Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến khác nhau về mức đóng phí công đoàn 2%

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/10/2024 | 1:52:08 PM

Thảo luận về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng mức đóng kinh phí công đoàn 2% là phù hợp, nhằm duy trì hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động. Cùng với đó, vẫn còn những băn khoăn về mức đóng này gây khó cho daonh nghiệp (DN) có nhiều lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đã trình bày báo cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đã trình bày báo cáo.

Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Lao động người nước ngoài có quyền gia nhập Công đoàn

Về cơ bản, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân.

Dự thảo Luật đã kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Với một số nội dung cụ thể, về việc gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động là người nước ngoài (quy định tại điều 5), tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định "người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập Công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”.

Ngoài ra, khoản 5 điều 4 của Dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ Công đoàn.

Về giám sát của Công đoàn (Điều 16 Dự thảo Luật), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về quyền giám sát của Công đoàn theo hướng: tách nội dung tham gia giám sát tại điều 15 của Dự thảo Luật để gộp vào điều 16 về giám sát của Công đoàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Mức đóng phí 2% có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nhiều lao động

Thảo luận tại hội trường, quan tâm đến nội dung phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng mức kinh phí 2% không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Đại biểu cho rằng đóng mức phí công đoàn 2% trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị đối với doanh nghiệp dưới 500 lao động, mức kinh phí công đoàn là 2%. Doanh nghiệp có 500 lao động đến dưới 3.000 người, mức này là 1,5%. Doanh nghiệp trên 3.000 người thì kinh phí công đoàn chỉ 1%.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (đoàn tỉnh Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như Dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957 có luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại Công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà Tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (đoàn tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, Dự thảo Luật hiện không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động. Việc thiếu quy định trên sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế. Do vậy, cần bổ sung nguyên tắc phân phối kinh phí công đoàn vào trong Dự thảo Luật, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của Tổng liên đoàn lao động về nội dung này.

Liên quan đến phân phối kinh phí Công đoàn, đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (đoàn tỉnh Bắc Giang) đề nghị, việc phân phối kinh phí Công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động cần có sự rõ ràng hơn - nhất là trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động ở doanh nghiệp.

Theo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để phù hợp với thực tiễn, Dự thảo Luật đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới như chi cho công đoàn cơ sở mà tại đó tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm đóng kinh phí Công đoàn.

Kinh phí Công đoàn cũng được dành để chi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động, thiết chế Công đoàn chủ yếu từ số tài chính Công đoàn tích lũy của cấp tỉnh, TP và tương đương và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

(Theo Kinhtedothi)

Các tin khác
Nhà thầu thi công hành lang đường đã tập kết vật liệu và chất thải khiến thành phố thêm ô nhiễm

Thành phố Yên Bái đang chìm trong bụi bẩn do bùn khô tích tụ sau ngập lũ. Bùn đất bám quanh gốc cây, trên vỉa hè, tụ lại tại những khúc cua, bên vệ đường... Nhiều tuyến phố vốn sạch sẽ, thơ mộng, rợp bóng cây giờ phủ bụi mù mịt...

Đồng chí Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngày 24/10, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý cho cán bộ cơ sở, cán bộ cộng đồng cho gần 40 đại biểu là công chức tư pháp – hộ tịch, người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, phó trưởng thôn, phó các chi hội đoàn thể thuộc các xã: Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Lành, Tú Lệ, Suối Quyền, Sùng Đô của huyện Văn Chấn.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 133/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều, phụ lục của Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10/6/2021 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Đoàn trao kinh phí cho gia đình cho gia đình bà Trần Thị Tái, thôn 11, là vợ liệt sỹ Hoàng Tinh Thư.

Ngày 23/10, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND huyện Lục Yên tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa tại 2 xã Động Quan và Mường Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục