Cần chủ động phát hiện, đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh tay - chân - miệng
- Cập nhật: Thứ ba, 20/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những tháng đầu năm 2008 bệnh tay – chân – miệng đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Năm 2006 cả nước có 2300 ca mắc; năm 2007 có 3000 ca mắc; năm nay chỉ riêng 4 tháng đầu năm số mắc đã là 3000 với số tử vong là 10 trẻ. Bệnh gặp phần lớn là ở trẻ em dưới 5 tuổi và cá biệt có trường hợp bị bệnh ở trẻ trên 5 tuổi.
Khám chữa bệnh cho trẻ em tại xã Liễu Đô huyện Lục Yên. (Ảnh: Hoàng Mai)
|
Tại Trung Quốc bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp với hàng nghìn trẻ mắc và tỷ lệ tử vong cũng khá cao. Một số người còn đưa ra giả thiết vi rút gây bệnh có khả năng biến đổi độc lực, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến khó khăn trong điều trị và phòng bệnh.
Bệnh tay – chân – miệng là một bệnh do vi rút EV 71 gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, qua tiếp túc trực tiếp với các tổn thương trên da. Biểu hiện của bệnh là trẻ bị sốt, sau một vài ngày sẽ xuất hiện các mụn phổng nước hoặc đỏ trên da lòng bàn tay, bàn chân, mông, cùi chỏ, đầu gối và miệng, gây viêm miệng, loét họng, tiếp theo đó là nhiễm trùng da ở các vị trí khác trên cơ thể, trường hợp nặng có thể biến chứng vào tim gây viêm cơ tim, thần kinh, gây viêm màng não, viêm não. Tỷ lệ biến chứng vào tim mạch và thần kinh chiếm khoảng 10% số ca mắc bệnh nhập viện. Diễn biến của bệnh nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào sức để kháng của từng trẻ, những trẻ có sức đề kháng tốt bệnh chỉ thoáng qua vài ngày sẽ khỏi, những trẻ có sức đề kháng không tốt sẽ có diễn biến khó lường, nguy hiểm nhất là biến chứng tim mạch và thần kinh, tỷ lệ tử vong ở những trường hợp này là khá cao.
Ở nước ta bệnh chủ yếu gặp ở các tỉnh miền Nam và từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng II đón nhận 800 cháu nhập viện, trong đó tử vong 5 cháu. Bệnh viện Nhi Đồng I, trung bình mỗi ngày có 50 cháu nhập viện, trong đó có 10% các cháu có biến chứng nặng. Tại các tỉnh miền Bắc, mặc dù chưa có thông báo dịch, song tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày cũng có khoảng 20 cháu đến khám, hầu hết những bệnh nhân này đều được điều trị ngoại trú, chưa có trường hợp nào có biến chứng nặng hoặc tử vong.
Tại Yên Bái cũng đã có những trường hợp có biểu hiện giống bệnh tay – chân – miệng, nhưng chưa có thông báo chính thức của cơ quan y tế. Việc điều trị bệnh tay – chân – miệng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng như: giảm sốt, truyền dịch, vệ sinh thân thể. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da lan rộng cần vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày, không làm theo cách truyền miệng như: đắp lá, ủ kín vì sợ gió, nắng, chọc vỡ các mụn phỏng... Trong quá trình bệnh, trẻ vẫn cần được tắm rửa bằng nước ấm.
Khi trẻ có những dấu hiệu nặng hơn như: sốt cao, nôn nhiều, quấy khóc nhiều, ngủ gà, nói lảm nhảm, giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân đi không vững, rối loạn tri giác, co giật, bọng nước có mủ, máu cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị.
-Cho trẻ ăn uống đủ chất, tiêm chủng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng.
-Tắm rửa hàng ngày bằng nước sạch, lau khô, mặc quần áo sạch.
-Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, dụng cụ chế biến và đựng thức ăn cho trẻ cần nhúng nước sôi trước khi sử dụng.
-Không để ruồi, bọ đậu vào thức ăn của trẻ.
-Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh, nghi ngờ bị bệnh hoặc người bệnh.
-Hạn chế cho trẻ đi lại đến các vùng đang có dịch lưu hành.
Nhận thức tính chất nguy hiểm của bệnh, trong buổi giao ban với Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh, sớm phát hiện các trường hợp bị nhiễm bệnh, nhất là trẻ em để kịp thời điều trị; tổ chức và huy động lực lượng tại chỗ, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, nhằm giảm bớt đến mức thấp nhất tác hại của dịch bệnh.
Ngày 5 tháng 5 năm 2008, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã có công điện gửi các cơ sở y tế trong toàn ngành về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay – chân – miệng.
Bệnh tay – chân – miệng là một bệnh dịch tương đối nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Để có thể phòng chống bệnh dịch có hiệu quả thì ngoài sự nỗ lực của cán bộ công chức trong ngành Y tế, cần có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể và đặc biệt là sự tham gia tích cực toàn dân, đặc biệt là các gia đình đang có con nhỏ dưới 5 tuổi.
BS Trần Khắc Quyền - GĐ Trung tâm TT - GDSK Yên Bái
Các tin khác
Bộ Tài Chính vừa có hướng dẫn về chế độ trả lương làm việc ngày thứ bảy, nhằm giải quyết những khó khăn của nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay liên quan đến việc bố trí nghỉ bù, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm việc vào ngày thứ bảy
YBĐT - Tích Cốc là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình (Yên Bái), với 427 hộ, gồm 5 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao và Cao Lan chung sống. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền nơi đây đã tập trung chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
YBĐT - Mặc dù là tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, nhưng đến nay 60,3% dân số Yên Bái đã được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 5,5% so với năm 2007. Với tấm thẻ bảo hiểm quí giá, nhiều người dân đã được hưởng lợi khi khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe bản thân.
Ngày 19-5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và một số cơ quan liên quan đã họp bàn về việc tiếp tục xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo trong thời gian tới.