Phóng viên: Hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện các hoạt động như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Huy Cường: Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chăm lo đoàn viên, người lao động (NLĐ) đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, cải thiện điều kiện sống, làm việc của công nhân lao động (CNLĐ), tôn vinh và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và CNLĐ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; năm nay Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân với chủ đề "Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới” và Hướng dẫn tổ chức các hoạt động Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025 với chủ đề "Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Theo đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện một số hoạt động trọng tâm như: Tổ chức Lễ phát động "Tháng Công nhân” và "Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh, lao động” năm 2025; Chương trình "Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”; Chương trình "Cảm ơn người lao động”; tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động; tổ chức Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), giới thiệu phát triển đảng viên là công nhân; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; các hoạt động phối hợp thanh tra về an toàn, vệ sinh, lao động; ….
Đến nay có 11/11 CĐCTTTCS tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ và trên 50% CĐCS tổ chức các hoạt động hưởng ứng với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực hướng về người lao động như: Trên 98% đoàn viên, NLĐ được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (như: Pháp luật ATVSLĐ, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, pháp luật về ATGT, phòng chống tội phạm,....); gần 10 nghìn người được hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi, bữa ăn ca với số tiền 15 tỷ đồng; 3,2 nghìn người được tham gia các hoạt động VH-VN, TD-TT nâng cao sức khỏe; 1,2 nghìn người được khám, tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật lao động miễn phí; 65% CĐCS tổ chức cho NLĐ tham gia và xây dựng mô hình "Công nhân sáng tạo”, "Công dân số”; trên 5 nghìn lượt người có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, số tiền gần 4,5 tỷ đồng; phát triển mới 1.012 đoàn viên, thành lập mới 17 CĐCS.
LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 546 suất quà, số tiền 346 triệu đồng và trao 41 nhà Mái ấm công đoàn số tiền 1,8 tỷ triệu đồng; tổng số tiền 2,146 tỷ đồng cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đoàn viên bị tai nạn lao động. Đây là những hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa của các cấp công đoàn trong tỉnh đối với CNVCLĐ.
Phóng viên: Để đội ngũ CNLĐ tỉnh Yên Bái tự tin phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên mới, vậy các cấp công đoàn tỉnh Yên Bái có giải pháp gì để khích lệ đoàn viên, CNLĐ hăng say, cống hiến nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm tại các đơn vị, doanh nghiệp, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Huy Cường: Tập trung tuyên truyền về sứ mệnh và vai trò của giai cấp công nhân trong tình hình mới, khẳng định giai cấp công nhân là lực lượng quan trọng nhất, là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế số hóa toàn cầu vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, đòi hỏi đội ngũ công nhân phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển các kỹ năng số, nâng cao năng suất lao động, giữ vững vai trò tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để từ đó khơi dậy tinh thần, ý chí của người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hăng say lao động, sản xuất.
Tổ chức các hội thi thợ giỏi, ôn lý thuyết, luyện tay nghề …. tạo không khí vui tươi, phấn khởi và tinh thần tự giác học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; làm việc với kỷ luật cao, năng suất, chất lượng tốt hơn đồng thời tích cực tham gia đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Bên cạnh việc khen thưởng thường xuyên, đột xuất, các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng công nhân lao động có thành tích xuất sắc trong Tháng Công nhân, Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Tuyên truyền, phổ biến những gương điển hình tiên tiến trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công nhân lao động.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động và phối hợp với doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thực sự xem người lao động là tài sản quý giá nhất, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng số và khả năng thích ứng với công nghệ mới; tổ chức tốt các phong trào thi đua, thúc đẩy công nhân lao động chủ động học hỏi, rèn luyện kỹ năng, tăng cường kỷ luật, không ngừng đổi mới, sáng tạo và yêu lao động, gắn bó với doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi hướng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025.
Phóng viên: Một trong những chủ đề của Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay là "Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Nội dung này được các cấp công đoàn trong tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Huy Cường: LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện tốt Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, đó là, "Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc” thông qua việc tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động ATVSLĐ và các hoạt động chuyên đề như: tổ chức các hoạt động truyền thông, phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ; phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; quan tâm xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gắn với bảo vệ môi trường song song với việc kiện toàn nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động đối thoại thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể, tổ chức tư vấn khám sức khỏe định kỳ, tổ chức Bữa cơm Công đoàn…
Kết quả đến nay, LĐLĐ tỉnh đã chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động ATVSLĐ năm 2025, tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về công tác ATVSLĐ cho 120 đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Lục Yên; 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức Lễ phát động hoặc hoạt động chuyên đề về công tác ATVSLĐ, có 03 công đoàn cơ sở phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, thương lượng ký bổ sung 03 bản TƯLĐTT tăng giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng/suất lên 22.000đồng/suất; có 1.200 người lao động được hưởng thụ "bữa cơm Công đoàn”, 3.000 người lao động được tư vấn sức khỏe miễn phí, 17 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện cho người lao động, quan trắc môi trường; kiểm định kỹ thuật trang thiết bị; công tác tự kiểm tra, giám sát an toàn, nhận diện nguy cơ để phòng ngừa nguy cơ tai nạn lao động.
Dự kiến trong tháng 5/2025, các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và người sử dụng lao động tăng cường các giải pháp đồng bộ để khắc phục khó khăn, làm tốt hơn nữa việc bảo đảm an toàn, chăm lo đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Với sự đổi thay của đất nước, nhất là trong công cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức công đoàn đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo hơn nữa từ mô hình đến phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ. Vậy thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Yên Bái cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Huy Cường: Trong thời gian qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn tỉnh Yên Bái nói riêng đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, từng bước khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Tuy nhiên, trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn nói chung và công đoàn tỉnh Yên Bái nói riêng phải chủ động đổi mới, thích ứng linh hoạt để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Trong thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Yên Bái xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, cần phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng sát cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý đoàn viên và triển khai hoạt động một cách linh hoạt, hiệu quả, tiết kiệm.
Thứ hai, tăng cường công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình sản xuất. Đẩy mạnh thương lượng tập thể, ký kết thoả ước lao động tập thể chất lượng; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật. Đa dạng hóa nội dung, phương thức tư vấn pháp luật, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi làm việc. Hoàn thiện thủ tục thành lập và tổ chức hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ người lao động đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; coi đây là phương thức bảo vệ đoàn viên, người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.
Thứ tư, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, nhất là trong dịp lễ, Tết, Tháng Công nhân,…Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp trong chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Chủ động, tích cực tìm đối tác, nhà tài trợ để tăng cường nguồn lực chăm lo và ký kết nhiều chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội: Nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn về công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, phản biện chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động. Tích cực tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát gắn với công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn.
Thứ sáu, tập trung lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công đoàn, kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn các cấp.
Thứ bảy, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Qua đó khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến, trách nhiệm với công việc.
Thứ tám, tập trung phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đặc biệt là trong khu vực ngoài nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, hướng đến việc chăm lo thiết thực, hiệu quả hơn cho đoàn viên.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đức Toàn