Hương ước, quy ước làng văn hóa: Có cụ thể mới thiết thực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, cùng với việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, việc xây dựng và ký kết các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, cụm dân cư đã góp phần không nhỏ trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư.

Nhà văn hóa Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lô.(Ảnh: TL)
Nhà văn hóa Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lô.(Ảnh: TL)

Thực hiện chủ trương mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở, nhiều địa phương đã và đang xây dựng và hoàn thiện hương ước, quy ước làng văn hóa trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của hương ước cũ, đồng thời cũng phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Hương ước, quy ước mới không chỉ góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn là công cụ đắc lực hỗ trợ các cuộc vận động duy trì an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giải quyết các tranh chấp, các va chạm nhỏ trong nhân dân, xóa đói giảm nghèo...

 

Xin lấy từ thực tế một địa phương là huyện Lục Yên. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT giữa Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), Bộ Tư pháp và Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn và thực hiện hương ước, quy ước làng văn hóa, hiện nay hầu hết các thôn, bản trên địa bàn huyện Lục Yên đã tiến hành xây dựng, soạn thảo, thẩm định và ký kết xong các hương ước, quy ước làng văn hóa. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cũng như nâng cao trình độ nhận thức và am hiểu pháp luật cho nhân dân.

 

Qua thẩm định cho thấy, các hương ước, quy ước làng văn hóa đều đảm bảo tính chặt chẽ và đầy đủ về mặt nội dung: đã cụ thể hóa các quan hệ xã hội, quan hệ thôn xóm thành các chế định mang tính bắt buộc thực hiện chung đối với mỗi người dân trong cộng đồng. Một số nội dung quan trọng mà tất cả các hương ước, quy ước đều thể hiện được, đó là bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong mĩ tục, thực hiện các hành vi ứng xử văn minh trong giao tiếp, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh, đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng, chống ô nhiễm nguồn nước, biện pháp bài trừ các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nâng cao trách nhiệm cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, hương ước, quy ước còn quy định rõ mỗi người dân phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, hôn nhân - gia đình và trật tự an toàn xã hội đồng thời có trách nhiệm vận động người khác cùng thực hiện.

 

Tuy nhiên, các quy ước, hương ước này có đem lại hiệu quả thiết thực trong việc góp phần xây dựng đời hay không? Qua thực tế trên địa bàn huyện cho thấy, tại các thôn, bản, nhất là thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tình trạng người dân ăn ở mất vệ sinh còn rất phổ biến. Trâu bò, gia súc, gia cầm còn thả rông hay nhốt dưới gầm sàn nhà, vừa mất mĩ quan, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà con. Dọc đường thôn, ngõ xóm vẫn còn phân trâu, phân bò; cỏ dại mọc um tùm xung quanh khu vực nhà ở. Công trình vệ sinh không đảm bảo tiêu chuẩn lại đặt ngay sát khu vực giếng nước ăn, rác thải vứt bừa bãi khắp nơi.

 

Khá phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm ma cho người thân quá tốn kém, lãng phí tiền của và thời gian, kể cả đối với những gia đình kinh tế rất khó khăn. Theo tập quán, khi gia đình có người thân qua đời, họ hàng, nội ngoại sẽ tiến hành tang lễ trong vài ba ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình tang chủ sẽ phải tổ chức ăn uống trong suốt thời gian đó. Số lợn, gà, trâu, bò bị giết và số tiền bỏ ra làm ma đương nhiên tỷ lệ thuận với lượng bà con thân thích đến viếng thăm. Với nhà khá giả còn là gánh nặng, với nhà khó khăn, đó là cả một gánh nợ khổng lồ đè lên vai người còn sống.

 

Một phong tục nữa cũng cần chấm dứt, đó là khi cha hoặc mẹ chết, mỗi người con gái đã trưởng thành (đã lập gia đình riêng) phải thuê một phường kèn trống riêng khóc cha, mẹ để tỏ lòng hiếu kính. Mỗi lần như thế cũng phải chi phí một số tiền không nhỏ. Bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha, mẹ thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, rất cần khuyến khích và ủng hộ, nhưng làm như cách kể trên đã gây tốn kém không ít về tài chính.

 

Thêm vào đó, xét khía cạnh tuân thủ luật pháp về quản lý và đăng ký hộ tịch thì mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều, đã trực tiếp tham gia ký kết vào các hương ước, quy ước xây dựng làng văn hóa, nhưng phần lớn bà con dân tộc thiểu số vẫn chưa có thói quen đi đăng ký khai tử tại UBND xã khi có người thân qua đời. Qua kiểm tra, tình trạng này không chỉ ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn ở cả vùng thấp. Thực tế cho thấy, chỉ có một số rất ít người dân làm thủ tục khai tử cho người chết khi có liên quan đến chế độ, chính sách. Điều này cũng là một khó khăn trong công tác quản lý nhân hộ khẩu ở địa phương.

 

Rồi tình trạng tảo hôn tại một số xã như Mường Lai, Trúc Lâu; tình trạng trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh tại một số xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc Dao, chặt phá rừng bừa bãi để đốt nương làm rẫy, tình trạng vi phạm Luật An toàn giao thông vẫn xảy ra tại một số địa phương. Điều đó cho thấy, hương ước, quy ước chưa thực sự có hiệu quả thực tế đối với người dân không chỉ riêng Lục Yên. ở nhiều địa phương, hương ước, quy ước mới chỉ mang tính hình thức.

 

Thiết nghĩ, các địa phương khi tiến hành xây dựng và ký kết các hương ước, quy ước, cần nhấn mạnh vào nội dung thưởng, phạt hợp lý và áp dụng các chế tài mang tính răn đe, giáo dục cao đối với các trường hợp cố tình không thực hiện các quy định đã nêu trong hương ước, quy ước. Có như thế, hương ước, quy ước mới thực sự trở thành công cụ đắc lực góp phần tăng hiệu quả tự quản trong cộng đồng dân cư, hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đó cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của mỗi địa phương.

 

Kim Ngân

Các tin khác

YBĐT - Thành lập tháng 11 năm 2005, Công đoàn xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có 25 đoàn viên. Đi vào hoạt động, Công đoàn xã đã xây dựng quy chế làm việc; quy chế phối hợp hoạt động giữa công đoàn với chính quyền, với các đoàn thể chính trị xã hội; xác định rõ công việc để chủ động trong công tác, tránh chồng chéo, lấn sân.

YBĐT - Năm 2007, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và quản lý cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ của đơn vị.

YBĐT - Thực hiện Chiến lược quốc gia về thanh toán bệnh sởi, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho trên 37 nghìn người từ 6 đến 20 tuổi.

Ông Nguyễn Đức Hải - GĐ Công ty sách và thiết bị trường học trao giải cho các thí sinh đạt giải nhì.

YBĐT - 10-11/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái tổ chức Hội thi giáo viên tiểu học viết chữ đẹp cấp tỉnh. 110 giáo viên tham dự là những người có thành tích cao trong quá trình rèn luyện, đóng góp cho phong trào viết chữ đẹp của các huyện, thị và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục