Yên Bái: Giải pháp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới
- Cập nhật: Thứ hai, 22/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ thực tế nhiệm vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2008 cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở quá mỏng, trình độ còn nhiều hạn chế; chế độ cho cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chưa đảm bảo trong khi nguy cơ lây nhiễm HIV với họ lại rất lớn, đặc biệt một số cán bộ chưa qua đào tạo cơ bản, chuyên sâu nên cũng chưa tâm huyết với nghề nghiệp.
Cán bộ đoàn viên thanh niên Thanh tra tỉnh ký cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thanh tra không vi phạm các tệ nạn xã hội.
|
Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội trên địa bàn vẫn còn khá phức tạp như hoạt động mại dâm, nghiện hút ma tuý, tái trồng cây thuốc phiện ở vùng cao. Do đó những năm gần đây tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS của Yên Bái có xu hướng gia tăng. Hiện tại Yên Bái đang đứng thứ 8 trong tổng số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước.
Nguyên nhân chính có lẽ vẫn là do chúng ta chưa tạo được sự đồng thuận cao trong phòng, chống HIV/AIDS nên vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại ở một số địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi thực tế chưa có bất kỳ một cuộc điều tra cụ thể nào về đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS (người nghiện chích ma tuý, gái mại dâm) cũng như về thực trạng tình hình dịch HIV/AIDS nên công tác giám sát dịch nói chung và giám sát tử vong do AIDS tại cơ sở chưa được thực hiện chặt chẽ. Một phần do nhận thức hạn chế nhiều gia đình vẫn giấu không công khai người thân có bệnh, phần khác là do các đối tượng nhiễm HIV/AIDS có địa chỉ nhưng lại không thường xuyên ở địa phương, không có việc làm ổn định nên chính quyền rất khó quản lý.
Tính đến hết ngày 30/11/2008 đã có 133/180 xã, phường trong toàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS với tổng số 2.806/3.354 người nhiễm có địa chỉ tại Yên Bái. Trong đó số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 275/578 người. Đây thực sự là con số đáng báo động đối với tất cả các cấp, các ngành, đòi hỏi mỗi gia đình và toàn xã hội cùng phải chung sức, chung lòng, kiên quyết đấu tranh bài trừ các tai tệ nạn xã hội và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Mục tiêu, nhiệm vụ của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới hiện nay là phải đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức cho mọi người về công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao; phấn đấu giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở mức 0,344% xuống 0,26% dân số và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Mục tiêu đảm bảo cho người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị, nhất là nhóm đối tượng trẻ em và phụ nữ mang thai.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ này, giải pháp đưa ra cho công tác chỉ đạo là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục cụ thể hoá các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình hành động cụ thể của cấp uỷ, chính quyền trong tình hình mới; đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh bởi hiện tại số người nghiện trên địa bàn tỉnh đang chiếm gần 70% số người trong độ tuổi lao động; đẩy mạnh và nâng cao năng lực hoạt động của ban chỉ đạo các cấp về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cần vận động và phân công trách nhiệm cụ thể cho đội ngũ cán bộ đảng viên tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS; từng bước đưa giáo dục phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong những nội dung thường kỳ của các cuộc họp chi bộ, qua đó hàng năm phải tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các cấp, các ngành; tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phải được gắn liền với các hoạt động phòng, chống ma tuý, mại dâm và các chương trình khác. Thực hiện xã hội hoá công tác phòng, chống HIV/AIDS để huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức cá nhân, tập thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền miệng đảm bảo tính đa dạng và phong phú, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng, các vùng miền và dân tộc trong tỉnh.
Cần kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời phải nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn và có chế độ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, từng bước làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân về chương trình giảm thiểu tác hại để huy động sự tham gia ủng hộ của nhân dân vào các hoạt động của chương trình. Có như vậy công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới ngày càng được xã hội hoá và sớm đạt được các yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ở thành phố Yên Bái ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong đó có nguyên nhân cơ bản là do tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ).
YBĐT - Việc xây dựng môi trường văn hóa đã được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Yên Bái coi là nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua quyết thắng. Các nội dung của cuộc vận động được triển khai toàn diện, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đạt được những tiêu chuẩn đã đề ra.
YBĐT - Thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn II (2008- 2012), năm 2008, huyện Văn Yên (Yêm Bái) được phê duyệt xây dựng 87 phòng học với kinh phí 14 tỷ 367 triệu đồng, 77 phòng công vụ cho giáo viên với kinh phí 2 tỷ 359 triệu đồng.