơ bản, như vậy sẽ giúp ích cho cuộc sống của họ sau này có sự thay đổi tốt hơn.
Sau 3 tháng kiên nhẫn, miệt mài học tập, từ những học viên còn bỡ ngỡ, không biết viết tên của mình, thì đến nay trong số 50 học viên ở 2 lớp học được Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái tổ chức từ năm 2023 đến nay, đã có nhiều người đọc thông, viết thạo, biết thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản.
Chính từ kết quả này, sẽ có thêm nhưng học viên có thể tự đọc, tự biết thêm quy định của pháp luật về phòng chống ma túy để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Việc biết chữ như "liều thuốc” giúp họ vượt qua những chuỗi ngày tăm tối, hướng đến tương lai tốt đẹp, tránh xa ma túy để sống tốt hơn sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Thanh Chi