Kiểm kê đất đai tỉ mỉ để không lọt "tấc vàng"
- Cập nhật: Thứ hai, 31/3/2008 | 12:00:00 AM
Từ ngày 1/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ tổng kiểm kê đất đai trên toàn quốc. Ông Nguyễn Tiến Khang, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký Thống kê Đất đai, Bộ TN&MT cho biết, việc kiểm kê sẽ rất tỷ mỉ và bắt đầu từ cấp quản lý sát nhất là phường, xã, thị trấn.
Theo ông Khang, năm 2005, việc tổng kiểm kê đất 64 tỉnh với quỹ đất công mà các tổ chức đang quản lý sử dụng là hơn 69 triệu ha (chiếm 11,16% diện tích đất của cả nước) chỉ nhằm mục đích của xây dựng hồ sơ gốc và bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Còn mục tiêu lớn nhất của đợt kiểm kê này là để nắm chắc mọi quỹ đất đang được các tổ chức sử dụng, nhất là những đối tượng được Nhà nước giao đất mà không thu tiền sử dụng đất. Thực tế, những đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất thì sẽ có xu hướng sử dụng đất hiệu quả hơn.
- Thưa ông, đợt tổng kiểm kê đất đai lần này sẽ tập trung vào những nội dung gì?
- Trong đợt này, nội dung quan trọng nhất là kiểm kê diện tích đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo mục đích sử dụng đất.
Nội dung quan trọng thứ hai chính là hiện trạng diện tích tính theo loại đất của các tổ chức phải được đối chiếu giữa hồ sơ giao đất, cho thuê đất, hồ sơ địa chính, các số liệu kiểm kê đất đã có trước đây và hiện trạng sử dụng đất trên thực tế.
- Việc kiểm kê để đạt được những mục đích như ông nói trên hẳn sẽ không dễ dàng?
- Phần khó nhất, tôi cho rằng chính là phần thuyết minh tình hình tranh chấp; tình hình lấn, chiếm đất; tình hình sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các tổ chức đang quản lý, sử dụng.
- Trước đây chúng ta đã tiến hành khá nhiều cuộc kiểm kê nhưng vẫn lọt nhiều "tấc vàng", quy trình kiểm kê tới đây liệu có chặt chẽ hơn không?
- Việc kiểm kê quỹ đất mà các tổ chức đang quản lý, sử dụng sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước và phân về từng tổ chức có quản lý, sử dụng đất trong đơn vị hành chính. Có nghĩa là rất tỉ mỉ và đối tượng kiểm kê là cấp quản lý sát nhất địa bàn của mình. Trong đó, cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) là đơn vị cơ bản để tiến hành kiểm kê các tổ chức quản lý, sử dụng đất trên địa bàn. Cấp xã sẽ kiểm kê trong 5 tháng, bắt đầu từ 1/4 đến ngày 31/8.
Kết quả kiểm kê cấp xã là cơ sở để tổng hợp số liệu kiểm kê cấp huyện, tỉnh và cả nước. Công việc ở cấp huyện, cấp tỉnh chủ yếu là thống kê, tổng hợp nên kéo dài trong 1 tháng ở mỗi cấp là đủ.
- Nhưng liệu thời gian 5 tháng có đủ cho cấp xã kiểm kê toàn diện và sát thực nhất?
- Quãng thời gian này là đủ cho phần việc ở cấp xã. Mỗi đợt tổng kiểm kê đất đai thì cấp xã chỉ có thời gian là 4 tháng. Ví dụ, đợt kiểm kê năm 2005, cấp xã phải kiểm kê xong mọi loại đất trong tháng 1, 2, 3, 4. Đợt này cấp xã có 5 tháng để kiểm kê một loại đất là đủ.
Hơn nữa, yêu cầu của Bộ TN&MT đưa ra không quá cao. Bộ chỉ yêu cầu cán bộ cấp xã, phường phải biết được là trụ sở của cơ quan trung ương, thành phố, quận, huyện đóng trên địa bàn của mình sử dụng đất đúng mục đích hay sai mục đích.
Tuy nhiên, có một trở ngại lớn nhất mà cấp xã gặp phải là cán bộ cấp xã được luân chuyển, thay đổi sau mỗi lần bầu cử. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý hồ sơ, chuyên môn không chỉ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Đây chính là trở ngại lớn nhất để Trung ương nắm việc đến cấp cơ sở.
- Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có hiện tượng sử dụng quỹ đất công phức tạp và sai phạm khá lớn, trong đó có cả một số cơ quan trung ương, trong khi đơn vị kiểm kê lại chỉ ở cấp phường. Liệu có xảy ra hiện tượng cấp phường "né" va chạm nên kiểm kê không đầy đủ?
- Nếu đứng về mặt quản lý thuần túy, nếu mọi người và mọi tổ chức chấp hành nghiêm luật pháp thì việc kiểm kê ở Hà Nội hay TP.HCM cũng tương tự những thành phố hoặc tỉnh thành khác.
Theo tôi khó khăn này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kiểm kê bởi quan điểm của Bộ là kiểm kê tổng diện tích đất mà các cơ quan, tổ chức đang quản lý, sử dụng và kiến nghị của địa phương. Các xã, phường chỉ cần kiểm kê tổng diện tích bên ngoài. Còn chi tiết bên trong sẽ thông qua tờ kê khai của cơ quan, tổ chức sử dụng đất.
Nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra ngay khi phát hiện vi phạm quá nghiêm trọng. Nếu vi phạm không quá nghiêm trọng thì thông qua kiến nghị của cấp xã sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý sau.
- Nếu trong quá trình kiểm kê phát hiện đất sử dụng sai mục đích thì sẽ có biện pháp xử lý sẽ như thế nào đối với các tổ chức đó?
- Cơ quan quản lý tài nguyên môi trường chỉ kiểm kê xác định diện tích đất sử dụng sai mục đích và kiến nghị với UBND các tỉnh xử lý. Còn trường hợp cơ quan quản lý đất công để đất bị lấn chiếm thì tuỳ từng trường hợp chúng tôi sẽ kiến nghị thu hồi để giao cho cơ quan quản lý nhà nước.
Chẳng hạn, cơ quan A được giao quản lý sử dụng 10 ha đất, nhưng cách đây khoảng 5 năm, những hộ dân xung quanh đã lấn chiếm một phần diện tích này. Một thời gian dài mà cơ quan này không có biện pháp xử lý cũng đồng nghĩa với việc không cần diện tích đất đó nữa. Khi kiểm kê, chúng tôi phát hiện sẽ đề nghị có biện pháp thu hồi.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VTC)
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm 2008, thị xã Nghĩa Lộ đã tăng cường công tác tuyên truyền phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa. Thường trực Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng thị xã văn hóa đã phát động nhân dân đăng ký thực hiện 4 tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa.
Ngày 30/3, Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch tiêu chảy cấp trên địa bàn một số tỉnh miền Bắc vẫn đang lan rộng. Ngoài các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Kạn, Bắc Ninh tiếp tục ghi nhận một số ca bệnh rải rác thì tại Hà Tây, trong 6 xã của huyện Thường Tín đã có 57 ca tiêu chảy cấp, trong đó có 8 trường hợp xét nghiệm dương tính với khuẩn tả.
Ngày 30/3, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) chính thức xác nhận: sau gần 4 tháng bị khống chế trên toàn quốc, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện trở lại với một loạt ổ dịch mới được phát hiện tại tỉnh Hà Tĩnh.
"Đề thi có khoảng 60% số điểm tương ứng với nội dung ra theo chuẩn, 40% số điểm còn lại để xét tuyển ĐH, CĐ. Kết quả điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh đã được cấp bằng tốt nghiệp THPT được bảo lưu để đăng ký xét tuyển sinh trong vòng 3 năm đối với ĐH, CĐ và TCCN là 5 năm..."