Tại 1 điểm chính, 6 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoạ Mi, xã Bản Mù, cách chào hỏi truyền thống đã được thay thế bằng cách chào theo ý trẻ, tương ứng với biểu tượng cảm xúc ngộ nghĩnh được dán trên cánh cửa lớp học. Đó có thể là những cái ôm, cái bắt tay, đập tay, điệu nhảy, giúp trẻ cảm nhận rõ hơn tình yêu thương của cô giáo, vui vẻ, hào hứng bắt đầu một ngày mới. Ngoài ra, nhà trường còn tích cực đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, văn nghệ, trải nghiệm thú vị, tạo hứng thú để trẻ thích và mong muốn đến trường.
Cô giáo Vũ Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Những năm qua, 3 nhóm nội dung, 20 tiêu chí của mô hình "Trường học hạnh phúc” được coi là những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục của đơn vị. Với đặc thù là trường vùng cao, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song chúng tôi đã luôn nỗ lực trong việc tạo dựng cảnh quan môi trường gần gũi với trẻ bằng những đồ dùng, đồ chơi tự làm; thường xuyên tổ chức các hội thi, các phong trào thi đua nhằm thúc đẩy giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo phương châm lấy trẻ làm trung tâm, tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi yêu thương, tôn trọng và an toàn. Đồng thời, tích cực kết nối để chăm sóc trẻ tốt hơn. Trong năm học này, nhà trường đã chủ động kết nối với một số đơn vị, nhà hảo tâm để hỗ trợ gạo cho học sinh nhóm nhà trẻ và tổ chức 1 bữa ăn cải thiện/ tuần cho học sinh”.
Cùng với Trường Mầm non Họa Mi, 100% trường học trên địa bàn huyện Trạm Tấu cũng đã tích cực triển khai các nội dung của "Trường học hạnh phúc”, đem lại hiệu quả thiết thực. Các đơn vị đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để tích cực cải tạo, sửa chữa khuôn viên, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tạo nhiều không gian vui chơi và học tập cho học sinh phù hợp với từng cấp học.
Đến nay, 94,9% phòng học trên địa bàn huyện đã kiên cố và bán kiên cố; 15/15 đơn vị trường phổ thông đã bố trí phòng tư vấn tâm lý học đường và phân công cán bộ, giáo viên phụ trách. "Phòng chờ hạnh phúc” cũng được một số trường xây dựng, tạo không gian thư giãn sau mỗi giờ nghỉ giải lao cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học được thay đổi theo hướng tạo hứng thú, tạo nhiều cơ hội cho học sinh được trải nghiệm, chủ động thể hiện quan điểm, ý tưởng, thói quen làm việc nhóm và hợp tác. Ở cấp mầm non, các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo phương châm "học thông qua vui chơi, trải nghiệm" được tổ chức thường xuyên.
Câu lạc bộ cha mẹ được thành lập để hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ đọc, viết và làm quen với Toán tại gia đình. Đối với giáo dục phổ thông thì phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được đổi mới theo hướng phát triển năng lực người học, đánh giá đúng thực chất năng lực và vì sự tiến bộ của người học, không gây áp lực cho giáo viên, học sinh.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình trường học gắn với thực tiễn, quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, các hoạt động tập thể, các trò chơi dân gian trong nhà trường...
Em Sùng Thị Giở - học sinh Lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Phình Hồ chia sẻ: "Em rất hạnh phúc khi được học tập tại đây. Các thầy cô luôn quan tâm tới chúng em, cả trong học tập lẫn cuộc sống. Nhà trường thì tổ chức ngày càng nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích như: chương trình kỷ niệm các ngày lễ, tết, ngày hội STEM, các buổi giáo dục kỹ năng sống… Đặc biệt, chúng em được tạo điều kiện để học tập và tham gia các nhóm sở thích, qua đó trở nên đoàn kết, gắn bó hơn, được thỏa sức thể hiện đam mê, năng khiếu của mình”.
Đến nay, huyện Trạm Tấu đã có 24/27 đơn vị trường đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc". Việc xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” không chỉ là một phong trào lớn, thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mà còn là một biểu tượng của sự đổi mới trong giáo dục ở vùng cao Trạm Tấu nói riêng và Yên Bái nói chung. Đến trường không chỉ còn là truyền đạt kiến thức mà còn là sự chăm sóc toàn diện về tâm lý và tình cảm. Thầy cô không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người bạn luôn lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc và khó khăn của học trò.
Hoài Anh