Thực hiện Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn II: Trách nhiệm và lòng tự trọng
- Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái mới khởi công được 78 công trình lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên. So với toàn quốc, Yên Bái nằm trong tốp 8 tỉnh có tiến độ triển khai Đề án Kiên cố hoá (KCH) trường, lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 chậm nhất.
Hai phòng học trong Đề án Kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn II (2008 - 2012) đang được thi công tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thị trấn Mậu A, Văn Yên.
(Ảnh: Minh Tuấn)
|
Tiến độ chậm như rùa
Đề án KCH trường, lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn II (2008 - 2012) được thực hiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được đến trường, đồng thời tạo điều kiện giúp giáo viên yên tâm công tác. Việc KCH trường, lớp theo hướng chuẩn hoá cũng góp phần tạo nên một trung tâm sinh hoạt văn hoá cho cộng đồng. Từ những ý nghĩa đó, Yên Bái đã nhanh chóng triển khai nhiều công tác phục vụ cho Đề án. Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến huyện đã được thành lập. Nhận thấy rõ thách thức là trong thời gian ngắn phải triển khai nhiều công việc cụ thể nên trong vòng 4 tháng gần đây, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế cũng như các ngành chuyên môn liên quan đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã lập nhiều đoàn công tác tới 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn để kiểm tra hoạt động của ban chỉ đạo cấp huyện, kiểm tra, rà soát tính xác thực số lượng, danh mục phòng học, nhà ở công vụ cho giáo viên, kiểm tra việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và kế hoạch đầu tư của cả giai đoạn, việc quy hoạch quỹ đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết cho các cơ sở trên địa bàn... Do vậy đã có 78 công trình được khởi công. Tuy nhiên, hầu hết số công trình được khởi công đều có số vốn dưới 1 tỷ đồng, còn trên 1 tỷ đồng thì vẫn "nằm yên", cá biệt có công trình chưa hoàn thành công tác khảo sát thiết kế xây dựng. Nhanh nhất chỉ có huyện Trấn Yên và Văn Yên. So sánh với các tỉnh lân cận thì tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành 80% kế hoạch của năm 2008, các tỉnh trong khu vực cũng đã thực hiện đạt từ 50 - 60% kế hoạch, còn Yên Bái mới đạt chưa đầy 10% kế hoạch và đang là 1 trong 8 tỉnh có tiến độ triển khai chậm nhất nước.
Những nguyên nhân
Nguyên nhân của sự chậm trễ này được xác định là do Đề án có quy mô lớn, triển khai trên phạm vi rộng, một số thiết kế mẫu chưa phù hợp với thực tế địa phương, hơn nữa trong thực hiện phải tuân thủ đúng trình tự trong xây dựng cơ bản. Đó là nguyên nhân khách quan, còn về chủ quan, năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện Đề án nên lãnh đạo ở nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm để chỉ đạo một cách quyết liệt, đặc biệt ở 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải còn lúng túng, bị động, còn trông chờ vào cấp trên trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái cho biết: “Các địa phương vùng cao không có giải pháp hiệu quả để triển khai Đề án nhưng lãnh đạo địa phương cũng không hề về tỉnh để bàn bạc với các ngành chuyên môn tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Một số trường học ở vùng cao không lưu giữ được quyết định thành lập trường nên rất khó có cơ sở để các ngành chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng...”. Công tác rà soát các vị trí xây dựng còn chưa chính xác nên trong quá trình thực hiện một số điểm xây dựng chưa và không bảo đảm mặt bằng.
Bên cạnh năng lực của một số ban quản lý dự án xây dựng địa phương còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế, đội ngũ làm công tác thẩm tra cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ. Có cơ quan tư vấn khảo sát địa chất không đúng với quy định, không đủ so với báo cáo khảo sát đã xây dựng, thiết kế không theo mẫu thiết kế do Bộ Xây dựng và tỉnh ban hành, một số công trình trường mẫu giáo thiết kế không theo quy chuẩn đặc thù.
Về diện tích, các phòng học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông cơ sở chưa được chú ý theo quy hoạch số lượng học sinh của trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 để bảo đảm phù hợp trong thời gian dài. Có nhiều công trình: công trình xây dựng nhà lớp tiểu học, THCS, THPT hồ sơ trình duyệt không đầy đủ, nhầm lẫn về quy trình. Một số công trình không hợp lý về quy mô lớp học, đơn vị tư vấn áp dụng mẫu quá lớn. Một số công trình đầu tư phòng học bộ môn, phòng chức năng không phù hợp với chủ trương của Đề án; quy mô đầu tư của phòng học này lớn gấp 1,5 đến 2 lần so với lớp học thông thường.
Hiện tại, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang tiếp nhận 1 công trình của huyện Yên Bình, 3 công trình của Sở Giáo dục - Đào tạo trình phê duyệt phòng học bộ môn, phòng chức năng. Các công trình thiết kế nhà công vụ có rất nhiều hồ sơ thiết kế không đúng mẫu đã ban hành, sai lệch về chiều cao nhà, chiều rộng lòng nhà, lòng khu phụ, phát sinh tăng nhiều hạng mục phụ trợ như: bồn hoa, giếng nước, ống khói, mái tôn, lối đi cửa sau...
Thực tế trong kế hoạch năm 2008 có tới 50% số công trình phải tổ chức đấu thầu, đây là khó khăn lớn để hoàn thành kế hoạch năm 2008. Theo ông Phạm Huy Giang – Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, thời gian qua, Sở đã nhận 62 tờ trình và hồ sơ, tuy nhiên chỉ có số ít công trình đầy đủ thủ tục cần thiết. Cụ thể: 14 công trình đã có tờ trình nhưng chưa có hồ sơ, 18 công trình có tờ trình và hồ sơ nhưng hồ sơ còn thiếu, phát sinh hạng mục như kè đá, san nền..., thiết kế chưa đúng mẫu và không hợp lý, chỉnh sửa thiết kế, 2 công trình đã nhận hồ sơ nhưng hồ sơ chưa đầy đủ và thiếu tờ trình là công trình thuộc Trường THCS Yên Thịnh và Trường THCS Tuy Lộc (Thành phố Yên Bái). Sở Kế hoạch - Đầu tư đang tiến hành thẩm định 1 công trình, đã phê duyệt 27 công trình với tổng mức đầu tư 38 tỷ 304 triệu đồng cho 138 phòng học và 20 phòng ở giáo viên... Các chủ đầu tư chưa xem xét kỹ hồ sơ trình duyệt vì thế khi Sở Kế hoạch - Đầu tư tiếp nhận hồ sơ trình duyệt còn rất nhiều thiếu sót phải chỉnh sửa.
Trách nhiệm và lòng tự trọng
Theo sự chỉ đạo của tỉnh, đến ngày 30/12 phải có 70% số công trình được khởi công, đến 30/3/2009 phải tiến hành giải ngân 100% vốn theo kế hoạch năm 2008, đồng thời ngày 30/3/2009 cũng phải hoàn thành công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật các công trình của năm 2009. Để hoàn thành kế hoạch, bên cạnh thực hiện việc phân cấp mạnh cho các chủ đầu tư, Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng đề cao vấn đề trách nhiệm của các ngành thành viên ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, các đơn vị tư vấn thiết kế, các phòng giáo dục, các địa phương và nhà trường có công trình. Đề án KCH trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên là một chương trình lớn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Mong rằng mỗi cấp, mỗi ngành và các đơn vị liên quan trong thời gian tới thực hiện tốt trách nhiệm đã cam kết với tỉnh và hãy tự hỏi: Tại sao nhiều tỉnh cũng chung điều kiện khó khăn như Yên Bái mà họ lại thực hiện Đề án này nhanh hơn chúng ta?
Khánh Linh
Các tin khác
Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ - TB và XH chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vụ tai nạn nổ khí mêtan tại Khe Chàm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tin từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) chiều 9/12 cho biết, Bộ đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ trên cả nước phải kết thúc vào cuối tháng 12/2008 việc kiểm kê toàn bộ giáo trình hiện có.
Các đối tượng được xét đặc xá trong dịp Tết Nguyên đán không bao gồm phạm nhân về ma túy, giết người, hiếp dâm, truyền HIV cho người khác...
YBĐT - Tuổi trẻ xã vùng cao Lâm Thượng, huyện Lục Yên luôn là lực lượng xung kích trong phong trào tình nguyện. Với những hoạt động thiết thực, từ đầu năm đến nay, đoàn viên, thanh niên trong xã bằng sức trẻ của mình đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.