Phụ nữ Phúc Ninh sử dụng hiệu quả vốn Ngân hàng Chính sách xã hội
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cùng đi với anh Đặng Đình Minh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình tới thăm các hộ gia đình ở xã Phúc Ninh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) mới thấy được người dân nói chung và chị em phụ nữ nói riêng quý trọng đồng vốn chính sách của Chính phủ biết nhường nào.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh thường xuyên đến tận thôn bản triển khai ký kết hợp đồng ủy thác cho hội viên nông dân vay.(Ảnh: M.A)
|
"Không có vốn vay thì cháu lớn nhà em lỡ dở việc học hành đấy, các bác ạ!"; "Không riêng gì nhà tôi mà gần như cả thôn này, xã này có đồi, có rừng là nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách đấy!"; "Từ mấy triệu của Ngân hàng mà đàn bò nhà em đã hơn chục con rồi. Không kể mấy con đã bán đi lấy tiền phụ vào xây nhà đâu"... Đó là những lời nói chân thật, giản dị và đầy sự biết ơn đối với Chính phủ của người dân Phúc Ninh mà chúng tôi đã kịp ghi lại.
Chị Đặng Thị Oanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Ninh cho biết: "Ngay từ khi Ngân hàng CSXH triển khai ký hợp đồng uỷ thác cho các tổ chức chính trị - xã hội vay vốn, Hội Phụ nữ xã Phúc Ninh đã nhận thấy đây là cơ hội lớn để nâng cao đời sống hội viên và phát triển phong trào Hội". Chị Oanh cho biết thêm: "Xã mình nghèo lắm, nguyên nhân đói nghèo thì có nhiều như: xa xôi, hẻo lánh, thiếu ruộng, thiếu kiến thức và nhất là thiếu vốn. Khi Ngân hàng CSXH triển khai ký kết hợp đồng ủy thác cho hội viên vay, thật may mắn là Hội Phụ nữ xã Phúc Ninh đã được cả Đảng ủy, chính quyền và Ngân hàng huyện tin tưởng chọn là tổ chức duy nhất trong xã ký hợp đồng ủy thác.
Có lẽ phần vì xã Phúc Ninh quá nhỏ (chỉ có 4 thôn, 1170 khẩu và 250 hộ dân), phần vì cấp trên tin tưởng Hội Phụ nữ, tin tưởng những người đàn bà chắt chiu, tần tảo vốn đã "tay hòm, chìa khoá" trong mỗi gia đình. Sau khi ký hợp đồng, những buổi tập huấn kiến thức tín dụng, tiết kiệm đã được triển khai ngay tại các thôn bản để mỗi chị em hiểu được thể nào là vốn, lãi, luân chuyển, quay vòng; trách nhiệm của tổ nhóm đối với cấp trên và với hội viên của mình... Không ít chị em sau buổi tập huấn về bị chồng hay cha mẹ ở cùng phàn nàn, than thở, nhưng càng đi tập huấn chị em càng hiểu được vai trò của đồng vốn tín dụng trong phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt là trong những buổi tập huấn như thế đã có nhiều chương trình được lồng ghép như: kiến thức trồng cỏ, nuôi bò, làm mạ khay, trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp...
Tham gia sinh hoạt Hội sẽ được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản suất, được trang bị kiến thức nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, giữ gìn hạnh phúc gia đình... nhất là được vay vốn với lãi suất ưu đãi mà cán bộ Ngân hàng huyện mang tới nên chị em trong thôn, ngoài bản bảo nhau làm đơn tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ ngày một đông. Nhờ thế mà phụ nữ trở thành tổ chức đoàn thể thu hút được đông hội viên sinh hoạt nhất. Trong hoạt động tín dụng, trên cơ sở các chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH Việt Nam, Ngân hàng CSXH huyện đã bàn bạc với cấp uỷ và chính quyền xã lựa chọn nhưng chương trình kinh tế để đầu tư cho vay nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Anh Vũ Hảo - cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH Yên Bình trực tiếp phụ trách địa bàn Phúc Ninh cho hay: "Tuân thủ các chương trình cho vay như: Nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn..., chúng tôi đã thống nhất với địa phương đẩy mạnh việc cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế, bằng việc đầu tư trồng rừng kinh tế và cho vay hộ nuôi bò bán công nghiệp. Sở dĩ chọn hai lĩnh vực này là vì tiềm năng của Phúc Ninh chỉ có đồi gò.
Có vốn, có kiến thức, người Tày, người Kinh ở Phúc Ninh hăng hái nhận đất, nhận cây, mua phân bón về trồng rừng kinh tế, vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn hơn 1000 ha đồi núi trọc kể cả những đồi núi cao hay hoang đảo đều được phủ kín các loại cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn, bồ đề. Những thửa đất hoang hoá được người dân trồng cỏ voi để làm thức ăn cho trâu bò. Nguồn thức ăn sẵn có cộng với việc Nhà nước cho vay vốn ưu đãi mua trâu, bò giống nên đàn bò tăng không ngừng (bình quân 5%/năm).
Theo thống kê, toàn xã Phúc Ninh hiện này có 232 con bò, 422 con trâu, nhiều gia đình chăn nuôi trâu bò với quy mô lớn như gia đình Triệu Quyết Thắng, Mông Văn Tước, Luân Đình Yên... Trong đó gia đình ông Triệu Quyết Thắng từ 4 con bò cái ban đầu (năm 2005) đến nay đã có 12 con, sau khi đã bán để đầu tư tiền xây dựng nhà cửa khang trang.
Cái đáng mừng, đáng quý trong việc sử dụng đồng vốn chính sách ở Phúc Ninh là trong số 1,543 tỷ đồng dư nợ, phần lớn người dân đều sử dụng đạt hiệu quả, nợ xấu rất thấp; quá trình bình xét hộ vay, kiểm tra việc sử dụng vốn đều được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đính, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống hội viên phụ nữ nói riêng và nhân dân trong xã nói chung. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu việc cho vay và sử dụng vốn chính sách ở Phúc Ninh chúng tôi nhận thấy, tổng dư nợ toàn xã mới đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Như vậy là rất thấp đối với một xã miền núi nghèo khó và tiềm năng chưa được khai thác như Phúc Ninh.
Qua phân tích, nguyên nhân của tình trạng này là địa phương chưa có những chương trình kinh tế lớn và dài hơi để ngân hàng đầu tư vốn, chẳng hạn như diện tích mặt nước lớn chưa phát triển ngành nghề thuỷ sản; đồi rừng nhiều, sẵn lao động song chưa có việc làm, chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa được chú trọng đẩy mạnh... "Khi xã có chương trình kinh tế lớn, người dân mạnh dạn làm ăn thì ngân hàng không thiếu vốn để đầu tư cho bà con" - lãnh đạo Ngân hàng CSXH Yên Bình đã khẳng định với chúng tôi như vậy.
Lê Phiên
Các tin khác
Ngày 18/12, Bộ y tế đã có công văn 8579/BYT gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể để giải tỏa cho các doanh nghiệp có lượng sữa nhiễm melamine, sữa không đảm bảo vệ sinh đã bị thu hồi đợt tháng 10 vừa qua nhằm sớm ổn định thị trường sữa và khôi phục sản xuất.
YBĐT - Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội thi “Tập huấn viên cơ sở giỏi tỉnh Yên Bái lần thứ I năm 2008". Hội thi là dịp để cán bộ khuyến nông có cơ hội tìm hiểu, trao đổi kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác.
YBĐT - Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II năm 2008, huyện Trạm Tấu vừa triển khai 2 dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gồm: 1 dự án hỗ trợ giống lạc xuân, quy mô 20,5 ha, với định mức 220 kg giống/ha, tổng kinh phí thực hiện là 99 triệu 900 ngàn đồng.
YBĐT - Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 về việc làm nhà "Nghĩa tình quân dân", nhằm giúp đỡ đồng bào vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh giao cho Ban CHQS huyện Yên Bình và Ban CHQS huyện Lục Yên khảo sát, rà xét, lựa chọn đối tượng hỗ trợ đặc biệt quan tâm, ưu tiên những gia đình bị thiệt hại về người, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.