Đề cao tinh thần tự lực, tự cường trong xoá nhà tạm, nhà dột nát

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/11/2024 | 8:54:57 AM

Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát đang được các địa phương đẩy mạnh triển khai, với nhiều cách làm sáng tạo. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, xung quanh vấn đề này.

Một căn nhà mới đang được xây dựng tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2014.
Một căn nhà mới đang được xây dựng tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2014.

- Thưa ông, sau khi Thủ tướng phát động Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã tiến hành triển khai như thế nào?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Nhiều địa phương đã tích cực kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) do Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cà Mau...); phát động phong trào huy động nguồn lực (Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bạc Liêu…); ban hành kế hoạch triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát (Bắc Kạn, Lào Cai, An Giang, Cà Mau, Thái Bình, Đắk Lắk…).

Ngày 10/11/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tổ chức Phiên họp thứ nhất để rà soát, đánh giá toàn diện công việc các cấp đã triển khai; việc phân bổ nguồn lực đã vận động được từ Chương trình; giải quyết một số vướng mắc, đưa ra mục tiêu, định hướng, giải pháp trọng tâm đến hết năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024 của về việc tiếp tục triển khai đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Trong đó, yêu cầu quán triệt, triển khai các chỉ đạo tại Công điện số 102, Chỉ thị số 42 và Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng thời sớm triển khai kinh phí vận động được từ Chương trình phát động, sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên và các nguồn kinh phí khác.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương việc triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh thất thoát, lãng phí, nhất là thông báo về việc phân bổ nguồn lực huy động được từ Chương trình Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

- Trong quá trình triển khai, đã cónhững thuận lợi, khó khăn gì mà chương trình gặp phải, thưa ông?

Việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát có nhiều thuận lợi như: Đảng đã quan tâm chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 10: "Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”.

Quốc hội đã thống nhất cho phép sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2025 để xóa nhà tạm, nhà dột nát.


Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo. 

Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương rất sát sao, chỉ đạo triển khai thực hiện bằng công điện, chỉ thị, kết luận. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, trách nhiệm triển khai và một số doanh nghiệp, tổ chức đã sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng, chưa rõ phương châm, cách làm; cách thức rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ cụ thể; nhiều hộ gia đình có nhà tạm, nhà dột nát, có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhưng khó khăn về đất để xây dựng nhà ở; đặc biệt, nhiều địa phương điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, bị bão lụt thời gian qua khó khăn trong huy động nguồn lực để hỗ trợ cho người dân.

Do vậy, tại cuộc họp Phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận tích cực, trách nhiệm và phân công các bộ, cơ quan giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ.

Một vấn đề quan trọng để triển khai chương trình là kinh phí. Vậy, việc huy động kinh phí, triển khai kinh phí để thực hiện chương trình hiệu quả, minh bạch, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đúng mô hình nhà phù hợp… đã được xác định ra sao, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, được sự đồng ý của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã thông báo, chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gồm: Nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024; nguồn lực huy động trên địa bàn các địa phương và nguồn hỗ trợ từ chương trình huy động của Trung ương.

Nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 (khoảng 5.000 tỷ đồng), Bộ Tài chính sẽ thông báo cụ thể để các địa phương triển khai. Nguồn hỗ trợ từ chương trình huy động của Trung ương (khoảng 6.000 tỷ đồng), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thông báo cho các địa phương.

Đối với nguồn lực huy động tại cơ sở, các địa phương cần đề cao tinh thần tự lực, từ cường, đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ; tuyên truyền, thuyết phục các hộ gia đình được hỗ trợ tự bảo đảm một phần như tiết kiệm của hộ, vay ngân hàng chính sách, kêu gọi bạn bè, người thân giúp đỡ về kinh phí, nhân lực.

Để bảo đảm triển khai hiệu quả, công khai, minh bạch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Kinh phí thực hiện thông qua Quỹ Vì người nghèo do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quản lý; các địa phương rà soát, phê duyệt danh sách cụ thể từng hộ gia đình có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà ở làm căn cứ hỗ trợ, kiểm tra.

Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình phù hợp với đặc thù văn hóa, khí hậu của từng địa phương, vùng miền.

- Để đạt mục tiêu xóa nhà tạm vào cuối năm 2025, cần những giải pháp sáng tạo mới nào, thưa ông?

Việc triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 khác về phương pháp, cách làm so với các chương trình khác. Cụ thể, Chương trình có sự chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thông qua chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương đảng, Quốc hội, Chính phủ; Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực; Ban chỉ đạo 3 cấp ở địa phương do Bí thư cấp uỷ làm Trưởng ban, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Chương trình đa dạng hóa các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước; huy động nguồn lực bằng tiền, hiện vật, công lao động từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở cấp Trung ương và địa phương; đồng thời, chương trình hỗ trợ theo địa chỉ: Trung ương hỗ trợ cho tỉnh; tỉnh hỗ trợ cho tỉnh; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho tỉnh; địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hộ gia đình.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Báo Tin tức)

Các tin khác
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt, tặng quà động viên người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Thực hiện Đề án đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thúc đẩy lao động địa phương tham gia thị trường lao động nước ngoài. Qua đó, giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thành đoàn Yên Bái phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền phường Minh Tân trao kinh phí hỗ trợ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do cơn bão số 3.

Cơn bão số 3 đi qua để lại hậu quả nặng nề cho thành phố Yên Bái với hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, cuộc sống của nhân dân bị đảo lộn. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, với vai trò là tổ chức đại diện cho tuổi trẻ, Thành đoàn Yên Bái đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn.

Thừa ủy quyền, lãnh đạo Hội CCB tỉnh Yên Bái trao tiền hỗ trợ cho thân nhân CCB Hoàng Văn Dược.

Đồng chí Phạm Văn Huấn - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh đã đến chia sẻ, trao hỗ trợ của Trung ương Hội CCB Việt Nam cho 2 gia đình hội viên CCB ở thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên bị thiệt mạng do bị sạt lở đất trong cơn bão số 3.

Khu vực phát hiện hơn 400 bộ hài cốt.

Đến nay, chính quyền phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) phát hiện tổng số 408 tiểu sành, tăng 258 chiếc so với thông tin ban đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục