Nắng nóng gia tăng từ giữa và cuối tháng 4

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2025 | 2:21:15 PM

Trong 10 ngày đầu tháng 4, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, sau đó không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu dần và nắng nóng gia tăng từ giữa và cuối tháng 4.

Nắng nóng ở miền Bắc gia tăng vào giữa và cuối tháng 4.
Nắng nóng ở miền Bắc gia tăng vào giữa và cuối tháng 4.

Mưa đá liên tiếp xuất hiện ở Sơn La và Điện Biên vào chiều tối và đêm qua. Các hạt đá to bằng đầu ngón tay, trút xuống dày đặc khoảng 30 phút làm một số nhà dân bị thủng mái.

Diễn biến thời tiết trong tháng 4

Bà Trần Thị Chúc, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa có nhận định mới nhất về diễn biến thời tiết trong tháng 4.

Theo đó, nhiệt độ trung bình trong tháng 4 ở Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C.

Tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 5-15mm so với trung bình nhiều năm; riêng một số nơi khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có nơi cao hơn 10-30mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Bà Trần Thị Chúc dự báo, trong 10 ngày đầu tháng 4, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, sau đó không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu dần. Trong tháng 4 là tháng chuyển mùa, trên phạm vi toàn quốc có khả năng xảy ra nhiều trận dông, lốc, sét và mưa đá.

Về nắng nóng, thời kỳ giữa và cuối tháng 4, nắng nóng có xu hướng hoạt động mạnh dần ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ; đề phòng có nắng nóng gay gắt. Nắng nóng tiếp tục xuất hiện diện rộng tại khu vực miền Đông Nam Bộ và có xu hướng gia tăng ở khu vực Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ.

Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh đi kèm trong cơn dông. Ngoài ra, nắng nóng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân trên các khu vực.

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo dự báo, nhiều khả năng ENSO sẽ duy trì trạng thái trung tính trong những tháng còn lại của năm 2025. Như vậy thì thời tiết, khí hậu năm 2025, đặc biệt là các loại hình thiên tai như bão, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn dự báo cũng sẽ xảy ra ở mức trung bình so với nhiều năm.

Nhận định mùa bão năm 2025 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm, tức là khoảng tháng 6 và kết thúc khoảng tháng 12. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Theo số liệu, trung bình nhiều năm trên Biển Đông khoảng 11 - 13 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5 - 6 cơn.

Còn số lượng bão năm 2024 cũng ở mức xấp xỉ so với mức trung bình với 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới nhưng đã xảy ra bão rất mạnh và siêu bão gây ra tác động đáng kể.

Đề phòng mưa đá, dông lốc gây thiệt hại

Hiện nay, miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa, nên thời tiết có sự xáo trộn mạnh. Sự giao thoa giữa nóng và lạnh dễ gây ra dông lốc và mưa đá. Gần đây nhất, chiều ngày 25/3, đã xảy ra mưa đá ở Điện Biên, Sơn La, gây nhiều thiệt hại.

Theo cơ quan khí tượng, mưa đá, dông lốc xảy ra do có sự bất ổn định trong khí quyển, sự tranh chấp giữa khối khí nóng và lạnh. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, thường có mưa đá khi xuất hiện vùng áp thấp nóng phía Tây và các đợt không khí lạnh đầu mùa, hoặc cuối mùa.

Không khí lạnh tràn xuống, gặp nền nhiệt cao sẵn có, sẽ đẩy khối khí nóng ẩm gần mặt đất bốc lên trên cao, hình thành các đám mây dông mạnh, phát triển theo hướng thẳng đứng và có hình dạng của cái đe. Ngoài ra, rãnh gió Tây trên độ cao 5.000 m cũng là hình thế dễ tạo ra mưa đá.

Khi nhiệt độ các tầng cao đủ lạnh, các tinh thể băng hình thành trong đám mây sẽ rơi xuống và tiếp tục va chạm kết dính tạo ra những hạt mưa đá có kích thước khác nhau. Vì vậy, đối lưu càng mạnh và kéo dài thì mưa đá càng có khả năng xảy ra trên diện rộng và cường độ mạnh hơn.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến tháng 5, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông lốc, sét gió giật mạnh khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung ở những khu vực vùng núi và ven biển là chính.

Theo chuyên gia, mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường diễn ra nhanh trong vòng 10 đến 20 phút nên chỉ có thể cảnh báo chứ chưa thể dự báo được để phòng tránh thiệt hại. Người dân cần phải chú ý theo dõi các bản tin thời tiết để có những cái biện pháp phòng tránh kịp thời và hiệu quả.

Cách phòng tránh thiệt hại do mưa đá, trước tiên, người dân cần phải nhận biết các dấu hiệu sắp xảy ra mưa đá như trời nổi dông gió, mây đen, tiếng ù ù ầm ầm liên tục; tiếp đó là sự xuất hiện của mưa rào và cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, khả năng cao sẽ xảy ra mưa đá.

Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, người dân nên nhanh chóng tìm chỗ trú, trường hợp không kịp trú ẩn, cần tìm các vật cứng như mũ bảo hiểm, cặp sách để che đầu. Sau khi mưa đá qua, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi, tránh bị trơn trượt.

Khi ở trong nhà mái lá, mái ngói, mái fibro xi măng, nên trú dưới gầm bàn, ghế, giường hoặc tìm vật cứng che đầu. Để phòng tránh thiệt hại do mưa đá gây ra với hoa màu và cây trồng, người dân có thể dựng lưới, dàn che dọc theo luống, nên làm dạng mái hình tam giác sẽ giúp giảm tác động của mưa đá khi va chạm.

(Theo SKĐS)

Các tin khác
Hỗ trợ người dân dựng nhà ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

Sau huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn là địa phương được giao số lượng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo lớn thứ hai của tỉnh với 292 nhà, trong đó xây mới 258 nhà, sửa chữa 34 nhà trong năm 2025. Ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động, linh hoạt, quyết tâm và trách nhiệm cao để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cơ quan chuyên môn tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động cho lao động hành phố Yên Bái.

Năm 2025, tỉnh Yên Bái tập trung triển khai các hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động (XKLĐ), đào tạo nghề kết hợp với đào tạo ngoại ngữ, các hoạt động kết nối, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đoàn dâng hương, dâng hoa tại mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), từ ngày 25 đến 31/3, Đoàn Đại biểu Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh gồm 28 người là các CCB trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, do đồng chí Nguyễn Trung Thái - Chủ tịch Hội CCB tỉnh làm Trưởng đoàn thăm lại chiến trường xưa tại các địa phương: Thành phố Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và các tỉnh Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Kắk, Ninh Thuận. Đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và dâng hương, dâng hoa tại mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Nông dân Văn Chấn chăm sóc cây cà chua.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chăm lo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ chính sách; thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững là những nhiệm vụ được huyện Văn Chấn tập trung thực hiện trong năm 2025 để góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục