Thấy gì qua kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2008?
- Cập nhật: Thứ hai, 23/6/2008 | 12:00:00 AM
Năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 75,96%, tăng hơn 9% so với năm 2007 (66,2%). Tỷ lệ học sinh đạt loại Khá, Giỏi tăng từ 10,62% (năm 2007) lên 11,46%.
|
Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa công bố kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2008. Từ việc công bố này đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tại các địa phương và câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệpTHPT năm 2009 để từ đó lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng? Phóng viên VOVNews đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân.
PV: Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2008. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ thi năm nay?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2008 của cả nước đạt 75,96%, tăng hơn 9% so với năm 2007 (66,2%). Năm nay, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp được chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm các địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tăng khoảng từ 5-10% như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên-Huế, Hà Tây, Kiên Giang. Nhóm thứ hai là các địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp giảm đi một chút gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang. Nhóm thứ ba là các địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp gần như không thay đổi lớn so với năm 2007.
Tỷ lệ học sinh đạt loại Khá, Giỏi tăng rất ít (khoảng 1%), từ 10,62% năm 2007 lên 11,46% năm 2008. Tỷ lệ học sinh đạt loại Khá, Giỏi cũng rất khác nhau. Ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh là 25,84% trong khi đó tại Sơn La chỉ có 3,55% và Bắc Kạn là 4,4%.
Qua kỳ thi này, chúng ta nhận thấy chất lượng giáo dục tại các địa phương còn rất khác nhau. Điều này cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm là tiếp tục quan tâm hơn nữa tới chất lượng giáo dục, đặc biệt là tại các tỉnh, vùng miền khó khăn.
PV: Kết quả thi tốt nghiệp THPT phải được đánh giá dựa trên năng lực học tập của học sinh trong suốt 12 năm. Tuy nhiên, trong kỳ thi năm nay, một số tỉnh lại có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tăng đột biến so với năm ngoái. Vậy Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về hiện tượng tăng đột biến này?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Muốn tìm hiểu rõ các địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT có thực chất hay không thì chúng ta phải về địa phương xem xét việc dạy và học cũng như thi cử của địa phương đó. Nếu chúng ta băn khoăn về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của các địa phương tăng nhiều thì tại sao chúng ta không thắc mắc về các địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm. Nếu địa phương nào năm nay có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp giảm thì chưa chắc là chất lượng dạy và học ở địa phương đó đã kém bởi vì ngay trong từng khoá, năng lực của học sinh cũng có những sự khác biệt nhất định. Ngoài ra, năm nay địa phương nào thi cử nghiêm túc hơn thì kết quả thi cũng có thể giảm. Chính vì thế, chúng ta không thể nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương để đánh giá là có hợp lý hay phi lý mà chúng ta phải giải thích tổng quát được lý do là năm nay tại sao từng địa phương lại có kết quả thi như vậy.
Tuy nhiên, điều khiến chúng ta phải nhìn nhận là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, số thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ là 833 em (giảm 1/3 so với năm 2007 với 2.522 thí sinh vi phạm), số giám thị vi phạm quy chế thi bị đình chỉ công tác coi thi là 15 người (năm 2007 là 18 người). Điều này cho thấy, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ Giáo-Đào tạo phát động đã có tác động tích cực tới các địa phương, đặc biệt là tới giáo viên, học sinh phải “Dạy thật, Học thật, Thi thật”.
PV: Qua kỳ thi này, điều dễ nhận thấy là chất lượng giảng dạy và học tập của các địa phương còn rất khác nhau. Theo Phó Thủ tướng, giải pháp nào sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng dạy và học đạt hiệu quả?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Một trong những giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục là ngành Giáo dục không chỉ quan tâm, bồi dưỡng những học sinh khá, giỏi mà cần quan tâm hơn tới những học sinh yếu kém.
Qua những đánh giá về chương trình sách giáo khoa ở cấp THPT, các em học sinh phải học hơn 30 tiết/tuần. Việc tăng tiết học ở trên lớp đối với học sinh sẽ khiến các em không có thời gian tự ôn tập, rèn luyện kiến thức nên bắt đầu từ năm nay, ngành Giáo dục sẽ điều chỉnh lại lịch học tại các trường THPT. Theo đó, các em học sinh chỉ học không quá tối đa là 29 tiết/tuần. Ngoài ra, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ chỉ định các trường tăng thời lượng giảng dạy và học tập từ 35 tuần/năm lên thành 37 tuần/năm. Việc làm này nhằm giúp cho học sinh có thời gian ôn luyện và các địa phương có điều kiện, thời gian bồi dưỡng thêm cho những học sinh có học lực yếu trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Để thực hiện được chu trình học tập này thì ngành Giáo dục sẽ để cho các địa phương tự quyết định ngày khai giảng và kết thúc năm học như vùng miền núi thì có thể nghỉ nhiều vào mùa Đông, vùng có mùa lũ thì để các trường có thể học sớm hơn.
PV: Thưa Phó Thủ tướng, từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, liệu chúng ta có thể làm tốt kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 để từ đó lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Lịch trình bắt đầu từ năm 2009 sẽ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT để từ đó lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo trình Chính phủ xem xét từ năm 2005. Vấn đề bây giờ là chúng ta thực hiện như thế nào để có một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng. Để làm tốt được việc này, Bộ Giáo dục-Đào tạo đang nhanh chóng gửi tới 64 tỉnh, thành và hơn 100 trường đại, cao đẳng xem xét, đóng góp ý kiến về tổ chức kỳ thi. Sau khi xem xét những ý kiến đóng góp của các tỉnh thành và các trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ có giải pháp phù hợp và có quyết định cuối cùng để thực hiện các quy trình, công đoạn cho kỳ thi.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh và học sinh cũng cần phải có một nhận thức đúng đắn về kỳ thi này là Bộ Giáo dục-Đào tạo không bao giờ dùng khái niệm “Hai trong một” (kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học làm một). Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ dùng khái niệm tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT để từ đó lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, ngay từ bây giờ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý để thích ứng với kỳ thi mới này.
PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Năm học 2007 - 2008, Công đoàn Trường THCS Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) có tổng số 30 đoàn viên. Thuận lợi là hầu hết đoàn viên đều nhiệt tình, có sức khỏe tốt, có uy tín và năng lực chuyên môn vững vàng; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập ổn định, khuôn viên xanh - sạch - đẹp, tạo được môi trường giáo dục lành mạnh. Tuy vậy, nhà trường vẫn có một số khó khăn như việc bắt nhịp quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy còn khá chậm trước yêu cầu đổi mới của ngành...
Ngày 22.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết trong thời gian gần đây tại một số địa phương tiếp tục xuất hiện các ca bệånh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Dù dịch đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát vẫn cao do còn tình trạng tưới rau bằng phân tươi, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt. Đáng lưu ý thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, nhất là phẩy khuẩn tả phát triển và phát tán.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ hôm nay 21/6, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục chịu một đợt nắng nóng mới với nhiệt độ khoảng 350C - 380C, kéo dài đến hết ngày 24/6.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương: sáng nay cơn bão mạnh cấp 13 (bão Fengshen) đã vượt qua Philippines vào khu vực bắc Biển Đông và có ảnh hưởng trực tiếp tới một vùng biển rộng lớn ở khu vực này.