Yên Bái sau 3 năm thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến hết năm 2007, toàn tỉnh Yên Bái đã có 87/180 xã, phường được công nhận CQGYTX, đạt 48% tổng số xã và vượt 7,2% so với tiến độ Nghị quyết số 25 của HDND tỉnh đề ra. Các huyện có số xã đạt chuẩn cao là huyện Trấn Yên 17/29 xã, Văn Yên 15/27xã, Yên Bình 12/25 xã, Văn Chấn 15/31 xã.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuyết (người thứ 2 trái sang) - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái giám sát việc KCB tại Bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: T.Q)
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyết (người thứ 2 trái sang) - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái giám sát việc KCB tại Bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: T.Q)

Hàng năm, Ban chỉ đạo của tỉnh đã tổ chức khảo sát, chấm điểm công nhận chuẩn và đánh giá rút kinh nghiệm. Có thể nói rằng, Nghị quyết 25 đã giúp người dân có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển sự nghiệp y tế của địa phương.

Trước năm 2005, khi xây dựng đề án, toàn tỉnh chưa có đơn vị nào đạt chuẩn, thì đến hết năm 2007 đã có 87/180 xã, phường được công nhận CQGYTX, đạt 48% tổng số xã và vượt 7,2% so với tiến độ NQ đề ra. Các huyện có số xã đạt chuẩn cao là huyện Trấn Yên 17/29 xã, Văn Yên 15/27xã, Yên Bình 12/25 xã, Văn Chấn 15/31 xã. Nét nổi bật của các xã đã đạt chuẩn y tế là, nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về công tác chăm sóc sức khỏe có sự chuyển biến rõ rệt; các nội dung về xây dựng CQGYTX đã được đưa vào nghị quyết và được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các cấp được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Công tác xã hội hóa các hoạt động y tế được đẩy mạnh, thu hút đông đảo nhân dân và các tổ chức xã hội tham gia thực hiện các chương trình y tế. Nhiều địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, đã tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế và hỗ trợ nhân dân thực hiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe được tăng cường triển khai bằng nhiều hình thức tới các thôn, bản và khu dân cư.

 Ngày 16/7/2005, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 25 về thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã (CQGYTX) giai đoạn 2005 – 2010 (gọi tắt là Nghị quyết 25). Sau khi Nghị quyết có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 146 phê duyệt đề án, thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở các văn bản nói trên, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về chuẩn y tế.

Hoạt động chuyên môn của trạm y tế được chấn chỉnh từ việc xây dựng kế hoạch, tổng hợp báo cáo, ghi chép sổ sách. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo, trong nhiều năm liền trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng các bệnh thông thường đạt 98%. Bình quân số lần khám chữa bệnh tại trạm y tế đạt xấp xỉ 1 lần/người/năm. Tỷ lệ người tàn tật được hướng dẫn phục hồi chức năng đạt từ 15 – 20%. Tỷ lệ bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng đông y đạt trên 20%. Thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia về phòng chống lao, sốt rét, bướu cổ... đều đạt ở mức cao.

Trong 3 năm thực hiện chương trình, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 30 trạm, nâng cấp và sửa chữa 63 trạm, với tổng nguồn vốn đạt trên 20 tỷ đồng. Trang thiết bị của các trạm y tế đã từng bước được đầu tư nâng cấp và cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở được tăng cường về số lượng và chất lượng. Hiện nay, bình quân mỗi trạm y tế có từ 5 – 6 cán bộ; 47% số xã có bác sỹ; 98% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 94% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Chính sách chế độ đối với cán bộ y tế được đảm bảo, các trạm y tế đã được cấp kinh phí chi thường xuyên đạt từ 10 – 15 triệu đồng/năm. Ngoài các chính sách của trung ương quy định, năm 2007 HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết số 07, nâng mức thù lao cho nhân viên y tế thôn bản từ 40.000 đồng/tháng lên 80.000 – 100.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Văn hóa xã hội - HĐND tỉnh thì sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 25 vẫn còn một số khó khăn và hạn chế, đó là: một số xã tuy đã đạt chuẩn nhưng chất lượng chưa cao và chưa bền vững. Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tổng số 64 xã đã đạt chuẩn năm 2005 và 2006, thì đến năm 2007 qua kết quả thẩm định của Sở Y tế có tới 21 xã chất lượng chuẩn thấp hơn so với thời điểm mới được công nhận và có tới 5 xã bị “mất” chuẩn, đó là xã Hoàng Thắng (Văn Yên), Tuy Lộc (Yên Bái), Tân Nguyên (Yên Bình), Khai Trung (Lục Yên), Tân An (Nghĩa Lộ).

Việc đầu tư hàng năm của tỉnh cho chương trình xây dựng chuẩn đã được tăng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là kinh phí đầu tư cho việc sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế còn thấp và dàn trải. Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tại toàn tỉnh mới có 20% trạm y tế đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Còn lại, phần lớn các trạm y tế được xây dựng quá lâu, nhiều trạm đã xuống cấp và hư hỏng nặng, diện tích nhỏ hẹp, thiếu các công trình phụ trợ và không đạt tiêu chí theo quy định.

Ở các xã khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do trình độ dân trí thấp cùng với những phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại khá nặng nề, nên việc thực hiện các tiêu chí về công tác giáo dục truyền thông, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều khó khăn và hiệu quả đạt thấp. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở tuy đã đủ về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ về cơ cấu. Việc đào tạo và tuyển dụng bác sỹ về tuyến xã còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút và đãi ngộ chưa hấp dẫn.

Đặc biệt là tại các xã vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ y tế là người dân tộc còn rất thấp. Một thực tế nữa là, năm 2007 thực hiện Nghị quyết 172 khi chia tách trung tâm y tế thành 3 đơn vị độc lập, công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc chỉ đạo đối với tuyến xã chưa đồng bộ, đã dẫn đến sự chồng chéo và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của y tế cơ sở.

 Lê Thị Liêm

Các tin khác

Chủng virus cúm H5N1 từ năm 2004 đến nay tuy có thay đổi nhưng bằng kỹ thuật sinh học phân tử, nhóm các nhà khoa học của SG.TS Thu Vân nhận thấy, những thay đổi này là rất ít, và vắc xin do Việt Nam sản xuất từ chủng giống 2004 vẫn bảo vệ được con người.

Công nhân Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ trong sản xuất.

YBĐT - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã đề ra nhiều biện pháp để thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN, coi ATVSLĐ-PCCN là một trong những biện pháp để đơn vị tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường.

Ngày 20/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã họp báo khẳng định, nguyên nhân gây tử vong cho 11 trẻ em sau khi tiêm vắc xin thời gian vừa qua, không phải do chất lượng vắc xin.

Cán bộ Trạm Y tế xã Việt Hồng khám bệnh
cho người dân.

YBĐT - Được sự đầu tư của Nhà nước, Trạm Y tế xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện có 2 dãy nhà với 6 phòng chức năng và các trang thiết bị khám, chữa bệnh tương đối đầy đủ. Trạm có 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sỹ đa khoa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục