Nhìn lại công tác xã hội hóa ở thành phố Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 16/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Căn cứ Đề án xã hội hóa (XHH) của tỉnh Yên Bái, Thành ủy, HĐND thành phố Yên Bái đã đề ra những nghị quyết để thực hiện XHH trong các lĩnh vực xã hội. Thực hiện các nghị quyết đó, UBND thành phố đã có những chỉ đạo cụ thể để thực hiện.
Giờ vui chơi của các cháu mầm non Trường Mầm non tư thục Thanh Hằng.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Cùng những ưu đãi về đất đai, hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị... thành phố đã có phương án giải quyết đội ngũ cán bộ giáo viên theo tinh thần tinh giảm biên chế; chỉ đạo các cơ sở y tế công lập xây dựng đề án XHH và công tác chi tiêu nội bộ; huy động sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức để mua sắm trang thiết bị; tổ chức liên kết với các bệnh viện các tuyến; huy động sự đóng góp của tổ chức cá nhân trong các hoạt động này; chỉ đạo các thôn, khu dân cư quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà văn hóa...
Bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp, sau một thời gian, 4 trường mầm non bán công trên địa bàn thành phố đã xây dựng xong phương án chuyển sang tư thục. Có thêm 2 trường tư thục là: Mầm non Bình Minh ở phường Nguyễn Thái Học; Trường Mầm non Minh Huệ ở phường Đồng Tâm. Các trường đã thu hút trên 1021 trẻ (chiếm 27,5% số trẻ) vào trường dân lập, giảm tải áp lực cho các trường công lập. Từ XHH, nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi với tổng kinh phí cho các trường mầm non là 1,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp là 580 triệu đồng.
Tại các trường công lập, nhân dân đóng góp và các nguồn hỗ trợ khác với kinh phí 1,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị học tập.
Đến nay, 11/11 phường, xã của thành phố đã xây dựng được Hội Khuyến học với 18.746 hội viên; 41 chi hội trường học với 1.142 hội viên; các ban khuyến học cơ quan, doanh nghiệp, dòng họ, đồng hương tại 160 hội cơ sở với tổng số 20.732 hội viên; xây dựng được quỹ khuyến học với tổng số tiền trên 320 triệu đồng; 11/11 xã phường đã xây dựng được trung tâm học tập cộng đồng...
Lĩnh vực y tế trong công tác XHH cũng thu được những kết quả đáng khích lệ. Bệnh viện đa khoa thành phố đã huy động nguồn vốn từ cán bộ công, viên chức góp vốn mua được máy siêu âm màu 4 chiều; liên kết với bệnh viện tuyến trên tổ chức phẫu thuật theo yêu cầu và lắp đặt một số máy móc thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh như: máy xét nghiệm sinh hóa máu, sinh hóa nước tiểu...
Đã có thêm một phòng khám đa khoa mới là Y cao Hồng Đức đi vào hoạt động; Phòng khám Đa khoa 103 đã hoàn thành xây dựng và chuyển vào sử dụng tại cơ sở mới; hoạt động của 82 cơ sở hành nghề y tư nhân, 93 cơ sở hành nghề dược tư nhân không ngừng nâng cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong quá trình XHH cũng có những chuyển biến đáng kể. Tất cả 11 xã, phường thành phố đều tổ chức được 25 hội diễn văn nghệ và hội thi cơ sở với hơn 2000 diễn viên quần chúng tham gia; các cá nhân và tập thể đã đóng góp được hàng chục triệu đồng cho các hoạt động này. Đã có 16 thôn và khu phố đã quy hoạch được quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa và từ sự tạo điều kiện của chính quyền mà Khu vui chơi giải trí Cát Thành đã được xây dựng và đưa vào hoạt động...
Từ nay đến 2010, thành phố tiếp tục chuyển đổi hết 11 trường mầm non ra ngoài công lập, thành lập mới thêm các trường tư thục; ổn định và cân đối đội ngũ cán bộ giáo viên ở tất cả các cấp học, phấn đấu có 50 % số trường mầm non, 100% các trường tiểu học và 50% số trường THCS đạt chuẩn quốc gia; chuyển Bệnh viện Đa khoa thành phố sang bệnh viện ngoài công lập với quy mô 100 - 120 giường bệnh; đến hết năm 2009 sẽ tự chủ 50% kinh phí hoạt động; xây dựng mới 4 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ gần dân; 80% số tổ dân phố có câu lạc bộ, đội văn nghệ; 90% gia đình, cơ quan, đơn vị, 80% thôn tổ, 2 phường đạt tiêu chuẩn văn hóa... |
Dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng quá trình triển khai công tác XHH ở thành phố Yên Bái vẫn còn những tồn tại, gây cản trở đến lộ trình thực hiện đề án XHH đó là, các cấp, các ngành chưa quan tâm thường xuyên đến công tác XHH; nhiều hoạt động trong lĩnh vực này còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ. Công tác tuyên truyền phổ biến về công tác XHH chưa sâu rộng, hình thức chưa phong phú nên không ít cán bộ, công chức, nhân dân chưa có nhận thức đúng về chủ trương XHH và vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước.
Trong quản lý, giám sát thu, chi các khoản đóng góp tại các nhà trường chưa chặt chẽ, gây bức xúc trong nhân dân. Các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời. Do còn hạn chế về nguồn nhân lực, trang thiết bị, ngân sách cấp cho y tế dự phòng thấp nên công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Dù đã có sự quan tâm và đầu tư nhưng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được xây dựng nhiều, trang bị còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tập luyện thường xuyên của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng; quy mô và các ngành nghề đào tạo chưa phong phú, đa dạng, chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, công tác dạy nghề chưa gắn chặt với thị trường lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với các ngành nghề đòi hỏi lao động có kỹ thuật...
Thời gian tới, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác xã hội hóa; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của HĐND; điều hành, quản lý của UBND các cấp và phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc thực hiện XHH; tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh đã ban hành trong xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ lãi suất đầu tư khi vay vốn, các chính sách về thuê đất và giao đất...
Đồng thời, thành phố huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trong và ngoài địa bàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lơi nhất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa; tăng cường công tác cán bộ, thực hiện tinh giảm biên chế, đưa công tác XHH vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, đồng thời thực hiện công tác sơ, tổng kết để rút kinh nghiệm...
Với những kết quả cùng những mục tiêu giải pháp cụ thể, tin rằng thành phố Yên Bái sẽ thực hiện thành công công tác XHH đúng lộ trình đã đề ra.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và thí điểm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma tuý sau cai nghiện tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006-2010”, năm 2007, toàn tỉnh đã có 428/450 đối tượng đi cai nghiện tập trung, đạt 95,1% kế hoạch năm, trong đó 73 đối tượng tự nguyện, 335 đối tượng cưỡng chế.
YBĐT - Để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, ngay từ đầu năm, Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động.
YBĐT - Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác chữ thập đỏ hầu hết là kiêm nhiệm, địa bàn hoạt động rộng.
YBĐT - Nhắc đến những con đường tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái người ta thường nhắc đến Tà Si Láng (Trạm Tấu) - “Con đường của thanh niên”. Nhưng không chỉ có một Tà Si Láng mà còn biết bao con đường trên mảnh đất này in đậm dấu chân của sức trẻ tình nguyện qua những mùa hè xanh.