Trong vài năm trở lại đây, gia đình anh Hà Văn Thiện ở thôn Bản Khun, xã Hồng Ca đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò theo hướng bán chăn thả. Đến nay, gia đình anh duy trì đầu đàn từ 7-10 con. Nhờ được tuyên truyền vận động và hướng dẫn kỹ thuật nên mùa đông năm nay gia đình anh đã chủ động che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc.
Anh Hà Văn Thiện chia sẻ: "Những ngày mưa rét dưới 12 độ C, tôi không chăn thả mà cắt cỏ về cho trâu ăn tại chuồng, bổ sung thêm tinh bột, muối khoáng, quây bạt quanh chuồng để chống gió. Nếu đêm nhiệt độ xuống thấp thì gia đình đốt lửa gần chuồng và ở cuối hướng gió để sưởi ấm cho trâu”.
Xã Y Can có thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm với nhiều mô hình trang trại, gia chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ông Nguyễn Thanh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND xã Y Can cho biết: "Đến nay, người chăn nuôi trên địa bàn xã đã nhận thức rõ việc phải bảo vệ đầu đàn gia súc gia cầm trong mùa đông. Đặc biệt ngay sau trận lũ lịch sử do bão số 3 gây ra, người dân đã chủ động vệ sinh chuồng trại và tái đàn để kịp thời xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán. Để bảo vệ đàn gia súc gia cầm trong mùa đông, xã đã chủ động phân công cán bộ phụ trách thôn phối hợp với cán bộ trong khối nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gia cố chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn khô và tuyệt đối không thả rông. Vì vậy, từ nhiều năm nay trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm bị chết rét”.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 10 năm 2024, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện đã phục hồi sau bão lũ đạt 83.000 con, bằng 98,5% kế hoạch tỉnh giao, bằng 97,4% kế hoạch thực hiện phương án bù đắp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; dự ước hết năm đạt 85.300 con, bằng 101,2% kế hoạch tỉnh giao, 100% kế hoạch thực hiện phương án bù đắp Sở giao.
Đàn gia cầm đến cuối tháng 10 cũng đạt 1.870.000 con; bằng 98,4% kế hoạch tỉnh giao, 90,5% kế hoạch thực hiện phương án bù đắp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; dự ước hết năm đạt 2.065.000 con, bằng 101,2% kế hoạch tỉnh, 100% kế hoạch thực hiện phương án bù đắp của Sở.
Rút kinh nghiệm từ các đợt rét trước, để bảo vệ đàn gia súc, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo và phân công các thành viên trực tiếp chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân cách phòng chống rét cho đàn gia súc.
Các cơ quan trong khối nông nghiệp tăng cường cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tổ chức tập huấn, phát hàng nghìn tờ rơi hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp quản lý, chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.
Bà Hoàng Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: "Công tác chăn nuôi tại các địa phương thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ tự phát nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát. Người dân đã chú trọng hơn đến việc dự trữ rơm khô, trồng cỏ và bổ sung thức ăn tinh cho trâu bò mùa rét. Chuồng trại đã được người dân đầu tư khá rộng rãi, sạch sẽ. Bên cạnh đó, các phương pháp phòng chống đói, rét cho đàn đại gia súc được bà con tiếp thu và thực hiện rất tốt… Điều này đã góp phần giảm thiểu nguy cơ gia súc bị chết do mưa rét ở nhiều vùng trên địa bàn huyện”.
Thời điểm này, huyện Trấn Yên tiếp tục chỉ đạo các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người dân biết để tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Ngoài ra, thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm các bệnh thường xảy ra trong mùa đông như: viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng... để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Bùi Minh