Cai nghiện tại cộng đồng ở Văn Chấn: Mô hình cần được nhân rộng
- Cập nhật: Thứ năm, 19/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Cát Thịnh và Tú Lệ có thời gian thành điểm có nhiều người nghiện thuốc phiện, ma tuý nhất của huyện Văn Chấn. Năm 2007, Công an huyện phối hợp với Phòng LĐ - TB&XH huyện, cùng UBND các xã tổ chức lớp cai nghiện tại cộng đồng, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ…
Học viên cai nghiện ma túy được học nghề. (Ảnh minh họa).
|
Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm
Anh Nguyễn Văn Đông - Trưởng Công an xã Cát Thịnh cho biết: “Những đối tượng này thường tập trung ở độ tuổi từ 18 đến 35, chủ yếu là những người đi làm ăn xa rồi mắc nghiện, sau khi trở lại địa phương lây nghiện cho người khác. Những người nghiện lại thường tập trung ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương và đời sống nhân dân”. Được sự tham mưu của Công an huyện Văn Chấn, Phòng LĐTB- XH huyện, UBND đã phối hợp tổ chức lớp cai nghiện cho những đối tượng nghiện tại địa phương. Lớp học đầu tiên của mô hình cai nghiện tại cộng đồng được tổ chức vào tháng 9/2007 tại thôn Vực Tấu 2. Đây là một trong những địa điểm có số lượng người nghiện thuốc phiện, nghiện ma tuý nhiều nhất trong toàn xã. Vì vậy, đặt lớp học ở đây mang tính chất răn đe, giáo dục đối với người dân.
Lớp cai nghiện đầu tiên với số lượng tham gia là 24 người nghiện. Sau 3 tháng tập trung cai nghiện tại cộng đồng, đã có 21 trường hợp cai nghiện thành công. Đây là một kết quả đáng khích lệ đối với công an huyện Văn Chấn khi lần đầu tiên phối hợp với các cơ quan của địa phương mở lớp cai nghiện tại cộng đồng. Hiện tại, trong toàn xã có 21/26 thôn bản không có người nghiện ma tuý và toàn xã cam kết không có người nghiện, 100% số thôn ở vùng cao cam kết “Ba bỏ”.
Cũng như Cát Thịnh, xã Tú Lệ nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Cao Phạ, Nậm Có (huyện Mù Cang Chải), xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn). Đây cũng là nơi giao lưu giữa miền xuôi với miền ngược theo tuyến quốc lộ lên Lai Châu, Lào Cai. Xã Tú Lệ có hơn 50 đối tượng đi cai nghiện ma tuý tại Trung tâm Cai nghiện ma tuý của tỉnh nhưng khi trở về tất cả đều tái nghiện... Tháng 10/2007, một lớp cai nghiện được tổ chức tại Tú Lệ với 24 người tham gia lớp học cai nghiện. Kết quả sau hơn 3 tháng thực hiện đã có 20 người cai nghiện thành công. Sau khi được cai nghiện, nhiều người đã trở thành những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất tại địa phương. Điển hình như anh Hà Văn Nhỏm (dân tộc Tày, xã Cát Thịnh) có thâm niên 9 năm nghiện thuốc phiện, anh đã tham gia cai nghiện tại địa phương và đã thành công. Hiện tại, gia đình anh là một trong những hộ có kinh tế khá trong xã. Hay như anh Tạ Văn Lịch (thôn Đồng Đắc, xã Cát Thịnh), sau khi cai nghiện thành công, anh chú tâm vào làm kinh tế hộ gia đình và giờ anh trở thành chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh của thôn.
Những kinh nghiệm rút ra
Điều khó khăn nhất trong việc triển khai lớp cai nghiện tại cộng đồng là động viên họ tham gia. Bởi không phải đối tượng nghiện nào cũng tự nguyện. Nhiều người còn cho rằng “cai nghiện tại trung tâm còn không ăn thua nữa là cai nghiện tại lớp học nho nhỏ như thế”. Để tạo được lòng tin cho họ, Ban chỉ đạo cai nghiện đồng thời tranh thủ tiếng nói của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong dòng họ đến động viên để đưa người nghiện vào lớp học. Thời gian cai nghiện khó khăn nhất là 10 ngày đầu cắt cơn. Vì vậy, luôn có 1 công an huyện, 1 công an xã và 4 công an viên thường trực cùng với các bác sỹ hỗ trợ. Khi lên cơn, người nghiện không thể làm chủ được hành động của mình, vì vậy vừa phải cứng rắn, vừa đồng thời mềm mỏng động viên giúp họ vượt qua. Hàng tháng, ban chỉ đạo lớp cai nghiện lại tổ chức kiểm tra sức khoẻ cũng như nồng độ chất ma tuý, thuốc phiện trong nguời cai nghiện, lãnh đạo công an huyện Văn Chấn cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của các học viên.
Trong trường hợp phát hiện đối tượng lén lút sử dụng chất ma tuý, thuốc phiện, đoàn kiểm tra sẽ có xử lý nghiêm minh. Ban chỉ đạo của lớp cai nghiện biết rằng, chỉ có lao động, tham gia vào các hoạt động lành mạnh mới có thể giúp người cai nghiện đoạn tuyệt với “thứ thuốc chết người”, do đó thường xuyên cho họ tổ chức lao động tại các thôn để rèn luyện sức khoẻ và lấy kinh phí phục vụ lớp học. Sau lớp cai nghiện tại cộng đồng, Công an huyện phối hợp với UBND xã tổ chức họp với nhân dân các thôn bản có người nghiện để thông báo kết quả cai nghiện và trao giấy chứng nhận đã qua lớp cai nghiện tại cộng đồng. Bên cạnh đó, công an xã giao cho từng đoàn thể ở thôn bản theo dõi, kiểm tra và hàng tháng, đối tượng sau cai phải nộp bản kiểm điểm cho công an xã...
Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm tổ chức lớp cai nghiện thành công tại địa phương, Thượng tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Công an huyện Văn Chấn cho biết: “Cùng với việc triệt phá các điểm bán lẻ thuốc phiện, ma tuý, phá bỏ cây thuốc phiện, để có thể giúp người cai nghiện thành công thì cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể, gia đình và bản thân người cai nghiện. Trong đó, sự tác động của các tổ chức đoàn thể, gia đình là yếu tố quan trọng để động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm cộng đồng, là động lực giúp người nghiện cai nghiện thành công”.
P.V
Các tin khác
Thị xã Nghĩa Lộ: Biểu dương 80 già làng, trưởng dòng họ tiêu biểu và người cao tuổi làm kinh tế giỏi
YBĐT - Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và kế hoạch chỉ đạo của Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái về việc tổ chức hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến trong đồng bào thiểu số, vừa qua, tại phường Pú Trạng, Ủy ban MTTQ thị xã Nghĩa Lộ tổ chức hội nghị biểu dương những cá nhân tiêu biểu là già làng, trưởng dòng họ vùng đồng bào dân tộc, gương người cao tuổi sản xuất giỏi năm 2006-2008.
YBĐT - Để chủ động phòng chống lụt bão trong mùa mưa lũ năm 2008, các địa phương trong toàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp, hành động cụ thể cho công việc này.
YBĐT - Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Yên Bái vừa khai giảng lớp may công nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu là học sinh của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái.
Bộ GD-ĐT đã có thông báo chính thức về thời gian thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT lần 2 năm 2008. Theo đó, kỳ thi này sẽ diễn ra trong 3 ngày: 18, 19 và 20-8.