Sẽ bắt buộc học tiếng Anh từ lớp 3
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/3/2008 | 12:00:00 AM
Theo dự thảo Chiến lược phát triển GD 2008 - 2020, tiếng Anh sẽ là một môn học bắt buộc ở bậc Tiểu học (từ lớp 3). PGS. TS Nguyễn Lộc- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình GD, Bộ GD&ĐT, đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Một giờ học ngoại ngữ tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
|
Cần thêm 10.000 - 20.000 GV tiếng Anh
Về năng lực tiếng Anh của học sinh trong các trường phổ thông hiện nay, ông Lộc cho biết:
Có thể nói ngắn gọn là HS sau khi tốt nghiệp phổ thông (thậm chí cả ĐH, CĐ) chưa đủ năng lực, tự tin để sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) trong giao tiếp, học tập, công tác.
Trong thời gian gần đây, khi nói về dạy và học tiếng Anh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thể hiện một tầm nhìn khá thách thức: Làm sao để biến năng lực sử dụng tiếng Anh của người dân Việt Nam trong 10 – 15 năm tới trở thành một thế mạnh!
Tại sao năng lực sử dụng tiếng Anh của chúng ta chưa là thế mạnh? Trước hết bởi thời lượng để dạy tiếng Anh trong nhà trường chưa đầy đủ để các em đạt đến trình độ nhất định. Tổng thời lượng dành cho môn ngoại ngữ hiện nay là 700 tiết (từ lớp 6 đến lớp 12). Bình quân 3 tiết/ tuần.
Với thời lượng đó, học hết lớp 12 HS của chúng ta ước tính chỉ đạt tới mức 2 theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ của châu Âu (khung này có 6 mức).
Mức này chưa đạt tới “ngưỡng” để giúp cho người học đủ năng lực và sự tự tin để giao tiếp, sử dụng. Do đó, rời khỏi trường phổ thông thì khả năng ngoại ngữ của các em vẫn còn chưa đủ, đó chưa kể là năng lực này có nguy cơ tụt dần, tụt dần rồi mất hẳn.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, muốn đạt tới “ngưỡng”, người học phải đạt được mức 3 của khung năng lực ngoại ngữ của châu Âu (gần 500 điểm TOEFL). Khi đạt ngưỡng này, HS mới có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin.
Việc tăng thời lượng dạy và học tiếng Anh đóng vai trò then chốt tạo điều kiện triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học môn này như cải tiến nội dung chương trình, phương pháp dạy học hiện đại, tăng cường về thiết bị.
Tăng thời lượng là lý do để từ lớp 3, HS bắt đầu được học tiếng Anh với tư cách là một môn bắt buộc, thưa ông?
Theo tính toán, tổng thời lượng ít nhất phải đạt trên 1.000 tiết. Và do vậy nếu chỉ dạy tiếng Anh ở cấp THCS, THPT thì không đủ thời gian vì HS phải học các môn khác. Do đó, xu thế giải quyết vấn đề là dành một thời lượng đưa xuống tiểu học.
Thực tế, các nước đều dạy tiếng Anh từ tiểu học. Ngay cả nước cạnh chúng ta là Trung Quốc dạy tiếng Anh từ tiểu học cách đây hàng chục năm. Ta bắt đầu hơi chậm. Các nghiên cứu cho thấy có thể tự tin rằng tiếng Anh dạy ở tiểu học mang lại hiệu quả.
Các nhà tâm lý học cũng như GD học đều có chung nhận định: ngoại ngữ dạy càng dạy sớm cho trẻ em càng tốt. Nhưng bắt đầu dạy từ lớp mấy trong trường phổ thông thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu dạy càng sớm thì lực lượng GV cần phải có càng nhiều.
Vấn đề đặc điểm tâm lý trẻ em cũng là một thách thức. Các em nhỏ tuổi học theo cảm xúc, thích thì học, không thích thì thôi. Do đó GV không chỉ giỏi ngoại ngữ mà phải giỏi về tâm lý trẻ em mới mong điều khiển lớp học thành công.
Bắt đầu từ lớp 3 có thể khả thi nhiều hơn mặc dù rất nhiều thách thức. Tổng số GV tiếng Anh bậc phổ thông hiện nay của chúng ta là khoảng hơn 60.000 người. Thêm 3 lớp phía dưới nữa thì phải xoay xở thêm 10.000 – 20.000 GV! Vấn đề không đơn giản chút nào. Đó là chưa nói tới các yếu tố khác.
Không áp dụng đại trà ngay
Bao giờ dự kiến thành hiện thực?Việc triển khai liệu có phải qua thời gian thí điểm không, thưa ông?
Dự thảo Chiến lược phát triển GD 2008 – 2020 đang soạn thảo.
Việc đưa tiếng Anh vào học bắt buộc ở Tiểu học chắc sẽ được triển khai đồng bộ với các giải pháp khác ngay từ những năm đầu tiên thực hiện Chiến lược. Do đó, khi được phê chuẩn, chúng ta cần bắt tay ngay vào việc chuẩn bị lực lượng GV và các điều kiện kèm theo khác.
Vấn đề cấp thiết lắm rồi nên việc thí điểm sẽ mang tính chất vừa làm vừa điều chỉnh. Hơn nữa, chương trình được biên soạn bài bản, kinh nghiệm về vấn đề này cũng nhiều, các tổ chức quốc tế cũng nhiệt tình giúp đỡ... nên xác suất không thành công rất thấp.
Tuy nhiên, không thể triển khai đồng loạt theo kiểu đến giờ G là tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc đều làm. Trước hết sẽ áp dụng ở những thành phố lớn, rồi đến các vùng kinh tế xã hội phát triển. Sau đó là các vùng nông thôn và các vùng khó khăn hơn.
Về dài hạn, 15 - 20 năm nữa, HS lớp 3 của cả nước Việt Nam sẽ tham gia vào chương trình này. Một yếu tố tôi muốn nhấn mạnh là thành công của chương trình này sẽ phải phụ thuộc vào mô hình học 2 buổi/ ngày. Đây là điều kiện cơ bản. Nếu chỉ học một buổi/ ngày thì không còn thời gian để cho môn tiếng Anh vào.
Việc tăng thời lượng môn Tiếng Anh có gây thêm áp lực cho vấn đề giảm tải hiện nay?
Qua nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, khối lượng kiến thức mình trang bị cho các em cũng ở mức độ vừa phải so với thế giới. Nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng quá tải là tổng số tiết của chúng ta chỉ bằng 2/3 của thế giới (do chỉ học một buổi/ngày) trong khi đó lượng kiến thức tương đương.
Một lý do khác, GV của ta chưa được chuẩn bị tốt để dạy chương trình mới nên chưa biết tổ chức buổi học có hiệu quả hơn.
Như ông đã nói, để đưa tiếng Anh vào dạy bắt buộc từ lớp 3 thì phải tuyển thêm GV và đầu tư thêm cho cơ sở vật chất trường học. Liệu điều này có ảnh hưởng tới chính sách phổ cập GD tiểu học miễn phí mà Chính phủ đang áp dụng?
Theo tôi khi đã là môn học bắt buộc thì môn tiếng Anh cần được đối xử công bằng với những môn khác. Không thể môn Toán HS được học miễn phí mà môn tiếng Anh phải đóng phí.
Nếu đã là một giải pháp trong những giải pháp Chiến lược phát triển GD thì Nhà nước sẽ có dự trù kinh phí để giải quyết. Còn cụ thể bao nhiêu thì các nhà chuyên môn sẽ tính toán.
Cảm ơn ông.
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Hưởng ứng “Tháng Thanh niên” năm 2008 và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM 26-3-2008, Huyện đoàn Lục Yên (Yên Bái)đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động “Tháng Thanh niên” nhằm tuyên truyền sâu rộng trong tuổi trẻ toàn huyện về truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam.
Thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, vừa phát hiện dịch cúm gia cầm trên đàn vịt 1.300 con, làm chết 900 con. Đàn vịt trên chưa được tiêm vắc – xin cúm gia cầm. Chi Cục Thú y Sóc Trăng cùng lực lượng ở xã đã tiêu hủy toàn bộ số vịt trong đàn.
YBĐT - Với tinh thần tương thân tương ái, để góp phần giúp đỡ bà con nông dân khắc phục hậu quả giá rét, khôi phục sản xuất. Ngày 13/3, tại UBND tỉnh Yên Bái, Báo Hà Nội Mới phối hợp với Tập đoàn Mai Linh tổ chức trao 225 triệu đồng tương đương 50 con trâu, bò cho các hộ dân tỉnh Yên Bái bị thiệt hại do rét đậm.
YBĐT - Ngày 13/3, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổ chức công tác khuyến học năm 2007, triển khai nhiệm vụ năm 2008.