Nơi dạy nghề cho lao động nông thôn
- Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là trung tâm thuộc Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái, Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ thực hiện nhiệm vụ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn khu vực 4 huyện phía Tây của tỉnh.
Giới thiệu về Trung tâm, giám đốc Tạ Đức Minh cho biết: “Tổng số cán bộ, giáo viên của Trung tâm có 9 người mà phải đảm trách một khối lượng công việc khá lớn. Điều kiện để dạy nghề cũng thiếu, nhà xưởng chưa có, gần đây mới được đầu tư xây dựng nhà làm việc và lớp học. Nhưng tập thể luôn đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo trong công việc nên đã tìm ra được các giải pháp để khắc phục. Trong điều kiện vừa hoàn thiện cơ sở vật chất vừa củng cố đội ngũ cán bộ, giáo viên, 4 năm qua đã đào tạo được trên 2.000 người với hàng chục nghề”.
Thăm một lớp sửa chữa xe máy, người học không chỉ ở thị xã Nghĩa Lộ mà có cả ở huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Các học viên hầu hết là những nam thanh niên tuổi đời đang độ đôi mươi. Bên mấy chiếc xe đã được bổ máy, thầy say sưa giảng, học trò chú ý lắng nghe vừa để củng cố lý thuyết đồng thời để tiếp nhận những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế. Khi phương tiện giao thông ngày càng được cơ giới hoá, nhất là đối với vùng cao thì nghề này cũng đang có sức hấp dẫn đối với các em. Rồi nghề sửa chữa điện dân dụng, gò hàn hằng năm cũng có tới trăm em học viên tốt nghiệp.
Nằm trong vùng kinh tế nông lâm nghiệp, Trung tâm cũng luôn chú ý đào tạo các nghề gắn với nông thôn và nông dân. Những nghề trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm sản thường xuyên thu hút học viên đến từ các xã của vùng lòng chảo Mường Lò như: Thạch Lương, Phúc Sơn, Gia Hội, Nghĩa Lợi... Không chỉ dạy ở Trung tâm, các giáo viên còn xuống tận địa phương để dạy nghề. Với kiến thức đã được học, học viên lại trở thành những kỹ thuật viên đem khoa học đến với bà con thôn bản ứng dụng vào sản xuất.
Cùng với đội ngũ khuyến nông viên, việc dạy nghề ngắn hạn cho nông dân góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, góp phần xoá đói giảm nghèo. Gần đây, khi du lịch phát triển và mặt hàng thổ cẩm đang trở thành hàng hoá hấp dẫn du khách mỗi khi đến với Nghĩa Lộ – Mường Lò thì việc khôi phục nghề truyền thống trở nên cần thiết. Phối hợp cùng với các cơ sở sản xuất tại địa phương, Trung tâm đã mở nhiều lớp may, thêu, dệt thổ cẩm cho các phường xã của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Mỗi năm vài lớp, mỗi lớp vài chục người, riêng năm 2008 đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 230 học viên theo học nghề này. Bằng nỗ lực của tập thể Trung tâm, năm qua cũng giới thiệu được 155 lao động qua đào tạo nghề đi làm việc tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có thu nhập ổn định.
Đào tạo nghề theo kế hoạch, song Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ luôn chú ý đối tượng thuộc diện chế độ chính sách, nhất là chính sách dân tộc, miền núi. Cũng năm 2008 đã mở 6 lớp cho các đối tượng này, trong đó 3 lớp cho lao động thuộc hộ nghèo với 85 học viên; 1 lớp 25 học viên cho lao động tàn tật; 1 lớp cho 25 học viên thanh niên dân tộc nội trú và đào tạo nghề cho 30 học viên thuộc diện trẻ em có nguy cơ lao động nặng nhọc. Ngoài ra còn liên kết mở lớp đào tạo tin học văn phòng cho 75 học viên, giúp cho việc đưa công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại Hội chợ Lao động – việc làm khu vực miền Tây, gian trưng bày của Trung tâm thu hút nhiều người lao động và chủ sử dụng lao động đến thăm. Chất lượng đào tạo đã tạo được niềm tin đối với họ. Thời gian tới, mục tiêu của Trung tâm đặt ra là: Từng bước phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và đội ngũ cán bộ, giáo viên; nâng dần qui mô và chất lượng đào tạo với ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu của địa phương. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40%, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái. Và chủ trương bổ sung, hiệu chỉnh, xây dựng mới chương trình giảng dạy các nghề phù hợp với thực tế của địa phương; tăng thời gian học thực hành để người học nắm vững kiến thức và tay nghề áp dụng vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả; tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động qua đào tạo tại Trung tâm...
Phấn đấu để trong tương lai không xa, Trung tâm sẽ nâng cấp thành trường trung cấp nghề – nôi đào tạo nghề cho nông dân miền Tây.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Hội Phụ nữ xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 296 hội viên, sinh hoạt tại 10 chi hội. Gần 100% là hội viên người tộc thiểu số, trình độ văn hoá còn thấp. Do đó, trước đây phần lớn đời sống của chị em hội viên gặp không ít khó khăn, các hoạt động của Hội chưa phát huy hiệu quả.
YBĐT - Thực hiện công tác tuyển quân năm 2009, đến nay 4 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái được giao tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đợt 1 năm 2009 là: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố Yên Bái đã tổ chức khám tuyển cho 1.544 công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ.
YBĐT - Để xây dựng nên một địa bàn trong sạch, loại trừ tội phạm và tệ nạn xã hội, Công an xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương phát động sâu rộng, hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", qua đó phát huy sức mạnh toàn cộng đồng vào công tác giữ gìn an ninh - trật tự trên địa bàn, đặc biệt trong công tác giáo dục cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng.
YBĐT - Theo giới thiệu của cán bộ phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), chúng tôi tới thăm khu phố Yên Ninh. Những con đường đổ bê tông được quét dọn sạch sẽ, những hàng cây do các hộ gia đình tự trồng được chăm sóc cẩn thận đã tạo một cảm giác thoải mái, dễ chịu cho mọi người khi đi qua đây giữa lòng thành phố sôi động.