Đổi thay trên rẻo cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay, Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có con đường rộng rãi, phẳng lì tha hồ mà đi lại ngược xuôi, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các trường, lớp học và trạm y tế xã cũng được xây dựng kiên cố hoá bằng các nguồn vốn của chương trình 134, 135…

Đường đến trung tâm xã được khai thông.
Đường đến trung tâm xã được khai thông.

Tà Xi LángĐầu năm 2009, chúng tôi đã có dịp trở lại thăm Tà Xi Láng - một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu. Bước chân trên con đường đang được mở rộng, nhìn lên hai bên triền núi cao, những cây hoa Tớ dày đang nở đầy những lộc non, những nụ hồng  báo hiệu xuân đã về trên vùng non cao Tà Xi Láng.

Tà Xi Láng là một xã nghèo, ruộng nước có khoảng 54 ha và chỉ gieo cấy một vụ, vì thiếu nước nên hằng năm có  nhiều gia đình thiếu gạo ăn từ 3 - 4 tháng. Rừng núi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, những con đường liên thôn, liên bản nằm quanh co trên các sườn núi còn gập ghềnh thật khó đi. Điện lưới quốc gia chưa có, chợ cũng không, nên muốn trao đổi mua bán mọi thứ thì phải đi bộ hàng chục km đường mòn dọc theo các sườn núi dốc cheo leo để xuống tận chợ huyện Văn Chấn hoặc sang thị xã Nghĩa Lộ.

Năm 2004 – 2005, theo sự chỉ đạo của tỉnh và trên tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên khắp nơi trong tỉnh đã tình nguyện đến giúp xã Tà Xi Láng đào núi mở đường giúp cho đồng bào Mông nơi vùng cao này qua lại cho dễ dàng, lưu thông hàng hoá, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Tuy vậy, hai năm trở lại đây do đồi núi có độ dốc cao, mưa lũ đã tàn phá làm cho con đường bị hư hỏng nặng. Để tiếp tục giúp xã Tà Xi Láng hoàn thiện và kiên cố hoá tuyến đường nối liền quốc lộ 32 từ trung tâm huyện lỵ huyện Văn Chấn đi vào trung tâm xã với chiều dài 17 km, đầu năm 2008 Chính phủ đã đầu tư 28 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào công trình này.

Hiện nay, Tà Xi Láng đã có con đường rộng rãi, phẳng lì tha hồ mà đi lại ngược xuôi, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các trường, lớp học và trạm y tế xã cũng được xây dựng kiên cố hoá bằng các nguồn vốn của chương trình 134, 135…

Ngoài sự hỗ trợ, đầu tư vốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân 5 thôn trong toàn xã đã chủ động góp công tự mở mới và sửa chữa các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn: Trống Chùa, Tà Đằng, Tà Cao và Làng Mảnh, nay xe máy đã qua lại đến tận thôn, bản. Những con mương nhỏ từ đầu các nguồn suối  cũng được đồng bào Mông tích cực mở mới và khơi thông dẫn nước về để khai hoang ruộng bậc thang và đảm bảo đủ nước làm thêm vụ hai.

Nhờ đó mà đã phần nào khắc phục được tình trạng thiếu nước trong sản xuất, năng suất lúa đã tăng lên rõ rệt. Các hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và từ nhiều nguồn quỹ khác đã giúp cho đồng bào có điều kiện mua phân bón, mua các loại giống cây trồng về phát triển kinh tế hộ gia đình.

Năm 2007 - 2008, xã Tà Xi Láng đã gieo trồng đạt 10 ha lúa vụ chiêm xuân, 54 ha lúa vụ mùa, 130 ha lúa nương, 92 ha ngô xuân hè, 30 ha cây sắn và 7 ha đậu tương cùng nhiều loại rau màu khác. Bên cạnh đó, đàn gia súc, gia cầm cũng được Đảng bộ, chính quyền xã chỉ đạo nhân dân chú trọng phát triển. Hiện nay toàn xã có 537 con trâu, 368 con bò, 36 con ngựa, 270 con dê, gần 1.100 con lợn và hàng ngàn con gia cầm.

Từ những nỗ lực chung của tỉnh Yên Bái, của huyện Trạm Tấu và sự phấn đấu của người dân trong xã, giờ đây đời sống của đồng bào Mông xã Tà Xi Láng không ngừng được nâng lên. Nhiều điển hình làm kinh tế giỏi như các hộ: ông Hờ Nhà Khày, Hờ Cháy Xao ở thôn Tà Cao, Sùng Dủ Gia ở thôn Trống Chùa và Sùng Chồng Tu thôn Sá Nhù...

Ông Vàng Trống Lâu ở thôn Làng Mảnh phấn khởi nói: “Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm mà những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Mông xã Tà Xi Láng nói chung và gia đình ông nói riêng đã từng bước được đổi thay và ổn định…”. Xuân đã về, nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của bà con người Mông trong làn gió xuân ấm áp đang tràn đầy niềm tin vào năm mới Kỷ Sửu 2009, chắc chắn Tà Xi Láng sẽ tiếp tục đổi mới đi lên.

Sùng Đức Hồng

Các tin khác

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ Bùi Minh Tăng, hiện bộ phận không khí lạnh đã đi ra Biển Đông, vì vậy từ nay đến khoảng ngày 28 Tết Kỷ Sửu, thời tiết khu vực miền Bắc sẽ không còn lạnh như những ngày trước, nhiệt độ tại các khu vực sẽ tăng lên từ 3 đến 4 độ C.

Các đồng chí lãnh đạo Ban Tây Bắc và tỉnh Yên Bái cắt băng khai mạc Hội báo xuân 2009.

YBĐT - Sáng ngày 19/1/2009, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Hội nhà báo tỉnh Yên Bái, đã tổ chức khai mạc Hội báo xuân, hoa và sinh vật cảnh tỉnh Yên Bái năm 2009. Tới dự có đồng chí Đàm Thơm – Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đồng chí Phạm Thanh Tâm – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện các sở ban ngành của tỉnh, cùng đông đảo những người làm báo và nhân dân trong tỉnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khoảng đêm 22, ngày 23-1 sẽ có một đợt gió mùa đông bắc mạnh tràn xuống, sau đó sẽ còn có không khí lạnh tăng cường bổ sung nên những ngày giáp và trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu ở miền Bắc trời lại chuyển rét đậm, vùng núi rét hại. Ở Trung bộ có mưa nhỏ, trời rét, ở Nam bộ và Tây Nguyên trời lạnh vào đêm và sáng sớm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục