Văn Chấn (Yên Bái): Khó khăn trong công tác tư pháp
- Cập nhật: Thứ năm, 18/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Văn Chấn là huyện có địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc, chính vì vậy công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác tư pháp, hộ tịch ở cơ sở còn nhiều hạn chế; công tác nhân sự của Phòng Tư pháp huyện và một số xã luôn luôn có biến động... cũng là nguyên nhân khiến công tác tư pháp trên địa bàn huyện nói chung và công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở đây chưa được đồng bộ, hiệu quả.
Cán bộ Phòng Tư pháp Văn Chấn lựa chọn nội dung cho chương trình phát thanh trong chuyên mục “Đời sống và pháp luật” thường kỳ.
|
Khắc phục những khó khăn đó trong năm, Phòng Tư pháp huyện Văn Chấn đã phối hợp với Đài Truyền thanh - truyền hình huyện duy trì đều chuyên mục “Đời sống và pháp luật” trên sóng phát thanh. Với thời lượng từ 10 - 15 phút phát vào chiều thứ 7 và phát lại vào sáng chủ nhật, nội dung chủ yếu do Phòng biên soạn, lựa chọn các văn bản luật phù hợp với thực tế địa phương như: Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma tuý và một số các văn bản dưới luật khác của Trung ương, của tỉnh, huyện có liên quan trực tiếp tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương theo từng thời điểm.
Công tác tuyên truyền PBGDPL cũng được triển khai hiệu quả dưới hình thức sân khâu hoá như phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức thành công các hội thi phụ nữ tìm hiểu kiến thức pháp luật ở các xã vùng ngoài của huyện là Nghĩa Tâm, Tân Thịnh, Cát Thịnh và Đại Lịch. Ngoài ra, thông qua ban tuyên truyền PBGDPL ở 31/31 xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền 673 buổi cho trên 20.000 lượt người tham gia.
Hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua các buổi hội họp của các tổ chức đoàn thể, thôn, bản... Nội dung chủ yếu tập trung vào các văn bản luật mới ban hành như: Luật Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình, Luật An toàn giao thông, kiến thức phòng chống HIV/AIDS... Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch ở cơ sở còn nhiều hạn chế, mới chỉ có 16/31 cán bộ tư pháp cơ sở qua đào tạo, vì thế rất cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Toàn huyện đã có 31 tủ sách pháp luật ở 31 xã, thị trấn, bình quân mỗi tủ sách có 60 đầu sách pháp luật. Thế nhưng, việc khai thác tủ sách còn hạn chế và hầu như mới chỉ giới hạn ở đội ngũ cán bộ xã, các ngành, đoàn thể dưới hình thức đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà, còn nhân dân đến tìm hiểu sách pháp luật thông qua tủ sách pháp luật rất ít. Nguồn đầu tư kinh phí hàng năm để bổ sung các văn bản mới ban hành cho tủ sách là chưa có, nguồn tài liệu, sách chủ yếu vẫn do cơ quan tư pháp cấp trên sao gửi... Có thể nói, hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật ở Văn Chấn còn thấp.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Tư pháp, huyện Văn Chấn đã thành lập các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở 15 xã vùng ba và 8 xã vùng hai. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện đẩy mạnh được công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn khi các câu lạc bộ (CLB) này đi vào hoạt động nề nếp và hiệu quả. Song, tiếc rằng đến nay các CLB này vẫn chưa được cấp kinh phí hoạt động. Bởi thực tế cho thấy, hoạt động trợ giúp pháp lý của CLB trợ giúp pháp lý ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và Tổ trợ giúp pháp lý của huyện Văn Chấn trong thời gian qua là khá hiệu quả, cụ thể: đã trợ giúp pháp lý trực tiếp cho 37 đối tượng; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã: Tân Thịnh, Đại Lịch, Đồng Khê và Minh An.
Do công tác nhân sự có sự thay đổi: Trưởng phòng Tư pháp huyện chưa được kiện toàn, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện cũng chưa được kiện toàn lại; việc củng cố đội ngũ báo cáo viên cấp huyện chưa được triển khai... Đây là những trở ngại đối với công tác tư pháp nói chung và công tác tuyên truyền PBGDPL của huyện Văn Chấn nói riêng, cần được tháo gỡ kịp thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác tư pháp trên địa bàn.
Hải Anh
Các tin khác
YBĐT - Những năm trước đây, Bảo Ái (huyện Yên Bình) là xã còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, việc phát huy vai trò dân chủ trong nhân dân còn hạn chế. Tuy nhiên, sau khi triển khai và thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Đảng bộ và nhân xã Bảo Ái đã giành được nhiều kết quả đáng khích lệ.
YBĐT - Ngày nay, cùng với tốc độ phát triển của kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã kéo nhiều gia đình vào vòng xoáy công việc, kiếm sống mà quên đi hay lơ là trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục con cái. Đó chính là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng nhiều ở lứa tuổi vị thành niên.
Lục Yên: Giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động/ Hội Đông y thị xã Nghĩa Lộ: Khám chữa bệnh cho trên 3.300 bệnh nhân
Theo quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, các trường phải thống kê sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.