Chất độc da cam - còn đó những nỗi đau!
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm những nỗi đau nó để lại vẫn còn dai dẳng, di chứng của chất độc da cam thì vẫn còn đó, đè nặng lên hàng ngàn gia đình và hàng triệu con người.
Theo thống kê, toàn tỉnh Yên Bái hiện có gần 1.140 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó, nạn nhân trực tiếp là 530, còn lại là nạn nhân đời thứ hai. Qua khảo sát, hầu hết các gia đình này đều có hoàn cảnh rất khó khăn, cần lắm sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái.
Đến thăm gia đình ông Lương Thanh Xuân ở thôn 9, xã Động Quan, huyện Lục Yên vào một buổi chiều, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xót xa bởi trong ngôi nhà đó là những mảnh đời bất hạnh đang phải chịu sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần do hậu quả của thứ chất độc mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, anh Lương Thanh Xuân lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất anh trở về và lập gia đình với chị Hoàng Thị Pháo. Theo thời gian, năm đứa con lần lượt ra đời nhưng thật không may bởi có ba đứa con bị tật nguyền do ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố.
Nhìn ba đứa con tật nguyền của mình, ông Xuân cho biết đứa lớn nhất năm nay đã 28 tuổi, đứa bé cũng 21. Cả ba anh em lúc mới sinh ra thì bình thường nhưng một thời gian sau thì có những dấu hiệu khác lạ như: toàn thân trắng xanh nhợt nhạt, đầu không có tóc lại to bất thường, chân tay co quắp và những khuôn mặt trở nên dị dạng, vô hồn.
Năm tháng trôi qua, trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng này, ba đứa con của ông bà chỉ biết nằm một chỗ và suốt ngày gào thét. Nhìn bà Pháo ôm ba đứa con tật nguyền trong vòng tay, không ai có thể cầm lòng được khi thấy nước mắt của người mẹ bất hạnh cứ lăn dài. Gần 30 năm, ông bà chứng kiến cảnh những đứa con của mình sống không trọn kiếp người, không bao giờ lớn lên được dù chúng đã qua tuổi trưởng thành, đau xót không nói được thành lời.
Cùng chung nỗi đau có con bị nhiễm chất độc da cam, gia đình ông Nguyễn Công Tứ ở thôn 5, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên có 4 người con ảnh hưởng bởi thứ chất độc chết người đó. Nhưng nặng nhất là đứa con trai út sinh năm 1990. Trở về từ chiến trường miền Nam năm 1981, anh Nguyễn Công Tứ lập gia đình với chị Trần Thị Hằng và có bốn đứa con nhưng thật không may bởi chúng đều ít nhiều bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố. Ba đứa con đầu của anh chị hay ốm đau, không khoẻ mạnh như những đứa trẻ bình thường. Đến đứa thứ tư thì anh chị không khỏi bàng hoàng bởi khi mới sinh ra, đứa trẻ khóc suốt và không ăn 3 ngày, 3 đêm. Từ đó đến 5 tuổi, cháu liên tục bị co giật phải đưa đi cấp cứu. Chất độc quái ác đã biến cháu thành một người hoàn toàn không có khả năng nhận thức, lúc thì ngơ ngác, lúc cười vô hồn, lúc lại la hét điên cuồng đập phá.
Nỗi đau hiện lên trên những khuôn mặt đờ đẫn, nụ cười ngây dại của những đứa con tật nguyền và khuôn mặt hốc hác, đẫm đầy nước mắt của những người cha, người mẹ đã sinh ra những "khúc ruột" không lành lặn. Nỗi đau hơn cả những nỗi đau bởi đó là sự thiếu thốn về vật chất, đau đớn về thể xác và tinh thần.
Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều chương trình cụ thể như: hỗ trợ phát triển sản xuất, làm nhà, trợ cấp tiền hàng tháng, thăm hỏi tặng quà… giúp các gia đình có nạn nhân bị chất độc da cam bớt đi phần nào khó khăn, cảm nhận được tình yêu thương và sự sẻ chia của cộng đồng để có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Thanh Chi - Thanh Ba
Các tin khác
Ngày 16-7, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, thay thế cho Quyết định đã ban hành năm 2001 và 2005.
YBĐT - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái và Đại diện tổ chức Codespa - Tây Ban Nha vừa tổ chức ký kêt dự án FDP (phân viên nén dúi sâu) mở rộng giai đoạn II về việc áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh cây lúa.
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 5 vạn đối tượng người có công, trong đó trên 4 vạn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần; 7.541 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Đối tượng người có công luôn được ngành lao động - thương binh - xã hội quản lý, theo dõi thường xuyên trên các mặt thực hiện các chế độ chính sách và cùng toàn thể xã hội đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người có công.
YBĐT - Yên Bình - không chỉ vào những ngày tháng 7 hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ này mới có không khí của phong trào đền ơn đáp nghĩa; mà ân nghĩa ấy dường như nó đã thấm sâu vào lòng mỗi người dân và trở thành đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” khơi dậy động lực vươn lên...