Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” Hướng tới sự bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực, trở thành một phong trào lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và có ý nghĩa, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH về những vấn đề liên quan đến quá trình phát huy hiệu quả của phong trào.

Múa sạp của thiếu nữ Thái Mường Lò.
(Ảnh: Thanh Miền)
Múa sạp của thiếu nữ Thái Mường Lò. (Ảnh: Thanh Miền)

Xin đồng chí cho biết về những kết quả đã đạt được và ý nghĩa của phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh nhà trong thời gian qua?

- Phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các ngành, đoàn thể và các cấp uỷ, chính quyền và sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, phong trào xây dựng gia đình văn hoá được xác định là phong trào có tính cốt lõi của cuộc vận động TDĐKXDĐSVH đã có những chuyển biến tích cực; phong trào xây dựng làng bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hoá tiếp tục được duy trì, mở rộng... Đến nay, đã có 149.082/164.755 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá; 1.455/2.342 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hoá; 1.281/1.560 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị đạt chuẩn văn hoá; 1.516/2.442 khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư tiên tiến.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã ra mắt xây dựng được 49 làng, bản, tổ dân phố văn hoá, nâng tổng số toàn tỉnh lên 856 làng, bản, khu phố văn hoá... Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút ngày càng nhiều người tham gia, đã thành lập 457 câu lạc bộ thể dục thể thao thường xuyên hoạt động. Phong trào TDĐKXDĐSVH của các đoàn thể như: phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân... tiếp tục được duy trì, hoạt động phong phú, đa dạng, tạo sức hút mạnh trong nhân dân.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh đã có chuyển biến nhất định, cơ bản đảm bảo tổ chức tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh... Kết quả của phong trào đã tác động tích cực, sâu sắc, toàn diện đối với đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của từng địa phương, cơ sở trong tỉnh. Tính chất phong trào rộng lớn, toàn dân, toàn diện bao trùm mọi lĩnh vực và gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội; đã phát huy tích cực các yếu tố văn hoá và nhân tố con người, góp phần làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, từng người, từng gia đình, từng tập thể, cộng đồng.

Kết quả của phong trào là rất lớn, nhưng vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế đã nảy sinh trong quá trình thực hiện, thưa đồng chí?

- Phải nói rằng trong quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, chúng ta còn có những nhược điểm, thiếu sót. Đó là phong trào không được tập trung mà dàn trải trên diện rộng dẫn đến hiệu quả thực tế chưa thực sự cao. Cho đến nay, nhận thức của một bộ phận cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các cấp và người dân còn hạn chế, thiếu quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Ở một số cơ sở, phong trào đã có dấu hiệu trầm lắng, thiếu chiều rộng, chiều sâu và chất lượng, dẫn đến hiệu quả còn thấp; sự tham gia của các tầng lớp nhân dân còn thiếu nhiệt tình, chưa tạo ra những chuyển biến rõ nét về đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân, chưa tạo ra sự tự thân, tự giác thực hiện các quy định, quy ước về nếp sống văn hoá. Đặc biệt, tuy có sự tăng về số lượng đăng ký xây dựng thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH nhưng nếp sống mới vẫn chậm hình thành; tệ nạn xã hội, nghiện hút ma tuý, thói hư tật xấu, vi phạm pháp luật vẫn còn tồn tại; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tuy có chuyển biến nhưng chưa rõ nét (nhất là trong khu vực cơ quan, đơn vị, cán bộ đảng viên và vùng dân tộc thiểu số).

Bên cạnh đó, mức hưởng thụ văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn thấp; hoạt động của ban chỉ đạo các cấp chưa chất lượng, thiếu quyết liệt, chưa chặt chẽ, nhiều nơi yếu kém, phương thức hoạt động thiếu cụ thể, chưa sâu sát; việc thẩm định kiểm tra, công nhận, công nhận lại danh hiệu văn hoá chưa tốt, vẫn nặng chạy theo thành tích, chạy theo số lượng; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động quần chúng và khơi dậy cũng như phát huy vai trò chủ động, tự quản của cộng đồng, cơ sở và người dân chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Vậy, để xây dựng được hệ thống những cơ sở văn hoá một cách thực chất, đúng với mục tiêu của phong trào, các ngành thành viên Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH và đặc biệt là các cơ sở cần phải làm những gì trong thời gian tới?

- Để thực hiện được mục tiêu lớn của cuộc vận động TDĐKXDĐSVH, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu trong việc thực hiện xây dựng gia đình văn hoá - cốt lõi của cả phong trào.

Cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hóa; nâng cao chất lượng chung của cuộc vận động lớn TDĐKXDĐSVH, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, cần quán triệt nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phong trào các cấp, sự tích cực chỉ đạo, thực hiện của các ngành thành viên ban chỉ đạo.

Qua đó, thường xuyên xây dựng kế hoạch hoạt động, có kiểm tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước trưởng ban về kết quả phong trào trên từng lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Yên Bái đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên về việc phụ trách xây dựng, phát triển phong trào tại 9/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo hoạt động phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nhằm khơi dậy được tính tự giác, tự chủ trong nhân dân, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của phong trào...

Làm được những điều đó chúng ta mới có được một hệ thống những cơ sở văn hoá thực chất trên diện rộng, thực hiện mục tiêu hướng tới sự bền vững của phong trào.

Xin cảm ơn đồng chí!

Thiên Cầm

Các tin khác
Cảnh trong tiểu phẩm “Chuyện nhà ông Bạo” về phòng chống bạo lực gia đình do Phòng Văn hóa huyện Yên Bình trình diễn.
(Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Bạo lực tình dục dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng khiến người khác phải chịu đựng sự đau đớn và để lại hậu quả không chỉ về mặt thể xác, nặng nề hơn là về mặt tinh thần.

Y, Bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lục Yên làm xét nghiệm cho bệnh nhân.

YBĐT - Trong thời gian gần đây nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao để nhiều bác sỹ chuyển vùng, trong khi tỉnh Yên Bái đang có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học?

Sáng ngày 22-10, “thần đèn xứ Bắc” Đỗ Quốc Khánh cho biết, ông vừa thực hiện thành công việc kích một tòa biệt thự nặng 250 tấn ở gần Hồ Tây (Hà Nội). Tuy nhiên, đây là trường hợp kích đẩy một công trình từ bên dưới lên theo chiều thẳng đứng với độ cao đạt kỷ lục từ trước đến nay.

YBĐT - Ngày 4 tháng 8 năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2008/NĐ - CP về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Yên Bái. Đây là điều kiện để thành phố phát triển xứng tầm là trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Yên Bái. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Đức Hoan – Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái xung quanh vấn đề này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục