Nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tụê, tinh thần và cơ cấu
- Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2008), phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về thực trạng cũng như giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Đồng chí Lương Kim Đức trao đổi, động viên chị em phụ nữ xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải thực hiện tốt việc sinh đẻ kế hoạch.
(Ảnh: Ngọc Sơn)
|
Ông có thể phác họa vài nét cho bạn đọc biết về thực trạng công tác DS-KHHGĐ ở Yên Bái hiện nay như thế nào?
Những năm qua, công tác DS-KHHGĐ ở Yên Bái đã đi vào cuộc sống. Nhận thức của toàn xã hội có chuyển biến rõ rệt; quy mô gia đình có một hoặc hai con được nhiều người chấp nhận; nhịp độ tăng dân số nhanh được khống chế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,436% năm 2001 xuống còn 1,311% năm 2008.
Nhưng từ năm 1996 đến nay, kết quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ chững lại và giảm sút. Liên tục từ năm 2006 - 2008, tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng mạnh trở lại và tăng nhiều ở hầu khắp các địa phương. Khu vực vùng cao, đặc biệt khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở mức rất cao, trên 40%. Do kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh chưa bền vững, quy mô dân số tiếp tục tăng trong những năm tới nên mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái đến năm 2010, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,25% và giảm tỷ lệ sinh thô 0,25%0 dự kiến không đạt kế hoạch đề ra.
Quy mô dân số cao vẫn tiếp tục gia tăng, chất lượng dân số thấp cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần khiến Yên Bái đứng trước thách thức mới về lao động, việc làm, chăm sóc người già và chênh lệch giới tính khi sinh. Trong khi Yên Bái đang là tỉnh nghèo, chất lượng dân số chưa được cải thiện, việc dân số tăng nhanh trở lại sẽ phá vỡ thành quả đạt được, cản trở đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao đời sống nhân dân.
Vậy theo ông, công tác DS-KHHGĐ đang có những hạn chế và yếu kém nào?
Trước hết là nhận thức của một bộ phận nhân dân và cán bộ, đảng viên về chính sách dân số còn hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục chưa phù hợp với nhóm đối tượng. Tư tưởng muốn đông con, có con trai nối dõi tông đường, có nếp có tẻ… còn rất nặng nề. Hiện ở 9 huyện, thị, thành phố đều có tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 (mỗi năm từ 35 - 40 trường hợp). Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình ở các trạm y tế còn hạn chế. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai tuy đã ở mức khá cao (68%) nhưng từ năm 2005 đến nay, biện pháp triệt sản, đặt dụng cụ tử cung có xu hướng giảm, không đủ cơ sở để duy trì mức giảm sinh.
Với cơ cấu dân số trẻ, tiềm năng sinh đẻ lớn và có xu thế tăng hàng năm là nguyên nhân trực tiếp tăng mức sinh. Chất lượng dân số đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ tăng dân số đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; tỷ số giới tính năm 2008 ở Yên Bái là 117 trẻ em trai/100 trẻ em gái, tăng so với bình thường 9%, dự báo nguy cơ mất cân bằng giới tính.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là do đâu, thưa ông?
Điều dễ nhận thấy là thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo sát sao đối với công tác dân số. Đặc biệt, từ khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, một số nơi có tư tưởng chủ quan, buông lỏng lãnh đạo; chưa huy động được sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Hoạt động kiểm tra, đánh giá chưa được chú trọng; chưa thực hiện được việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số theo Pháp lệnh Công chức và Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức làm công tác dân số những năm qua có nhiều thay đổi, đặc biệt từ năm 2007 đến nay luôn trong tình trạng chờ đợi chia tách, giải thể, tái lập. Hiện tổ chức, bộ máy bước đầu được kiện toàn ở cấp tỉnh, huyện nhưng vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu cán bộ và quá tải công việc. Trình độ cán bộ dân số các cấp còn bất cập. Tại tuyến xã, nhiệm vụ của cán bộ dân số khá nặng nề nhưng chế độ thù lao lại thấp.
Việc bàn giao cán bộ dân số xã về trạm y tế còn nhiều khó khăn vì trình độ chuyên môn rất hạn chế. Cộng tác viên dân số thôn, bản có 2.409 người song hiệu quả hoạt động chưa cao. Kinh phí đầu tư cho công tác dân số từ năm 2005 - 2008 giảm 80% so với giai đoạn 2001 - 2005.
Theo ông, cần có những giải pháp nào để công tác dân số những năm tiếp theo đạt hiệu quả như mong muốn?
Trước hết, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ngành; kiểm điểm, đánh giá công tác dân số giai đoạn 2005 - 2008 của các địa phương và xây dựng kế hoạch cụ thể cho những năm tiếp theo; cụ thể hóa mục tiêu chính sách DS-KHHGĐ vào công tác thi đua khen thưởng và công tác cán bộ; nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, thành phần kinh tế. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân số tới mọi người dân; đổi mới nội dung, hình thức tuyên tuyền và tăng cường truyền thông thông lồng ghép tại các vùng khó khăn có mức sinh cao.
Các em học sinh xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải tham gia tuyên truyền, cổ động nhân Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2008.
Bên cạnh đó, mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế; bảo đảm đủ các loại phương tiện tránh thai, mở rộng tiếp thị xã hội bán rộng rãi. Cũng cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hệ thông tin quản lý DS-KHHGĐ; tăng cường đầu tư nguồn lực, cải tiến cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của các tổ chức quốc tế; cải tiến cơ chế quản lý nguồn vốn, thực hiện quản lý điều hành theo chương trình, mục tiêu quốc gia, phân bổ đầy đủ tương ứng với mục tiêu được giao và công khai nguồn kinh phí.
Và phải xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ dân số; thực hiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phong trào toàn dân thực hiện công tác DS-KHHGĐ và duy trì giảm sinh bền vững cũng như xử lý nghiêm đối với các trường hợp sinh con thứ 3.
Đây là những giải pháp cơ bản thực hiện Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009 - 2012” để đến năm 2012, Yên Bái đạt các chỉ tiêu như: tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,23%; số con trung bình/bà mẹ là 2,3 con; tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 71%; qui mô dân số khoảng 795,5 vạn người; GDP bình quân đầu người đạt trên 9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 15%. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và cơ cấu.
Xin cảm ơn ông!
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù, tốc độ tăng dân số những năm gần đây có chậm lại, nhưng mỗi năm đối với nước ta cũng là hơn một triệu trẻ nhỏ, đối với tỉnh Yên Bái mỗi năm tăng 14.000 trẻ nhỏ và riêng huyện Mù Cang Chải mỗi năm tăng 1.200 trẻ. Nhu cầu cuộc sống không ngừng tăng khiến con người khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, rừng bị tàn phá cạn kiệt, các chất thải công nghiệp và sinh học không thể kiểm soát nổi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống, hậu quả là khí hậu trái đất đã có nhiều thay đổi đe dọa tới sự phát triển bền vững của nhân loại.
Ngày 24-12, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho biết Bộ Y tế vừa khẩn cấp yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A H5N1.
Bộ Y tế vừa có quyết định thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về chất lượng VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009.
YBĐT - Năm 2008, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được BHXH tỉnh giao chỉ tiêu thu 5,8 tỷ đồng; đến hết ngày 16/12/2008 đã thu được trên 5,82 tỷ đồng, đạt 100,04% (hoàn thành đầu tiên trong toàn tỉnh) và dự kiến hết ngày 31/12/2008 sẽ thu được trên 5,92 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm và tăng 1,02 tỷ đồng so với năm 2007.