Nhọc nhằn nghề thú y cơ sở

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, nghề chăn nuôi ở Yên Bái có bước phát triển mạnh và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tính đến hết năm 2007, tổng đàn gia súc toàn tỉnh có trên 527 ngàn con, trong đó có 111.700 con trâu, gần 40 ngàn con bò, 376 ngàn con lợn và trên 2,7 triệu con gia cầm.

Chăn nuôi vịt ở thôn 6 xã Hợp Minh (huyện Trấn Yên). (Ảnh: Ngô Đăng Sỹ)
Chăn nuôi vịt ở thôn 6 xã Hợp Minh (huyện Trấn Yên). (Ảnh: Ngô Đăng Sỹ)

Đạt được những kết quả đó có sự lãnh chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người chăn nuôi, song bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ thú y trong biên chế ngành dọc và 513 thú y viên ở các xã, phường, thị trấn.

Chúng ta đều biết rằng, muốn chăn nuôi phát triển, ngoài việc lựa chọn những con giống tốt, đầu tư thức ăn, làm chuồng trại thì cần phải làm tốt công tác phòng chống, dịch bệnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây người chăn nuôi lại “khốn đốn” bởi dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò… do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh luôn đặt lên hàng đầu.

Thực tế nhiều năm qua, lực lượng thú y, nhất là các thú y viên đã từng bước khống chế và tiêu diệt một số mầm bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm trong chăn nuôi. Chẳng hạn, đó là bệnh nhiệt thán trâu, bò tại huyện Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu và đã nhiều năm không tái phát. Bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng được phát hiện nhanh, chính xác đã góp phần tích cực ngăn chặn, khống chế dịch không cho lây lan, kéo dài. Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, lợn và dịch tả lợn là nỗi kinh hoàng và làm bao hộ chăn nuôi lao đao, thậm chí có hộ khuynh gia bại sản thì nay đã cơ bản được khống chế.

Công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật đã theo đúng trình tự và không chỉ khống chế dịch bệnh mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và vệ sinh môi trường. Thú y viên cũng còn là nhân tố rất quan trọng trong quản lý dịch bệnh ở xã, thôn, bản và khi có dịch là họ báo cho xã, trạm thú y huyện, tỉnh để có phương án xử lý, bao vây dập dịch. Họ cũng là người truyền thụ về ý thức, phòng bệnh đàn vật nuôi cho người dân hiệu quả nhất. Gia đình nào có lợn, trâu, bò, gà ốm là họ lại gọi cán bộ thú y viên, ngày đêm họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao cùng với tình làng, nghĩa xóm.

Tuy vậy, khi tìm hiểu công việc của họ mới thấy đây là một công việc đầy gian nan vất vả. Thú y viên ở các xã vùng thấp còn đỡ, chứ ở các xã vùng cao thì khó mà kể hết nỗi gian truân. Có những gia đình chỉ có mấy con gà thôi, nhưng khi bị bệnh là gọi cán bộ thú y. Cán bộ thú y viên lại băng đèo lội suối thậm chí đi cả ngày đường mới đến nơi để tiêm thuốc, hướng dẫn trực tiếp cho nhân dân cách phòng dịch bệnh.

Cho đến nay nhân viên thú y vẫn chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ nào của Nhà nước. Thu nhập của thú y viên chủ yếu dựa vào làm dịch vụ thoả thuận với người chăn nuôi nên thu nhập thấp, rất bấp bênh và không ổn định. Nhân viên thú y xã, phường chưa được hưởng thù lao nên chưa thật sự chuyên tâm vào công việc, hoạt động không thường xuyên.

Trong một lần đi chống dịch cúm gia cầm tại huyện Trấn Yên anh T là cán bộ thú y viên của một xã nói rất hài hước với chúng tôi: “Nói các anh đừng cười, đừng trách nhé! Dịch bệnh như thế này thì thiệt hại cho người chăn nuôi lắm, nhưng có dịch bệnh như vậy, cán bộ thú y viên chúng tôi mới có thu nhập (tiền đi tiêu huỷ và tiêm phòng vác xin gia cầm do nhà nước trả - P.V) chứ không thì cả tháng đi tiêm phòng bệnh được vài mũi chẳng đủ tiền xăng xe”.

Ông Ma Văn Yên - Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận: “Một trong những nguyên nhân các địa phương chưa chủ động, kịp thời phòng, chữa bệnh ngay từ khi dịch phát sinh. Tỷ lệ tiêm phòng hàng năm mới đạt 60% tổng đàn trâu, 20% tổng đàn lợn. Chất lượng tiêm đôi khi không đảm bảo, khi có dịch bệnh khó huy động thú y, thậm chí không thể huy động được họ tham gia chống dịch. Một phần lực lượng này còn mỏng và không được phân công, phân nhiệm cụ thể, nhưng cái chính là họ chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ nào của Nhà nước. Thú y viên đi làm chủ yếu là với lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề là chính và cũng được ví như người “vác tù và hàng tổng”.

Để ổn định hệ thống thú y viên cơ sở và hoạt động có hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định ở xã, phường, thị trấn, thiết nghĩ hàng năm tỉnh trích một nguồn kinh phí hỗ trợ hàng tháng cho đội ngũ này theo Công văn số 16311/BTC-NSNN. Có được như vậy, đội ngũ thú y viên chắc chắn hoạt động hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy chăn nuôi.

Hiền Lương

Các tin khác

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, những năm qua, huyện Yên Bình đã quán triệt nội dung của Nghị quyết và triển khai tới tất cả các cơ quan, xã, thị trấn trong huyện.

Đó là chủ đề của chương trình đi bộ sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào chủ nhật 1-6 nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5-6.

Ngày 26-5, Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long cho biết, vào ngày 25-5, có 5 trong số 40 con heo của hộ ông Huỳnh Ngọc Hiệp (ấp Thuận Nghĩa A, xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) bị chết. Đây là số heo mà gia đình này mua tại Trung tâm Trại giống heo Phước Thọ (phường 8, thị xã Vĩnh Long), nơi vừa bùng phát dịch heo tai xanh.

YBĐT - Trong những năm qua, công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái luôn được đảm bảo tốt. Nhiều mô hình hay, cách làm mới cùng với sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân đã góp phần đẩy lùi các loại hình tội phạm ra khỏi địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục