Yên Bái: “Cùng nhau hành động để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu”
- Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hưởng ứng thông điệp “Cùng nhau hành động để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu” nhân Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, các cấp hội Chữ thập đỏ Yên Bái cần chú trọng phòng ngừa và ứng phó thảm họa tại cộng đồng, nêu cao vai trò nòng cốt của Hội trong các hoạt động khi có thiên tai xảy ra, thực hiện tốt kế hoạch phòng ngừa ứng phó thảm hoạ, nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây lên.
Khởi công xây dựng nhà chữ thập đỏ cho gia đình ông Nguyễn Văn Thế ở tổ 52, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái là thương binh hạng 4/4. (Ảnh: Tuấn Bình)
|
Chủ đề Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ năm nay được xác định là: “Cùng nhau hành động để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu” với mục tiêu nâng cao nhận thức của nhân dân về những hậu quả khủng khiếp do biến đổi khí hậu gây ra; chỉ ra các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu; kêu gọi sự đoàn kết hợp tác giữa các thành viên trong phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi toàn thế giới cùng nhau hành động để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Năm 1863, Ủy ban quốc tế Chữ thập đỏ được thành lập, đánh dấu mốc son quan trọng sự ra đời của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - phong trào nhân đạo lớn nhất toàn cầu. Để ghi nhớ công lao người sáng lập phong trào, ngày sinh của Henry Dunant 8/5 được lấy làm Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ hàng năm. Cứ đến ngày 8/5, toàn thế giới lại tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra đời năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội và chính thức gia nhập phong trào Chữ thập đỏ quốc tế năm 1957. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có những đóng góp tích cực đối với phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, cứu trợ xã hội, nâng cao năng lực, phát triển tổ chức , đặc biệt là phòng ngừa ứng phó thảm họa. |
Năm 1992, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc nhằm ổn định nồng độ khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp của con người với hệ thống khí hậu. Việc cam kết và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính của các nước phát triển đã trở thành vấn đề cấp thiết được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tháng 12/2007, hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra tại Ba- li một lần nữa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Nhận thức rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 6/1992 và phê chuẩn công ước ngày 16/11/1994, phê chuẩn Nghị định thư Kyoto ngày 25/9/2002. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu những biến đổi khí hậu khác nhau có thể xảy ra trong tương lai và xây dựng chiến lược ứng phó quốc gia tương ứng. Ngày 3/12/2007, Chính phủ đã có nghị quyết giao cho các bộ liên quan thực hiện việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với sợ biến đổi khí hậu toàn cầu, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho chương trình này. Trong sự nỗ lực chung của toàn thế giới, năm 2002, Hội Chữ thập đỏ Hà Lan đã phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ nhằm cung cấp những thông tin khoa học về biến đổi khí hậu và kiến thức cơ bản về hoạt động nhân đạo nhằm giảm thiểu nguy cơ do thảm hoạ gây ra đối với cuộc sống của người dân tại những vùng trọng điểm thiên tai.
Đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phòng ngừa và ứng phó thảm hoạ luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Vì thế, Hội luôn kết hợp 3 khâu (phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai) với phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Hoạt động này được triển khai thường xuyên rộng khắp ở nhiều địa phương và trong toàn hệ thống các cấp hội cơ sở.
Đến nay, toàn Hội có hàng vạn lượt cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, giáo viên, học sinh được tập huấn kiến thức phòng ngừa và ứng phó thảm họa để tự bảo vệ gia đình, bản thân và xã hội; 44 trung tâm phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ và kho hàng cứu trợ, trạm ứng phó khẩn cấp đã được xây dựng ở những vùng trọng điểm để sẵn sàng ứng phó cứu trợ kịp thời; 24.000 ha rừng ngập mặn được trồng ở ven biển đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giúp người dân có việc làm và đặc biệt là phòng chống bão biển.
Cùng với lực lượng vũ trang và quốc phường, Hội là một trong những lực lượng có mặt sớm nhất tại địa phương, địa bàn bị thiên tai để sơ tán đồng bào, cứu người, cứu nạn, cứu lương thực, chuyển thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu tới tận tay người bị nạn. Sau thiên tai, Hội còn quan tâm nhiều tới việc thực hiện các hoạt động phục hồi như; dựng nhà, cấp vốn, giúp vật nuôi, cây trồng, tạo việc làm mới... nhằm ổn định cuộc sống và sức khoẻ nhân dân.
Tại cơn bão số 2 và số 5, Trung ương Hội đã kịp thời chỉ đạo các cấp hội tham gia phòng chống bão, khắc phục hậu quả bão và hỗ trợ khẩn cấp đối với những gia đình thiệt hại về người và tài sản, đồng thời cử các đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương bị thiên tai nắm tình hình thiệt hại và tổ chức hoạt động cứu trợ kịp thời; vận động 61,8 tỷ đồng, 40.000 thùng hàng gia đình, 2.634 tấn gạo từ Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang hợp tác với một số tổ chức quốc tế và Hội Chữ thập đỏ quốc gia như: Na Uy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Đan Mạch, Cộng đồng châu Âu, Cơ quan Phát triển quốc tế, Vương quốc Anh... thực hiện nhiều chương trình, dự án tập trung vào việc phòng ngừa và ứng phó thảm họa, trồng rừng ngập mặn. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, các dự án thực hiện thu được hiệu quả cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người hưởng lợi - những người bị tổn thương trong cộng đồng.
Hưởng ứng thông điệp “Cùng nhau hành động để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu” nhân Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, các cấp hội Chữ thập đỏ Yên Bái cần chú trọng phòng ngừa và ứng phó thảm họa tại cộng đồng, nêu cao vai trò nòng cốt của Hội trong các hoạt động khi có thiên tai xảy ra, thực hiện tốt kế hoạch phòng ngừa ứng phó thảm hoạ, nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây lên.
Nguyễn Thị Xuân - Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Người lao động Việt Nam tại Malaysia đang rất hoang mang vì thông tin trên một tờ báo của nước này cho biết Chính phủ của họ đang có kế hoạch trả về nước khoảng 500.000 lao động nước ngoài trong năm 2009 và tiến tới ngừng hoàn toàn tuyển lao động nước ngoài.
YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2007 - 2008, tỉnh Yên Bái có trên 11.200 thí sinh dự thi, trong đó khối THPT hơn 10.605 thí sinh, khối bổ túc THPT trên 600 thí sinh.
Được tin cơn bão Nargis gây thiệt hại nặng nề về người và của cho nhân dân Myanma, chiều ngày 7-5, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp ông U Aung Thein, Đại sứ Myanma tại Hà Nội, thông báo quyết định của Chính phủ Việt Nam viện trợ khẩn cấp 200.000 đô-la Mỹ để cứu trợ những nạn nhân của cơn bão.
Chiều 7.5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hiện từ lục địa Trung Quốc có một bộ phận không khí lạnh đang phát triển và di chuyển xuống phía nam, dự báo chiều 9.5 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta.