Mù Cang Chải: Nâng cao chất lượng hoạt động chữ thập đỏ
- Cập nhật: Thứ tư, 9/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến nay, Hội CTĐ huyện đã có 14 Hội CTĐ cơ sở tại các xã, thị trấn với 12.145 hội viên. Ngoài ra còn có sự tham gia 2.120 thanh niên và 17 đội thanh niên xung kích tại các xã trong huyện.
Theo ông Trần Minh Vấn - Thường trực Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Mù Cang Chải, trước đây, theo cơ chế của Tỉnh hội thì tuyến xã, thị trấn không có cán bộ chuyên trách về hội mà công việc của Hội chỉ do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm chủ tịch và các đồng chí trong Ban chấp hành của hội là trưởng hoặc phó các ban, ngành. Với bộ máy chỉ có ở cấp huyện, các hoạt động của Hội gặp rất nhiều khó khăn.
Bước ngoặt lớn, những cơ hội lớn đã đến với huyện vùng cao chúng tôi, chính là vào tháng 1 năm 2006, khi có Quyết định số 323/QĐ-UBND về việc hỗ trợ mức phụ cấp cho chủ tịch Hội CTĐ xã, phường, thị trấn và theo hướng dẫn UBND huyện Mù Cang Chải về việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm Hội CTĐ ở cơ sở xã, thị trấn thì các hoạt động của Hội đã thực sự phát huy hiệu quả và đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khi được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND, các ban ngành, đoàn thể và sự hăng say vào cuộc của đội ngũ cán bộ làm công tác CTĐ, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân và của Dự án V4/Na Uy thì các hoạt động như cứu trợ xã hội, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, động viên, tranh thủ nguồn lực, truyền thông nâng cao nhận thức người dân của Hội CTĐ huyện Mù Cang Chải đã trở nên dễ dàng hơn, góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong năm 2007, Hội CTĐ đã tham gia kêu gọi quyên góp, ủng hộ được gần 56 triệu đồng và chỉ đạo các xã, thị trấn thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình gặp rủi do, hoạn nạn với tổng số tiền gần 26 triệu đồng, ngoài ra còn đóng góp hơn 1.000 ngày công lao động, để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Hội đã phối hợp với Ban phòng chống thiên tai của huyện thường xuyên kiểm tra, túc trực sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ hơn 10 triệu đồng và 1.540 ngày công lao động trị giá khoảng 70 đến 80 triệu đồng; tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về nếp sống, ăn ở, vệ sinh công cộng, tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1, phòng chống HIV/AIDS; tham gia hiến máu nhân đạo...
Bên cạnh đó, đội ngũ thanh niên CTĐ của Hội luôn xung kích, tình nguyện tổ chức tuyên truyền phát triển tổ chức đi đôi với tham gia các phong trào Giúp bạn nghèo vượt khó, phong trào Áo ấm tình thương, giúp người nghèo, người hoạn nạn, phong trào thanh niên phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường...
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Hội CTĐ huyện Mù Cang Chải vẫn gặp những khó khăn nhất định, do địa hình chủ yếu là đồi núi cao, phân bố dân cư không đều, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ của các đồng chí cán bộ thường trực Hội cơ sở còn yếu và hạn chế. Nhưng có lẽ khó khăn nhất mà hiện nay của Hội CTĐ huyện là trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho các hoạt động còn thiếu thốn và mức phụ cấp cho các cán bộ thường trực Hội CTĐ ở xã, thị trấn mới có 120.000 đồng/ người/ tháng, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc...
Để các hoạt động của Hội CTĐ huyện Mù Cang Chải tiếp tục phát huy hiệu quả và đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới, huyện tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hội từ huyện đến cơ sở; chú trọng phát triển thêm hội viên mới; mở các lớp đào tạo kiến thức cơ bản cho đội ngũ thanh niên xung kích, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; xây dựng các điểm cấp cứu tai nạn giao thông trên quốc lộ 32; vận động nhân dân xây dựng "hũ gạo tình thương"; vận động nhân dân trồng cây thuốc nam, tổ chức giao lưu văn nghệ từ thiện quyên góp làm nhà cho nhân dân...
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Đặc thù của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng dân cư thưa thớt, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí còn hạn chế là những yếu tố tác động không nhỏ đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.
YBĐT - Những ngày đầu năm 2008, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài cùng nhiều yếu tố tác động đã gây thiệt hại lớn tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân vùng cao.
Mới đầu mùa hè nhưng thời tiết đã bắt đầu khó chịu, và năm 2008 cũng là thời điểm mà các chuyên gia dự báo khí tượng thuỷ văn cho là sẽ có những đợt nắng nóng chưa từng thấy.
Ngày 8/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết "Tiết học lớn nhất thế giới" sẽ diễn ra đồng loạt tại cả 64 tỉnh, thành phố trong nước vào ngày 23/4/2008, cùng thời điểm diễn ra sự kiện này ở 50 nước trên thế giới.