Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2025 | 7:46:59 AM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 34/QĐ-BCĐKPBMHH ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã ký Quyết định số 34/QĐ-BCĐKPBMHH ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

*Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo

Theo Quy chế, Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; các ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Trưởng ban hoặc người được Trưởng ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.

Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cụ thể quy định của Quy chế này, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trưởng ban Chỉ đạo ủy quyền cho Phó Trưởng ban Chỉ đạo xử lý những vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực được phân công.

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo; thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công. Ý kiến tham gia của thành viên Ban Chỉ đạo là ý kiến chính thức của cơ quan, tổ chức nơi công tác.

*Trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng ban Chỉ đạo

Quy chế nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng ban Chỉ đạo gồm quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo, điều hành chung các hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; triệu tập, chủ trì các cuộc họp thường xuyên và đột xuất của Ban Chỉ đạo.

Cùng với đó, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách và những giải pháp thực hiện; ủy quyền cho Phó Trưởng ban thường trực hoặc các Phó Trưởng ban khác của Ban Chỉ đạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng ban khi cần thiết và quyết định việc bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; bổ sung, thay thế ủy viên Ban Chỉ đạo trong trường hợp cần thiết.

Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Trưởng ban Chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ giải pháp để chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức thực hiện những vấn đề liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh. Đồng thời, thực hiện vai trò là cơ quan tổng hợp, phối hợp công việc giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương liên quan; tổ chức xây dựng báo cáo thường xuyên, đột xuất về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

*Theo Quyết định số 35/QĐ-BCĐKPBMHH kiện toàn Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Trưởng Cơ quan Thường trực là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo.

Các Phó Trưởng Cơ quan Thường trực gồm các Ủy viên Ban Chỉ đạo: Thứ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các ủy viên Cơ quan Thường trực trong Quân đội gồm: Cục trưởng Cục Khoa học quân sự/Bộ Quốc phòng (Ủy viên thường trực); Tư lệnh Binh chủng Công binh/Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Binh chủng Hóa học/Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị; Thủ trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội/Tổng cục Chính trị; Thủ trưởng Cục Chính sách - Xã hội/Tổng cục Chính trị; Thủ trưởng Cục Tác chiến/Bộ Tổng Tham mưu.

Các Ủy viên Cơ quan Thường trực ngoài Quân đội là lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Công an.

Thư ký Cơ quan Thường trực là cán bộ Văn phòng Bộ Quốc phòng.

Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đặt tại Cục Khoa học quân sự/Bộ Quốc phòng do Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quyết định thành lập. Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự kiêm nhiệm làm Chánh Văn phòng Cơ quan Thường trực.

(Theo VTV)

Các tin khác
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.

Sáng 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước phát biểu

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay, qua vụ phá đường dây gần 600 loại sữa giả, vấn đề đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai?

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên nông dân huyện Mù Cang Chải

Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh phong trào, vận động hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Hàng năm đã có 100% cơ sở Hội phát động phong trào, thu hút từ 60-70% hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Trung đoàn 752, Sư đoàn 355 tuyên dương chiến sĩ mới bắn giỏi năm 2025.

Sau khi tiếp nhận chiến sĩ mới, Sư đoàn 355, Quân khu II đã tổ chức biên chế, sắp xếp nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập, gặp gỡ, nắm bắt tư tưởng, động viên, hướng dẫn, giúp chiến sĩ mới tự tin với môi trường mới. Đến nay, những người lính trẻ bước đầu đã an tâm về tư tưởng, nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân ngũ, đoàn kết, hăng say rèn luyện và chấp hành nghiêm túc chế độ, quy định của đơn vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục