Phụ nữ Vĩnh Kiên: trong phong trào phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm trở lại đây, Hội Phụ nữ xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) được đánh giá là điểm sáng trong công tác xây dựng Hội và triển khai có hiệu quả nhiều phong trào lớn. Đến nay, Hội đã thu hút được 835 chị em tham gia sinh hoạt, chiếm 78% phụ nữ trong độ tuổi toàn xã. Nhiều phong trào lớn được triển khai sâu rộng ở 16/16 phân, chi hội, nổi bật hơn cả là phong trào phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, làm giầu chính đáng.
Hội Phụ nữ xã đã triển khai tốt việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Ảnh: Thành Trung.
|
Chị Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Kiên cho biết: "Là xã thuần nông nên cuộc sống của nhân dân nói chung và gia đình hội viên phụ nữ nói riêng còn rất nhiều khó khăn.
Quán triệt chủ trương của Đảng, coi phát triển kinh tế là trọng tâm, những năm qua, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã được sự quan tâm của các cấp, các ngành đã triển khai tốt việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng". Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi như: thâm canh lúa, trồng ngô đông, trồng sắn cao sản, trồng rừng kinh tế, nuôi gà thả vườn và nhất là nuôi lợn theo mô hình công nghiệp. Được sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Giống cây trồng... Hội đã vận động chị em loại bỏ những cây trồng kém hiệu quả, đưa vào sản xuất những giống cây mới năng suất cao hơn như lúa lai, ngô lai, bạch đàn mô...
Bên cạnh đó, Hội còn triển khai tốt nhiều chương trình dự án lớn như: Dự án chăn nuôi lợn; Dự án SCJ của Chính phủ Nhật Bản với số tiền 200 triệu đồng. Không cam chịu cảnh nghèo túng, hội viên phụ nữ Vĩnh Kiên rất tích cực tham dự các buổi chuyển giao KHKT để trang bị kiến thức làm ăn cho mình. Nói như chị Nguyễn Thị Hà ở Chi hội thôn Tai Voi, thì: "Chị em chi hội mình tích cực đi nghe hướng dẫn lắm. Cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn mình trồng ngô trên đất hai lúa, mình và nhiều chị em làm đúng như vậy nên năm nào ngô cũng tốt, không sợ ảnh hưởng đến vụ xuân". Có những chi hội phụ nữ ở Vĩnh Kiên còn thành lập cả câu lạc bộ phụ nữ với khuyến nông như Chi hội Do Núi. Đã có 48 chị mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình kinh tế hộ có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng trở lên, tập trung ở Chi hội Mạ 1, Mạ 2, Ba Chãng, Đồng Đầm...
Từ nguồn vốn chính sách của Nhà nước cho chị em vay phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn chị em nuôi lợn để làm giàu. Đây không phải là nghề mới, nhưng nuôi nhiều, nuôi theo phương pháp mới, thì chị em còn rất bỡ ngỡ, nhất là việc nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp và bán công nghiệp cần nhiều vốn, đòi hỏi kiến thức... trong khi tình hình dịch bệnh và giá cả đầu vào tăng cao. Đứng trước vấn đề này, Hội Phụ nữ đã phối hợp với cán bộ khuyến nông và các nhà sản xuất thức ăn gia súc tổ chức nhiều buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc và phòng, trị bệnh trên đàn lợn. Nguồn vốn 500 triệu đồng mà Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay chỉ tập trung ở những gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, dùng tiền để xây bể bi - ô - ga, cải tạo chuồng, mua thêm lợn giống... và coi đó là mô hình để làm cơ sở nhân rộng cho những gia đình khác trong xã.
Có kiến thức, được hỗ trợ về giống, vốn nhiều chị phát triển nghề chăn nuôi lợn. Những mô hình nuôi 30, 40, 50 con lợn mỗi lứa đã xuất hiện ở Vĩnh Kiên và nhiều hộ nuôi 10 đến 15 con mỗi lứa. Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Đồng Đầm để chung vui với gia đình chị, vì chị mới xây cất được căn nhà khang trang bằng tiền nuôi lợn và chị Hiền cho biết: "Được sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ, được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn ưu đãi, gia đình tôi đã xây thêm chuồng, làm bể bi - ô - ga để phát triển chăn nuôi, năm 2007, gia đình chưa nuôi nhiều nên chỉ lãi được gần 50 triệu; năm 2008 này, mới xuất bán được hơn một tấn, hiện trong chuồng có 4 lợn nái và 50 lợn bột". Chị Hiền cũng cho biết thêm, tình hình giá giống và giá thức ăn đang ảnh hưởng đến nghề nuôi lợn.
Trước vấn đề này, các gia đình ở Vĩnh Kiên khắc phục bằng việc chủ động nguồn giống và tận dụng thêm sản phẩm nông nghiệp, nhất là ngâm ủ lên men bã sắn từ Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Vũ Linh để làm thức ăn nên chăn nuôi vẫn bảo đảm có lãi và nuôi nhiều vẫn có thu nhập khá để cải thiện cuộc sống".
Suy nghĩ của chị Hiền cũng là suy nghĩ chung của chị em hội viên phụ nữ xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) trên con đường làm giàu của mình.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc “Xây dựng một số làng, bản, buôn văn hóa ở vùng có hoàn cảnh đặc biệt” giai đoạn 2003 – 2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn hai thôn ở Yên Bái đó là thôn Đồng Hẻo thuộc xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) và thôn Gò Xoan xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) để đầu tư xây dựng. Đây là 2 thôn có 100% người Mông sinh sống. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn ở mức cao, trình độ dân trí thấp.
YBĐT - Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2007 – 2008 diễn ra an toàn, nghiêm túc, ngoài việc đảm bảo đúng quy chế trong công tác coi thi và làm bài thi, tỉnh Yên Bái đã đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn an ninh trật tự và đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thi.
Kết thúc ngày thi tốt nghiệp đầu tiên, tối 28/5, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW để lưu ý về những bất cập phải khắc phục trong 2 ngày thi tiếp theo.
Ngày 28/5, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 103 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở mới của Viện Huyết học, trong đó có xây dựng trung tâm điều trị các bệnh về máu tại Cầu Giấy, Hà Nội.