Xác định đào tạo phát triển nguồn nhân lực là một trong những đột phá chiến lược, Yên Bái đã ban hành các nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/1/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021-2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”...
Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong hơn nửa nhiệm kỳ, công tác GDNN luôn được tỉnh dành sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Hiện nay, mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng được đầu tư, phân bổ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh đã có 14 cơ sở GDNN.
Với những nỗ lực từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Yên Bái đã đào tạo nghề được trên 49.900 lao động, đạt trên 92% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34%. Tỉnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 54.600 lao động, đạt trên 93% kế hoạch; chuyển dịch 19.520 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt trên 96% kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác GDNN trong tình hình mới còn khó khăn.
Trên thực tế, tâm lý "bằng cấp” của phụ huynh học sinh ít nhiều vẫn còn nặng nề, xem nhẹ việc học nghề đã gây khó khăn cho công tác tuyển sinh GDNN. Quy định của Luật GDNN đối với thời gian học trung cấp từ 1 đến 2 năm không tương ứng với việc bố trí thời gian học văn hóa chương trình THPT là 3 năm. Từ đó, gây khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo học sinh vừa học trung cấp, vừa học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sử dụng lao động không nhiều, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa thật sự đa dạng, mức lương và thu nhập trả cho người lao động không cao...
Mục tiêu GDNN là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể, đến hết năm 2025, trên địa bàn tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo 18.000 lao động; phấn đấu tỷ lệ người học tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo đạt trên 80%; đối với các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao đạt trên 90%.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, cần có nhiều giải pháp. Cụ thể trong đó là tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác GDNN một cách đồng bộ; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển GDNN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về tầm quan trọng của việc học nghề.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN: quán triệt, tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN; kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/1/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT thu hút vào các cơ sở GDNN; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở GDNN, đối mới phương thức đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN.
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý GDNN, nhà giáo và người dạy; gắn kết chặt chẽ GDNN với thị trường lao động. Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tăng cường nguồn lực đầu tư và nâng cao hiệu quả tài chính cho GDNN và quan tâm sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN.
Xác định phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với những giải pháp đồng bộ như trên, tin rằng việc phát triển GDNN đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Thu Hiền