Chiến lược giáo dục 2008 – 2020: Sẽ thực hiện chế độ hợp đồng đối với giáo viên
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2008 | 12:00:00 AM
Ngày 18-12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi công bố dự thảo lần thứ 13 chiến lược giáo dục (GD) 2008 - 2020. Dự thảo chiến lược mới nhất này đã phản ánh 6 thành tựu, 5 yếu kém, 6 nguyên tắc vận hành, 3 mục tiêu và 11 giải pháp đột phá đối với GD từ nay đến năm 2020.
Phải xây ĐH đẳng cấp quốc tế
Theo GS Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, tầm nhìn từ nay đến năm 2020 đặt trọng trách cho ngành GD phải đào tạo được con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, khả năng thích ứng, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp… Do đó, từ nay đến năm 2020, GD Việt Nam phải đạt 3 mục tiêu về quy mô GD, chất lượng và mục tiêu quản lý. Đây cũng là 3 thách thức lớn của GD Việt Nam đòi hỏi phải có những động thái tích cực, những thay đổi lớn cho GD trong giai đoạn tới.
Về quy mô GD, dự thảo lần thứ 13 nêu rõ: thực hiện phổ cập 1 năm đối với trẻ 5 tuổi trước khi vào tiểu học, đến năm 2020 có 99% trẻ 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1. Ở THPT sẽ đạt chuẩn phổ cập cơ bản 9 năm đúng độ tuổi ở hầu hết các tỉnh và TP vào năm 2020. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 80% dân số trong độ tuổi đạt trình độ tương đương THPT; 60% người lao động trong độ tuổi được đào tạo qua hệ thống GD nghề nghiệp. Ở bậc đại học (ĐH), ngành GD đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân lên 450 vào năm 2020. Việt Nam sẽ phấn đấu để có ít nhất 5 ĐH được xếp hạng trong số 50 ĐH hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường ĐH nằm trong số 200 của thế giới. Năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
Trước những băn khoăn về chủ trương xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trước tiên là phải xác định mình có làm hay không? Câu trả lời là có, còn việc làm như thế nào thì chưa biết. Trường ĐH đầu tiên đã đi vào hoạt động trên cơ sở hợp tác với Chính phủ Đức (ĐH Việt – Đức) và sắp tới có thể tiếp tục hợp tác với Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản.
Nhưng, một câu hỏi đặt ra là mức thu học phí của các trường ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ là bao nhiêu để tránh tình trạng người có tài nhưng không đủ sức theo học và ngược lại, người có khả năng chi trả lại không đủ chuẩn đầu vào? Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tham khảo kinh nghiệm của các ĐH quốc tế khác thì thấy không có nước nào thu học phí bằng chi phí của ĐH đẳng cấp quốc tế; ngay cả các nước Anh, Nhật, Hàn Quốc, học phí chỉ một phần thôi. “Chủ trương là 4 trường ĐH mới sẽ tham khảo 4 mô hình khác nhau của các nước nói trên và sẽ là ĐH công lập do Nhà nước tài trợ chi phí hoạt động nên sẽ không đặt vấn đề thu đúng, thu đủ học phí đối với người học” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2009: Thí điểm chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, bỏ biên chế là con đường bắt buộc phải làm để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo, nhưng về cơ bản, mọi quyền lợi của giáo viên vẫn được giữ nguyên. Thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên được xem là giải pháp đột phá của GD. Theo dự kiến, năm 2009 bắt đầu thí điểm ở một số trường phổ thông và trường ĐH, tới năm 2010 có 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế.
Một giải pháp cũng được xem là đột phá nêu lên trong chiến lược GD 2008 - 2020 là đổi mới quản lý GD bằng cách thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về GD. Việc quản lý nhà nước đối với hệ thống GD nghề nghiệp sẽ do Bộ GD-ĐT đảm nhận, nhằm xóa đi những bất cập, chồng chéo khi cùng lúc có 2 cơ quan quản lý một lĩnh vực. Đồng thời, việc đổi mới quản lý GD cũng đi kèm với việc xây dựng, triển khai đề án đổi mới cơ chế tài chính cho GD.
Vẫn theo GS Nguyễn Hữu Châu, để thực hiện được những mục tiêu chiến lược đã nêu, ngành GD cũng đặt vấn đề tái cấu trúc cơ cấu hệ thống GD quốc dân, đảm bảo tính phân luồng rõ rệt và liên thông sau THCS để tạo cơ hội học tập suốt đời cho người học.
Ngoài ra, chiến lược còn đưa đến các nhóm giải pháp khác như: đổi mới chương trình và tài liệu GD; chậm nhất đến năm 2015 sẽ áp dụng trên toàn quốc bắt đầu từ lớp 1 chương trình GD phổ thông mới, tổ chức nhiều bộ SGK dựa theo chương trình chuẩn…
5 yếu kém của GD Việt Nam |
Các tin khác
YBĐT - Hiện tại Yên Bái có 3.354 người bị nhiễm HIV và trở thành 1 trong số 10 tỉnh, thành của cả nước có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất (0,344%), trong đó số người có địa chỉ tại tỉnh là 2.806 người. Trong số 578 người chuyển sang giai đoạn AIDS thì có tới 257/479 người là có địa chỉ tại Yên Bái đã chết vì căn bệnh AIDS.
YBĐT - Em Lý Vinh Đoàn, học sinh khiếm thính lớp 3c, Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang được sống học tập và rèn luyện trong niềm vui hoà nhập, đặc biệt từ khi có “Sáng kiến giáo dục” tổ chức giáo dục trẻ khuyết tật hoà nhập cộng đồng của Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổ chức tại trường.
YBĐT - Để thực hiện tốt nhiệm vụ là ngành thường trực trong việc chỉ đạo thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã, ngành y tế Yên Bái đã tiếp tục chỉ đạo phân công cụ thể các đơn vị trực thuộc ngành phụ trách từng xã.
YBĐT - Những năm qua, MTTQ xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.