Mù Cang Chải: Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong giáo dục quốc phòng - an ninh
- Cập nhật: Thứ tư, 19/12/2007 | 12:00:00 AM
YBĐT - Toàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có trên 45 vạn dân, sinh sống ở 117 thôn, bản thuộc 14 xã, thị trấn thì có tới 214 già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Trong đó, có 39 người là đảng viên, cao tuổi nhất là già làng 81 tuổi, hầu hết các già làng đều là người dân tộc Mông và dân tộc Thái. Đây chính là lực lượng được Ban CHQS huyện Mù Cang Chải xác định là nòng cốt, là hạt nhân tích cực và quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục quốc phòng-an ninh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
Các già làng trưởng bản tại lớp bồi dưỡng giáo dục quốc phòng.
|
Thực tế, ở Mù Cang Chải, các già làng, trưởng dòng họ là những người có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tinh thần, tâm lý của đồng bào dân tộc. Họ là những người luôn gương mẫu đi đầu trong việc chăm lo lợi ích của dòng họ, bản làng; tiếng nói của già làng, trưởng dòng họ có trọng lượng, có tính thuyết phục cao và cách làm của họ góp phần tạo dựng hướng đi mới trong các phong trào phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo ở cơ sở.
Nhờ đó, mà đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông trên vùng cao Mù Cang Chải ngày càng được nâng lên. Từ thực tế đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng tỉnh đã chỉ đạo huyện Mù Cang Chải tổ chức làm điểm cho tỉnh về mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để rút kinh nghiệm chỉ đạo cho các địa phương vận dụng triển khai hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng-an ninh cho nhân dân.
Hội đồng Giáo dục quốc phòng huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín tại huyện. Tiếp đó là việc khảo sát, lập danh sách để nắm rõ thành phần, số lượng các già làng để xây dựng kế hoạch mở lớp. Kết quả, lớp học đầu tiên này đã có 47 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín ở cả 14/14 xã, thị trấn trong huyện tham gia học tập.
Có mặt ngay từ ngày đầu tiên triệu tập lớp học, chúng tôi thực sự cảm động khi thấy các già làng, trưởng dòng họ người Mông, người Thái lặn lội từ các thôn, bản xa xôi của các xã: Chế Tạo, Nậm Có, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Lao Chải... về Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện để dự lớp.
Cụ ông Sùng Vảng Dơ - 77 tuổi, là già làng của bản Tà Dông-xã Chế Tạo cười móm mém: "Phải về huyện học thêm kiến thức quốc phòng-an ninh về còn biết cách khuyên con cháu mình, dòng họ mình tập trung vào làm ăn, không làm điều xấu, không di dân tự do nữa chứ!". Còn già làng Thào Nủ Ninh-76 tuổi, của bản Nậm Khắt xã Nậm Khắt lại nói: "Lần này được tập huấn nhiều kiến thức bổ ích lắm. Nhưng quý nhất vẫn là biết cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống âm mưu "Diễn biến hòa bình".
Có thể nói, đây cũng chính là thành công ngoài mong đợi của ban tổ chức lớp học. Bởi, không ai khác mà chính các cụ-những người có uy tín trong làng, bản đã hiểu và nắm rất chắc các nội dung chương trình học tập mà các giảng viên, báo cáo viên Hội đồng Giáo dục quốc phòng huyện muốn truyền đạt.
Ở Mù Cang Chải, nếu như trưởng dòng họ chịu trách nhiệm giải quyết việc tín ngưỡng, tâm linh trong họ tộc của mình thì các già làng lại có vai trò giải quyết tất cả mọi công việc trong làng, bản - nơi có nhiều dòng họ cùng chung sống. Vì thế, khi đã được tiếp thu hết những nội dung các chuyên đề như: chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng, Nhà nước; Pháp lệnh Dân quân tự vệ, dự bị động viên, chống "Diễn biến hòa bình"..., các già làng, trưởng dòng họ rất quan tâm đến vấn đề trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các thôn, bản trong xử lý các tình huống của bản mình, thôn mình sao cho thấu tình đạt lý và đảm bảo đúng pháp luật.
Trường hợp của ông Hảng Tồng Chư - trưởng dòng họ Hảng ở bản Chống Tông và ông Lý Vàng Su-già làng ở bản Chống Páo Sang-xã La Pán Tẩn là một ví dụ. Để chuẩn bị cho ngày ra mắt xây dựng xã văn hóa (giai đoạn 2007-2012) vào đầu tháng 12/2007 vừa qua, các già làng và trưởng dòng họ ở 7 thôn, bản trong xã đã cùng phối hợp, cùng thảo luận để có những cách làm hay, những kinh nghiệm truyền dạy con, cháu tốt trong phong trào xây dựng làng, bản văn hóa, đẩy lùi đói nghèo và hủ tục lạc hậu, xây dựng thôn, bản văn hóa. Trưởng dòng họ vận động dòng họ mình xuống núi định cư, không di dân để chống đói nghèo. Già làng thì tuyên bố với cả bản một câu ngắn gọn nhưng rất quyết liệt và mang tính giáo dục cho cả cộng đồng:"Giàu, di cư thì nghèo. Nghèo, di cư thì chết". Vậy là cả dòng họ nghe theo, cả bản, cả xã cùng nhất trí và nghe theo.
Dựa vào dân, dựa vào những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, dựa vào vị trí và vai trò quan trọng của đội ngũ các già làng, trưởng dòng họ ở vùng cao để xây dựng và củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân, Hội đồng Giáo dục quốc phòng huyện Mù Cang Chải đã thành công trong việc triển khai bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín trong huyện.
Trở về cơ sở, về với những thôn, bản vùng cao còn nhiều khó khăn, các già làng, trưởng dòng họ và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc các xã của Mù Cang Chải đều nhất trí cao với các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Được tăng cường thêm sự hiểu biết giữa các dân tộc, nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đoàn kết toàn dân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chính họ là những thành trì vững chắc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, Đoàn thanh niên huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 4.922 đoàn viên, sinh hoạt tại 25 chi đoàn cơ sở. Với sức trẻ và nhiệt huyết của mình, tuổi trẻ Trạm Tấu luôn xác định mình là lực lượng tiên phong trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy, chống tái trồng cây thuốc phiện ở huyện vùng cao...
YBĐT - Vừa qua, Trung ương Đoàn đã phối hợp với Tỉnh đoàn Lào Cai tổ chức Hội thi “CLB gia đình trẻ hạnh phúc” khu vực miền núi phía Bắc tại thành phố Lào Cai với sự tham gia của 10 đội thi của 10 “CLB gia đình trẻ hạnh phúc” đại diện cho 10 tỉnh miền núi phía Bắc.
YBĐT - Cũng như các tổ chức đoàn thể khác, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động của tổ chức hội, Ban chấp Hội Phụ nữ xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, (Yên Bái) thường xuyên đi sâu, đi sát tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên để từ đó xây dựng kế hoạch hành động, tạo điều kiện, giúp đỡ chị em trong xã phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
YBĐT - Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân huyện, nỗ lực của các hội viên nên hoạt động của Hội Nông dân Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương.