Vì sao đề án trường chuẩn quốc gia Yên Bái chậm so với kế hoạch?
- Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2006-2010, sẽ có 105 trường học của tỉnh được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia. Thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay, tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
|
Từ năm học 2002-2003, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Yên Bình đã đăng ký xây dựng trường chuẩn quốc gia và được đưa vào đề án trường đạt chuẩn quốc gia của huyện giai đoạn 2006-2010. Bà Lê Thị Phố - phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: bằng sự nỗ lực, phấn đấu của thầy và trò nhà trường, đến nay nhà trường đã đạt được 4 trong số 5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Riêng tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị trường học thì vẫn chưa đạt. Vì vậy, nhà trường vẫn chưa được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Năm 2008, theo lộ trình huyện Yên Bình phải có 8 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến tháng 12/2008 mới chỉ có 3 trường đạt chuẩn, đó là Trường tiểu học Kim Đồng, Trường THCS thị trấn Yên Bình và Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Số trường còn lại là Trường Tiểu học Cảm Ân, Trường Tiểu học Hán Đà, Trường Tiểu học thị trấn Thác Bà, Trường THCS Dân tộc nội trú và Trường Mầm non Phú Thịnh do chưa đủ 5 tiêu chí của trường chuẩn theo quy định nên chưa được công nhận.
Trong một buổi làm việc với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Yên Bình, Trưởng phòng Lương Bá Tập cho biết: việc thực hiện đề án trường chuẩn quốc gia của huyện chậm so với kế hoạch là do công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự tốt. Công tác tham mưu của ngành cho cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự tích cực. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện còn hạn chế. Việc xây dựng tiêu chuẩn về đội ngũ, tiêu chí về các hoạt động giáo dục và chất lượng giáo dục, về xây dựng cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.
Trấn Yên là huyện vùng thấp của tỉnh, mặc dù trong những năm qua, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã được huyện triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt còn thấp. Đến trung tuần tháng 12/2008, toàn huyện mới có 3 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia. Riêng năm 2008, huyện phấn đấu để có thêm 2 trường đạt chuẩn nhưng do nhiều nguyên nhân mà đến nay 2 trường này vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ông Đỗ Xuân Hưng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trấn Yên cho rằng: rất nhiều trường học của huyện hiện nay đã thực hiện được 4/5 tiêu chí. Riêng chỉ có tiêu chí về cơ sở vật chất là chưa thể thực hiện được vì nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng trường chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu, chậm so với kế hoạch.
Không chỉ riêng Yên Bình, Trấn Yên mà hiện nay ở các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh, tiến độ thực hiện đề án trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2006-2010 cũng đang rất chậm. Theo kế hoạch, giai đoạn 2006-2010, tỉnh Yên Bái phải có 105 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường mầm non, 67 trường tiểu học, 20 trường THCS, 3 trường THPT. Nhưng đến nay, toàn tỉnh mới có 36 trường đạt chuẩn quốc gia gồm 9 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 6 trường THCS. Riêng THPT chưa có trường đạt chuẩn.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị trường học thấy những nội dung chưa đạt được ở các tiêu chí trường chuẩn quốc gia tập trung chủ yếu vào một số điểm thuộc các tiêu chí thứ 2 về đội ngũ giáo viên, tiêu chí thứ 3 về cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Đội ngũ giáo viên ở các trường chưa đáp ứng được so với định biên. Đội ngũ nhân viên phục vụ cho công tác văn thư, y tế, giáo viên âm nhạc, nhân viên phụ trách quản lý một số phòng chức năng chưa có. Nhiều trường thiếu các phòng chức năng, hoặc đã có nhưng chưa đủ, chất lượng các phòng này không đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Về công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kế hoạch trong giai đoạn 2006-2010 tỉnh sẽ đầu tư 100 tỷ cho dự án trường chuẩn quốc gia, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 75% và 25% còn lại thực hiện bằng phương thức xã hội hóa giáo dục. Nhưng trong thực tế, qua 3 năm thực hiện đề án, ngân sách Nhà nước mới đầu tư được 22 tỷ 670 triệu đồng, trong đó có 14 tỷ 800 triệu đồng xây dựng cơ bản; 7 tỷ 870 triệu cho mua sắm trang thiết bị. Qua đó, có thể thấy đầu tư kinh phí của tỉnh còn dàn trải, chưa đủ mức cần thiết bảo đảm sửa chữa, nâng cấp phòng học, phòng chức năng theo yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.
Do Yên Bái là tỉnh nghèo, đời sống của nhân dân còn khó khăn nên công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa mạnh, chưa có cơ chế huy động sự đóng góp của nhân dân. Vì vậy, ngoài vốn ngân sách đầu tư của tỉnh, các trường chỉ huy động được nhân dân đóng góp một phần không đáng kể. Việc thực hiện đề án trường chuẩn quốc gia của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 chậm so với kế hoạch còn có một nguyên nhân nữa là các nhà trường, ban chỉ đạo cấp huyện chưa tích cực, chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, bám sát tiêu chí, kế hoạch tiến độ đề ra.
Chỉ còn hơn 2 năm nữa theo kế hoạch đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 sẽ kết thúc. Trong thời gian còn lại, còn 69 trường phải phấn đấu để được công nhận trường chuẩn quốc gia. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp các ngành và toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện đề án, còn những vấn đề phải tiếp tục tập trung tháo gỡ, đó là vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học; đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục.
Đối với vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các ngành chức năng và tỉnh cần tập trung đầu tư có trọng điểm, dứt điểm các hạng mục để nơi nào được được đầu tư thì đạt được tiêu chí 3 đó là tiêu chí về cơ sở vật chất. Chỉ rõ phần cơ sở vật chất do địa phương đảm nhận bằng nguồn vốn xã hội hóa để có trách nhiệm cụ thể đối với trường được đầu tư. Còn đối với vấn đề đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục thì tỉnh Yên Bái cũng đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện đề án trường chuẩn quốc gia mà UBND tỉnh đã cụ thể hóa. Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt”.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng so với kế hoạch thì tiến độ thực hiện đề án vẫn còn chậm. Trong thời gian tới, bên cạnh sự cố gắng của ngành giáo dục thì các cấp, các ngành liên quan cần có những giải pháp tích cực, đồng bộ hơn nữa, nhất là đối với công tác kế hoạch, công tác đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất để đề án trường chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.
Bạch Liên
Các tin khác
YBĐT - Để đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở cơ sở, hàng năm, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đều xây dựng kế hoạch và triển khai rộng khắp đến công an các huyện, thị, thành phố tăng cường củng cố hệ thống an ninh cơ sở, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới; vận động toàn dân tham gia, quản lý, giáo dục, phòng ngừa thanh, thiếu niên phạm pháp và các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"; xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn xã hội và tệ nạn ma tuý, bảo đảm an ninh khu vực giáp ranh.
YBĐT - Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số nên năm 2008, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của huyện Văn Yên (Yên Bái) đã thu được nhiều kết quả.
Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện quốc gia Ao cho biết hệ thống điện về cơ bản sẽ đáp ứng được đủ nhu cầu điện trong dịp Tết Kỷ Sửu. Ngoài việc huy động cao các nguồn điện than, khí, thủy điện, Ao còn huy động thêm nguồn truyền tải cao trên đường dây 500 kV.
Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông (THPT) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra thông báo tuyển sinh đào tạo thạc sĩ khóa 2. Theo đó, Dự án sẽ tuyển sinh hai đợt vào tháng 2 và tháng 8- 2009 với 200 chỉ tiêu cho sáu cơ sở đào tạo.