Bộ Y tế ra công điện khẩn chống dịch tiêu chảy cấp
- Cập nhật: Thứ tư, 2/4/2008 | 12:00:00 AM
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn ngày 1/4 vừa ký công điện khẩn về chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, nhấn mạnh việc nghiêm cấm dùng phân tươi tưới rau. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên loại bỏ rau sống ra khỏi bữa ăn.
Phần lớn bệnh nhân tiêu chảy cấp có sử dụng rau sống.
|
Theo Bộ Y tế, việc bón rau bằng phân tươi là nguồn lây nhiễm phẩy khuẩn tả và các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác, thủ phạm gây ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang bùng phát ở Hà Nội và 7 tỉnh ở miền Bắc.
Trong đợt dịch diễn ra cuối năm 2007, Thứ trưởng Huấn và các chuyên gia Bộ Y tế đã đi thị sát các vùng trồng rau ở nhiều địa phương, nhất là Hà Tây, nguồn cung cấp rau lớn cho thủ đô Hà Nội. Ông Huấn nhận thấy rất nhiều gia đình vẫn dùng phân tươi tưới rau, kể cả các loại rau sống.
Trong mấy trăm bệnh nhân tiêu chảy nhập viện kể từ đầu tháng 3 đến nay, phần lớn đều từng ăn rau sống. Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, khẳng định: "Rau sống chắc chắn là nguyên nhân gây ra đợt tiêu chảy cấp nguy hiểm này".
Cho dù rửa kỹ và ngâm nước muối thật cẩn thận, lượng vi khuẩn trong rau sống cũng chỉ mất đi tối đa là 60%. Đó là chưa kể ở các quán ăn, rau sống không bao giờ được rửa kỹ. Vì vậy nếu như người nông dân chưa bỏ tập quán tưới rau bằng phân tươi, nguồn nước tưới từ ao hồ cống rãnh vẫn tiềm ẩn mầm bệnh tả thì món rau sống chắc chắn vẫn là mối đe dọa lớn.
Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang bùng phát mạnh nhất ở Hà Nội. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế, cho biết từ đầu tháng 3 đến nay thành phố có 200 bệnh nhân tiêu chảy cấp. Tính đến 24/3, đã có 29 bệnh nhân đã được khẳng định nhiễm tả, các bệnh phẩm sau đó đang chờ kết quả xét nghiệm. Dịch đã có mặt ở 8 quận huyện, đông nhất là Đống Đa và Hoàng Mai. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các bệnh viện, quận huyện nào cũng đều đã có người mắc tiêu chảy cấp.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lấy gần 170 mẫu thịt chó, mắm tôm, rau sống, nước sinh hoạt, nước rửa tay để xét nghiệm; kết quả là một số mẫu nước bề mặt có vi khuẩn tả. Các loại rau được tưới hay rửa bằng nước này sẽ mang mầm bệnh đi các nơi và truyền cho người ăn.
Để ngăn dịch, ngoài việc khẩn cấp xử lý các ổ dịch, điều trị bệnh nhân và dự phòng cho những người liên quan, Sở Y tế Hà Nội đang đề nghị Bộ tổ chức uống văcxin tả cho người dân toàn thành phố, thay vì chỉ tập trung ở vài điểm nóng như trước.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Chiều 1-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. Đây là lĩnh vực phức tạp song lại cần điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
YBĐT – Ngày 2/4, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Khai giảng lớp Đại học hệ đào tạo vừa học vừa làm, chuyên ngành Báo chí khóa 2008 - 2012. Dự lễ khai giảng có Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc - Phó Giám đốc Học viện, lãnh đạo Báo Yên Bái, Đài PT-TH tỉnh và 68 tân sinh viên thi đỗ trong đợt tuyển sinh vừa qua.
YBĐT - Ngày 1/4, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kiểm kê đất của tỉnh Yên Bái đã chủ trì hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
YBĐT - Trở lại Tuy Lộc, thành phố Yên Bái (Yên Bái) vào một ngày nắng ấm, khi những thửa ruộng ở đây đang hồi xanh sau đợt rét đậm kéo dài. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Dần cho biết: Vụ chiêm xuân năm nay, Tuy Lộc cấy gần 70ha lúa nước với cơ cấu 100% giống lúa nhập của Trung Quốc.