Lên đường cùng xe buýt

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ lâu, các thành phố lớn trong cả nước đã sử dụng xe buýt như loại phương tiện hữu hiệu để vận tải hành khách. Với Yên Bái, tuy không sớm nhưng cũng chưa phải là muộn. Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái khuyến cáo rằng, đi xe buýt là góp phần hạn chế tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm chi phí xã hội...

Xe buýt tuyến Yên Bái - Cổ Phúc (Trấn Yên) đón những hành khách thường xuyên là học sinh ở thị trấn. (Ảnh: Lê Phiên)
Xe buýt tuyến Yên Bái - Cổ Phúc (Trấn Yên) đón những hành khách thường xuyên là học sinh ở thị trấn. (Ảnh: Lê Phiên)

Xe buýt xuất hiện

Những ngày đầu năm 2008, trên đường thành phố Yên Bái và tuyến thị trấn Cổ Phúc - cảng Hương Lý, người ta thấy xuất hiện những chiếc xe sơn màu vàng, đỏ chạy theo giờ cố định - đó là xe buýt do Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái mới nhập về và đưa vào khai thác phục vụ hành khách. Không phải đến bây giờ, ở Yên Bái mới có xe buýt. Thời bao cấp, Công ty cũng đã cho chạy thử nghiệm tuyến thành phố Yên Bái - cảng Hương Lý, nhưng hiệu quả thấp nên phải dẹp bỏ.

Theo ông Phạm Duy Đốc - Giám đốc Xí nghiệp Du lịch và Dịch vụ: "Cùng với yêu cầu phát triển của Công ty và theo nghị quyết của Đại hội cổ đông về đa dạng hoá ngành nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khi mật độ người tham gia giao thông tăng cao, nhất là ở thời điểm kinh tế địa phương đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái đã bỏ vốn trên 2 tỷ đồng mua 4 xe buýt chạy thử nghiệm trên 2 tuyến: thành phố Yên Bái - thị trấn Cổ Phúc và thành phố Yên Bái - cảng Hương Lý..."

Để phục vụ tốt nhất và hiệu quả nhất hành khách, làm giảm lưu lượng người đi lại trên các tuyến đường vào giờ cao điểm, Xí nghiệp đã khảo sát kỹ và đưa ra lịch chạy xe khá hợp lý. Tuyến 1 từ bến xe Yên Bái - Ga Yên Bái - Rạp Hồng Hà - bến Âu Lâu - ngã tư Nam Cường - Bệnh viện tỉnh - Trường PTTH Nguyễn Huệ - cảng Hương Lý.

Tuyến 2 từ thị trấn Cổ Phúc - bến Âu Lâu - ngã tư Nam cường - Trường PTTH nguyễn Huệ - Km6 - Trường Trung học Kinh tế - Nhà khách Hào Gia - Km2 - cầu Yên Bái - bến xe Yên Bái. Đồng thời, còn có các chuyến theo lộ trình qua cầu Yên Bái đi Km5, Khách sạn Hào Gia.., và các tuyến đều có xe chạy theo chiều ngược lại. Giờ chạy cũng bắt đầu từ 6 giờ sáng đến tận 17 giờ hàng ngày. Theo cách tính của xí nghiệp, với 8 chuyến xe mỗi ngày thì cách 1 giờ sẽ có 1 chuyến.

Các lái xe đều là những người giàu kinh nghiệm trong nghề cầm lái và tự nguyện nhận công việc mà nhiều tài xế trẻ ít muốn làm vì vừa vất vả thu nhập lại chưa được cao. Tiếp chuyện tôi trên chuyến xe buýt cảng Hương Lý - bến xe Yên Bái, lái xe Trần Huy Khánh tâm sự: “Bây giờ thu nhập theo lương cơ bản tôi được 1,5 triệu đồng/tháng, do xí nghiệp đang phải bù lỗ. Nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ vì nghĩ đến sự phát triển trong tương lai và nhất là vì một loại phương tiện giao thông công cộng văn minh của thành phố thời hội nhập”.

Niềm vui của người đi xe

Nhớ lần lên công tác tại huyện Trấn Yên, anh Nguyễn Thành Công - Phó bí thư Huyện uỷ kể: “Xe buýt hay lắm, vừa an toàn lại sạch sẽ, bảo đảm sức khoẻ. Tiếc vì phải công tác “động” nên chưa thể thành khách thường xuyên, nhưng những ngày mưa dầm, giá rét hay nóng bức tôi vẫn đi”.

Cùng tuyến từ thành phố Yên Bái lên Cổ Phúc, sáng sáng vẫn có những hành khách đã trở thành quen thuộc với bác tài như anh Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, một số anh chị làm việc tại Bưu điện, Kho bạc Nhà nước, ngành Thuế, ngành giáo dục Trấn Yên.

Anh Nguyễn Tiến Lượng - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình thì càng không thể không đi xe buýt vì nhà riêng của anh ở ngay khu Công viên Yên Hoà, thành phố Yên Bái. Buổi sáng lên xe lúc 7 giờ và 7 giờ 20 đã có mặt tại thị trấn Yên Bình. Anh tự hào, từ ngày sử dụng loại phương tiện giao thông này lúc nào cũng đến cơ quan sớm nhất.

Đông hơn cả, vẫn là hành khách “nhí”, các cô cậu đang tuổi học sinh trung học phổ thông, học tại các trường chuyên Nguyễn Tất Thành và PTTH Nguyễn Huệ; sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp Kinh tế, Nông - Lâm nghiệp... Họ từ thị trấn Cổ Phúc về, thị trấn Yên Bình và Km9 ra, ngoài khu ga Yên Bái vào. Với họ, không phương tiện nào tiện hơn xe buýt. Chỉ cần ra đón trước cửa nhà, xe đến là lên và trên đó bạn bè gặp nhau chuyện trò, thậm chí cả ôn bài. Yên tâm nhất vẫn là các bậc cha mẹ, khỏi lo con phóng nhanh vượt ẩu trên đường và quan trọng là đúng giờ.

Một chị giáo viên ở Trường Tiểu học thị trấn Yên Bình còn tán vui: “Riêng các bà thì rất thích các ông đi xe buýt vì không còn cớ để “đi ngang về tắt”. Có gì thì điện thoại nóng cho bác tài là có thể biết chồng mình đang ở đâu!”. Cũng từ đầu tháng 2, giá dầu trên thị trường tăng cao thì giá vé đã trở thành hấp dẫn với tất cả những ai đang sử dụng phương tiện giao thông tiêu thụ xăng dầu.

Đông đảo học sinh, sinh viên đã lựa chọn xe buýt là phương tiện đi lại.(Ảnh:Lê Phiên)

Qui định của Công ty, một chiều đi suốt tuyến là 6 ngàn đồng, học sinh 4 ngàn đồng. Riêng đối với đi vé tháng thì cán bộ, công nhân viên 200 ngàn đồng/tháng; còn học sinh có ưu đãi giảm giá 130 ngàn đồng đi từ huyện và 100 ngàn/tháng với nội thành Yên Bái.

Chưa nói đến tiền, tính riêng ngày bốn lượt đi về thì những vị khách trẻ tuổi của chúng ta tiết kiệm được biết bao là sức lực. Còn về phía Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ lại chú ý nhiều đến hiệu quả xã hội mà khuyến cáo rằng, “đi xe buýt là góp phần hạn chế tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm chi phí xã hội. Công ty cũng không ngần ngại quảng bá cho loại phương tiện mới “Xe buýt cho mọi người, xe buýt cho mọi nhà”.

Làm thế nào để xe buýt phát triển bền vững?

Cũng đã từ lâu các thành phố lớn trong cả nước đã sử dụng xe buýt như loại phương tiện hữu hiệu để vận tải hành khách, tránh ùn tắc giao thông. Với Yên Bái, tuy không sớm nhưng cũng chưa phải là muộn, tiếc rằng đang trong thời gian chạy thử nghiệm nên chưa có nhiều người biết đến nó. Chính vì thế tháng đầu chạy xe Xí nghiệp vận tải Du lịch và Dịch vụ chịu lỗ hoàn toàn, tháng sau đã bù được nửa chi phí. Nhưng với giá dầu leo thang như thế này thử hỏi chịu được bao lâu khi ngoài trách nhiệm xã hội thì đơn vị còn phải hạch toán kinh doanh nữa?

Theo tính toán loại phương tiện vận tải giá rẻ này cần có bù lỗ chi phí từ phía Nhà nước. Nghĩa là tỉnh, ngành giao thông, thành phố Yên Bái nên nghiên cứu và hỗ trợ một phần kinh phí để xe buýt đứng vững trong thị trường vận tải hành khách như một loại hình không thể thiếu.

Về phía Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ cũng phải xúc tiến nhanh việc phối hợp với các cơ quan quản lý vận tải để đầu tư cơ sở hạ tầng như cắm biển báo đỗ xe, nhà chờ, kẻ vạch đỗ xe trên tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, tránh tình trạng “xe buýt vẫy” đỗ bất cứ chỗ nào.

Kế hoạch của Công ty còn mở rộng tuyến về Khu công nghiệp phía Nam, xã Tân Hương, xã Âu Lâu, Hợp Minh... Nhưng cùng với phát triển số lượng cũng cần nghiên cứu điều chỉnh các loại phương tiện giao thông khác chạy các tuyến trong tỉnh phù hợp với giờ chạy xe buýt; phù hợp với giờ nghỉ của học sinh và cán bộ, công nhân viên chức để phục vụ được nhiều hành khách và đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao nhất.

Thành phố Yên Bái cũng đang trong mùa “Du lịch về cội nguồn 2008” và coi du lịch - dịch vụ như một ngành kinh tế quan trọng, xe buýt hoàn toàn có thể đưa đón khách du lịch thăm quan thành phố. Ngoài ý thức phục vụ văn minh cũng cần nghiên cứu để những người làm công tác vận tải xe buýt được bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững.

Thế Quynh

Các tin khác

Theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, bắt đầu từ ngày 10/3, các loại mỹ phẩm khi mang ra lưu hành phải công bố chất lượng.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dịch cúm gia cầm đã tái phát tại Quảng Trị. Theo đó, ổ dịch xuất hiện trên đàn vịt 46 ngày tuổi, chưa tiêm phòng vắc-xin của hộ ông Nguyễn Lực ở thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh.

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật phòng chống bạo lực gia đình trong cộng đồng.

YBĐT - Huyện Yên Bình vừa tổ chức mít tinh kỷ niệm 98 ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2008) và 1968 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và phát động chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình.

Theo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, đến năm 2010 ngành du lịch cần có 350.000 lao động trực tiếp, năm 2015 cần ít nhất nửa triệu lao động trực tiếp, năm 2020 cần khoảng 750.000 lao động trực tiếp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục