Mù Cang Chải hân hoan đón Tết Độc lập

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/9/2024 | 10:09:42 AM

YênBái - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp Quốc khánh 2/9, đồng bào Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) lại hân hoan tổ chức Tết Độc lập với rất nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.

Người dân xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải trang trí không gian đón Tết Độc lập từ sản phẩm làm bằng tre, trúc
Người dân xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải trang trí không gian đón Tết Độc lập từ sản phẩm làm bằng tre, trúc

Trung tâm phố huyện vùng cao Mù Cang Chải vào ngày 2/9 tưng bừng, rực rỡ trong cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu… Ngay từ sáng sớm, từ người già đến những em nhỏ trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu cùng nhau xuống phố vui hội. Trong bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông, chị Giàng Thị PLa, ở Lao Chải, huyện Mù Cang Chải rất vui và phấn khởi khi được xuống chợ để vui Tết Độc lập. 

"Tết Độc lập năm nay, huyện tổ chức nhiều các hoạt động vui chơi nên mình cùng bà con người dân trong bản ai cũng rất vui và háo hức chờ đón đến ngày này để được đi chơi. Mình còn mang theo các sản phẩm thổ cẩm để bán phục vụ du khách trong và ngoài nước” - chị PLa hồ hởi.






Từ người già đến em nhỏ trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu cùng nhau xuống phố vui hội.

Trước đây khi cuộc sống còn thiếu thốn thì với đồng bào Mông, Tết Độc lập cũng chỉ giản đơn ở sự nhớ về. Ngày nay, khi cuộc sống ấm no đang hiện hữu cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, Tết Độc lập trong mỗi nếp nhà người Mông đã ngày càng chu đáo và đầy đủ hơn.

Ông Thào A Chảo ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phấn khởi nói: "Những năm qua, được Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là kiên cố hóa đường giao thông nông thôn nên đi lại thuận tiện để giao lưu phát triển kinh tế; cuộc sống của người dân ấm no hơn; bộ mặt nông thôn giờ đã có nhiều đổi thay.

Tết Độc lập 2/9 năm nay, huyện lại tổ chức rất nhiều các hoạt động hội thi, hội diễn văn nghệ, thi đan lát các sản phẩm từ tre, trúc nên tôi vui và phấn khởi lắm. Đây sẽ là cơ hội để chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc đan lát các sản phẩm đan tre thủ công để giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế biết đến các sản phẩm đan lát của dân tộc mình nhiều hơn”.




Hội thi đan lát các sản phẩm từ tre, trúc diễn ra sôi nổi.

Không chỉ người dân bản địa được tận hưởng, đón niềm vui Tết Độc lập mà bất kỳ du khách nào đến đây cũng háo hức tham gia các hoạt động tổ chức tại trung tâm huyện trong ngập tràn không khí lễ hội. 

Đây là lần đầu tiên vợ chồng anh Pete và chị Vera - Cộng hòa Séc đến với Mù Cang Chải. Anh chia sẻ: "Trước khi tới đây, tôi đã tìm hiểu về Mù Cang Chải trên các kênh truyền thông và internet rất nhiều. Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi đặt chân đến đây và cảm nhận của tôi là họ sống chậm, không vội vàng với cách tỉ mỉ ngồi thêu dệt thổ cẩm… Người dân nơi đây còn rất vui vẻ và thân thiện. Còn phong cảnh ở đây thì thật tuyệt vời”.


Du khách tham quan, trải nghiệm tại lễ hội.

Rời chốn ồn ào, náo nhiệt nơi thị thành, gia đình chị Nguyễn Tuyết Trinh, sống ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quyết định lựa chọn Mù Cang Chải để tham quan trải nghiệm trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay. Chị Trinh vui vẻ: "Đến đây tôi được tận hưởng bầu không khí rất trong lành, mát mẻ. Ruộng bậc thang thì đẹp đến mê người. Tôi cũng đã "check in” không biết bao nhiêu là ảnh nữa, rất đẹp và ấn tượng. Còn cuộc sống của người dân ở đây mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi cảm thấy họ rất hồn nhiên và hạnh phúc”. 

Tết Độc lập ở Mù Cang Chải kéo dài từ ngày 31/8 đến ngày 3/9. Đến với Mù Cang Chải vào dịp này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa dân tộc bản sắc với chuỗi các sự kiện được tổ chức như: Hội thi Nghệ thuật quần chúng các đội văn nghệ bản sắc; Hội thi đan lát các sản phẩm từ tre, trúc; thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay, ném pao, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, nhảy bao bố...); Chợ phiên vùng cao; Triển lãm ảnh " Sắc màu Mù Cang Chải” và Festival Dù lượn "Bay trên miền danh thắng” mùa vàng 2024. 


Các gian hàng giới thiệu bày bán các sản phẩm đặc trưng của huyện Mù Cang Chải.

Cùng đó là Chương trình diễu diễn đường phố khai mạc Lễ hội mùa vàng và Lễ hội Sơn tra lần thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 6/9 với các hoạt động: Hội thảo du lịch Mù Cang Chải điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”; Hội thi "Hương sắc sơn tra”, thi tạo hoa văn bằng sáp ong trên vải và một số hoạt động phụ trợ khác. Tất cả đều với mong muốn tạo không khí ngày hội lớn vui tươi, phấn khởi, góp phần động viên đồng bào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và của tỉnh.


Một góc trung tâm thị trấn Mù Cang Chải nhộn nhịp ngày 2/9.

Đồng chí Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Đã 6 năm trở lại đây, Tết Độc lập trở thành ngày hội văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Mù Cang Chải. Đặc biệt đối với đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thì Tết Độc lập đem đến cho họ những xúc cảm thiêng liêng, niềm vui và niềm tự hào được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. 

Các hoạt động chào mừng lễ Quốc khánh 2/9 còn là dịp để quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của Mù Cang Chải, hiện thực hóa mục tiêu đưa huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch năm 2024. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Mù Cang Chải đã đón trên 180.000 lượt khách du lịch, trong đó, gần 16.000 lượt khách nước ngoài; 35.000 lượt khách lưu trú tại huyện; doanh thu du lịch đạt trên 175 tỷ đồng.

Ý nghĩa to lớn của ngày Quốc khánh luôn nhắc nhở các thế hệ mai sau thêm hiểu thêm yêu, biết trân trọng và giữ gìn lịch sử, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Niềm vui trong ngày Tết Độc lập, sự ấm no, hạnh phúc hôm nay luôn là động lực để nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung đoàn kết, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đức Toàn

Tags Mù Cang Chải hân hoan Tết Độc lập du lịch lễ hội

Các tin khác
Ông Đỗ Quang Bình, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên dành vị trí trang trọng trong nhà để treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng và ảnh Bác Hồ.

Thành phố Yên Bái những ngày này rộn rã khí thế thi đua mừng Quốc khánh 2/9. Tại các xã, phường, người dân đã tự nguyện tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tạo nên không khí ấm áp, vui tươi và đầy tự hào dân tộc.

Được sự ủy quyền của Quân khu II, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Mùa A Lỳ

Được sự ủy quyền của Quân khu II, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải vừa tổ chức Lễ bàn giao ngôi nhà Đại đoàn kết cho cựu chiến binh Mùa A Lỳ thuộc diện hộ nghèo ở bản Cung 11, xã Mồ Dề.

Người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng điện năng lượng mặt trời. Ảnh: Mạnh Cường

Bản Háng Tày, Kể Cả và Pú Vá của xã Chế Tạo là “nơi cùng trời” của huyện nghèo Mù Cang Chải với 100% là đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống. Đây cũng là ngã ba tiếp giáp giữa 3 tỉnh Yên Bái - Sơn La - Lai Châu nhưng cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Tuổi kết hôn trung bình ở Việt Nam tăng nhanh (Ảnh minh họa)

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt đang ngày càng muộn. Theo đó, tuổi kết hôn tăng từ 24,1 (năm 1999) lên 25,2 (2019) và đến 2024 là 27,2 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục