Mùa xuân Nậm Khắt
- Cập nhật: Thứ năm, 21/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chúng tôi đến Nậm Khắt, Mù Cang Chải (Yên Bái) trong cái rét cắt thịt da, khi đồng bào Mông ở 9 thôn bản tất bật chuẩn bị đón tết cổ truyền và tết Nguyên đán.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều hộ người Mông ở Nậm Khắt đã không còn đói giáp hạt, đủ lương thực cho gia. (Ảnh: Minh Hằng)
|
Nhà ông Thào Nủ Lềnh ở bản Nậm Khắt năm nay mổ con lợn chừng tạ rưỡi để thết đãi bạn bè và đón các con công tác trên tỉnh, trên huyện về ăn tết. Gia đình nào cũng chuẩn bị gà cúng, rượu cúng, trang trí lại nhà cửa, bàn thờ khấn tổ tiên về mừng cơm mới và cầu mong cho một năm lúa tốt, ngô nhiều, con người vui vẻ, khoẻ mạnh. Chủ tịch UBND xã Lý Chờ Khay cũng hân hoan không kém, ông cho biết: “Năm 2007, toàn xã gieo trồng được 492 ha, trong đó 370 ha lúa ruộng, 62 ha lúa nương, 105 ha ngô và 45 ha hoa màu khác. Vì là xã thuần nông nên việc bảo đảm an ninh lương thực là vô cùng quan trọng.
Cùng với kiểm tra sát sao việc triển khai gieo cấy hết diện tích, xã tích cực đưa giống lúa lai vào gieo cấy, tăng năng suất lúa vụ mùa đạt 40 tạ/ha. Và cũng như nhiều xã khác của huyện Mù Cang Chải, Nậm Khắt đã đảm bảo được nguồn cung ứng lương thực tại chỗ”. Nhớ có lần anh Thào A Sàng - Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện kể, quê mình có câu chuyện vui, hai con trâu quần nhau chẳng làm đổ nổi đám mạ vì đất xấu không nuôi nổi cây lúa lên bông. Thế mà, bây giờ có được kết quả như vậy, đúng là cuộc cách mạng không chỉ trong nông nghiệp mà chính trong tư tưởng người dân Mông vốn sâu rễ bền gốc với tập quán canh tác lạc hậu! Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho địa phương khá nhiều để phát triển kinh tế, như cấp không 4.500 kg thóc giống, 500 kg giống ngô, đưa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về tận nơi phục vụ, đầu tư cho công trình thuỷ lợi Làng Minh, Lả Khắt, khai hoang trên 20 ha ruộng nước và xây dựng đường giao thông, cầu treo. Nhưng nếu chỉ trông vào cây lúa thì Nậm Khắt khó có thể phát triển bền vững, đời sống nhân dân chưa đủ cái ăn chứ sao có thể nói chuyện giàu.
Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, Đảng bộ và chính quyền xã tập trung chỉ đạo từ năm 1997 - 2000 đưa cây chè Shan vào trồng. Đến nay, diện tích 468 ha chè có ở tất cảc các thôn bản Nậm Khắt, Hua Khắt, Làng Minh, Làng Sang…
Trong năm, đã vận động bà con nông dân phát băng, vun gốc, rẫy cỏ, thu hoạch đúng trật theo kế hoạch của huyện và Lâm trường Púng Luông, sản lượng búp tươi gần 25 tấn. Có gia đình như hộ anh Giàng Khau Sà thu mỗi vụ 8 triệu đồng từ bán chè búp tươi. Ưu thế lớn của địa phương là diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng trên 11 ngàn ha. Cùng với tích cực bảo vệ hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng khoanh nuôi, hàng năm xã đều có kế hoạch trồng rừng.
Năm 2007, đã thực hiện tốt kế hoạch đề ra với diện tích 170 ha, trong đó, rừng tập trung 110 ha, rừng kinh tế 60 ha. Với ý thức coi “Rừng là vàng”, đồng bào hết lòng gìn giữ và rừng Nậm Khắt luôn luôn xanh tươi, không có vụ cháy rừng nào xảy ra, tình trạng khai thác lâm sản trái phép cũng giảm. Và chính nguồn lợi từ rừng đã mang lại cho xã ngót tỷ đồng từ thu hái 200 tấn quả Sơn tra, nuôi ong trên 500 tổ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III, nhiệm kỳ 2005 - 2010 cũng xác định, trong kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi lên 55% và giảm tỷ trọng trồng trọt xuống còn 40%. Rõ ràng, đây là hướng đi đúng và vùng quê này sẽ khá lên khi có sản phẩm hàng hoá là đại gia súc cùng các giống đặc sản địa phương như lợn, gà đen, dê núi.. Mặc dù, cả nước có dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch cúm gia cầm nhưng do sớm tiêm phòng và có biện pháp cách ly kịp thời mà tổng đàn của xã vẫn ổn định với 647 con trâu, 378 con bò, 800 con lợn, 614 con dê cùng hàng ngàn gia cầm. Hàng tuần, phiên chợ trung tâm xã khách xuôi vẫn lên đón nhận nguồn hàng nông sản của cả vùng và của riêng Nậm Khắt.
Đến Nậm Khắt bây giờ, dù chưa thấy xuất hiện nhiều người giầu nhưng cũng đã xuất hiện một số chủ trang trại khá. Người ta có thể kể ra những Giàng Khua Sử, Giàng Vàng Của ở bản Nậm Khắt với mức thu 20 triệu đồng/năm; Thào Nhà Lềnh ở bản Hua Khắt có trên 20 ha rừng, mỗi năm gia đình có tổng thu nhập hơn 70 triệu đồng. Hiện nay, xã vẫn đang còn nhiều thiếu thốn, nhưng với đầu tư của Nhà nước và cố gắng của Đảng bộ, nhân dân, Nậm Khắt sẽ vươn lên, từng bước ra khỏi diện địa phương đặc biệt khó khăn.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Sau gần 50 năm thành lập, Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã xây dựng và phát triển tổ chức hội rộng khắp; kế thừa và phát huy tốt nền y, dược học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, góp phần tích cực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Những người đi xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai sẽ bị coi như không đội mũ và xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Quy định mới này sẽ được áp dụng từ cuối tháng 2.
YBĐT - Trong năm qua, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) luôn được bảo đảm, không có "điểm nóng" phức tạp xảy ra, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Để đạt được kết quả đó, lực lượng công an từ huyện đến cơ sở đã thường xuyên thực hiện tốt công tác nắm tình hình, đấu tranh phòng chống tội phạm, tuyên truyền vận động quần chúng bảo vệ ANTQ, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường cán bộ thường trực đảm bảo thu dung tốt người bệnh đến khám và điều trị vì thời tiết giá rét, đặc biệt đối với người già, trẻ em và người nghèo. Thực hiện miễn tiền thuốc, phí điều trị theo quy định.