Xuất khẩu lao động - hướng giải quyết việc làm cho người lao động ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm sức ép về việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với 14 công ty xuất khẩu lao động tổ chức cho người lao động trong nước đi lao động ở nước ngoài đạt được hiệu quả nhất định, song quá trình thực hiện công tác XKLĐ vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong 2 năm 2006 - 2007, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện công tác XKLĐ và đưa được 2.454 lao động ở địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nâng tổng số lao động đi xuất khẩu qua 5 năm (2003 – 2007) của tỉnh lên 4.206 người.

Qua khảo sát, có tới 93% số lao động của tỉnh đi xuất khẩu có việc làm ổn định, số người đi lao động tại Malaisia có mức thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí (trả được nợ vay Ngân hàng) còn gửi về nước giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo khoảng 2 triệu đồng/tháng trở lên, lao động đi Hàn Quốc gửi về cho gia đình 10-15 triệu đồng/tháng, lao động đi Đài Loan gửi về 5 triệu đồng/tháng…

Tổng số tiền lao động gửi về nước bình quân hàng năm ước đạt 80 tỷ đồng, đây là sự đóng góp tích cực của người lao động cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vấn đề đáng quan tâm ở đây là chất lượng lao động, bởi người lao động chưa chủ động học nghề và thiếu vốn để tham gia vào các thị trường lao động đòi hỏi tiêu chuẩn cao, có việc làm ổn định như Đài Loan, Nhật Bản…

Mặt khác, ý thức, tính kỷ luật của người lao động chưa cao dẫn đến một số người đã vi phạm kỷ luật bị trục xuất về nước, hay tự ý phá hợp đồng làm mất uy tín ở nhiều thị trường.

Toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp XKLĐ đang tuyển lao động trên địa bàn nhưng chỉ có 14  doanh nghiệp thường xuyên triển khai các hoạt động tư vấn tạo nguồn, còn 10 doanh nghiệp hầu như không hoạt động.

Một số doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết triệt để các rủi ro phát sinh đối với người lao động, không thẩm định kỹ đơn hàng đưa lao động sang làm việc ở nước ngoài, dẫn đến một số doanh nghiệp không đủ việc làm, một bộ phận người lao động ở những doanh nghiệp này có thu nhập hàng tháng rất thấp hoặc người lao động phải về nước trước thời hạn. Từ đó đã tạo tâm lý hoang mang trong gia đình người lao động và làm cho người lao động chưa thật sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp và chưa mạnh dạn tham gia XKLĐ. Theo thống kê, trong 3 năm từ năm 2005 – 2007 có 29 lao động của các huyện, thị xã, thành phố phải về nước trước thời hạn, bằng 3,3% số lao động đã đi xuất khẩu qua các năm của tỉnh Yên Bái.

Với mục tiêu phấn đấu từ nay đến 2010 xuất khẩu từ 4.500 lao động trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1.500 lao động), các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần phải xác định rõ XKLĐ là một giải pháp tích cực để giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh.

Để công tác XKLĐ đạt hiệu quả, tránh được những hạn chế trong giai đoạn trước, Ban chỉ đạo XKLĐ các cấp cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhằm đảm bảo người lao động có trình độ nghề, có khả năng giao tiếp ngoại ngữ, để sang nước bạn làm các công việc có thu nhập cao, đồng thời phải chấp hành tốt nội qui kỷ luật lao động.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo XKLĐ của tỉnh cần tập trung phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ giải quyết và xử lý dứt điểm những vướng mắc và khiếu nại của người lao động, tạo lòng tin trong nhân dân. Mặt khác, cần mở rộng vùng tuyển, tạo điều kiện và giúp đỡ các doanh nghiệp XKLĐ đến tuyển lao động trên địa bàn, triển khai tư vấn tạo nguồn lao động đi xuất khẩu, xây dựng đội ngũ cộng tác viên cơ sở để đảm bảo lợi ích cho người lao động đi xuất khẩu…

Linh Trang

Các tin khác

Trong vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái liên tục giành được những thắng lợi, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tổng sản lượng lương thực năm 2007 đạt 218 ngàn tấn; chăn nuôi, thủy sản tiếp tục có mức tăng trưởng cao; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị lớn; cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng. Quan trọng hơn là đã áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh v.v...

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ tặng quà cho các gia đình bị ảnh hưởng thiên tai.

YBĐT - Tuy là thị xã nhưng cuộc sống của người dân Nghĩa Lộ (Yên Bái) còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hàng năm trên địa bàn toàn huyện thường xuyên xảy ra lũ lụt, hoả hoạn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Hội chữ thập đỏ đã trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu.

Hàng tươi sống chưa được kiểm soát bày bán ở chợ Cổ Phúc, huyện Trấn Yên. (Ảnh: Minh Anh)

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng Trấn Yên (Yên Bái) đã phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và các trạm y tế cơ sở tổng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các cơ sở kinh doanh, các nhà hàng ăn uống trên địa bàn.

Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó trong học tập tại lễ ra quân Tháng Thanh niên 2008.

YBĐT - Với 31 phần việc thanh niên, trị giá trên 650 triệu đồng, tuổi trẻ Văn Chấn (Yên Bái) đã thực sự để lại một ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người dân khi nghĩ về Tháng Thanh niên 2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục