Mù Cang Chải: Cái được và chưa được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chỉ thị 30 ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hết sức có ý nghĩa với vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái). Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, trên địa bàn huyện đã thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân lao động, cán bộ công chức và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Để thực hiện tốt chỉ thị này, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mù Cang Chải đã khẩn trương chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn triển khai cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên học tập các nội dung trong chỉ thị. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nghị định số 29, 79 và Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện Quy chế dân chủ xã, phường, thị trấn. Trong đó, có một số nội dung đã được cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt, có hiệu quả tạo được sự chuyển biến rõ nét tại cơ sở và được nhân dân đồng tình ủng hộ như nội dung công khai để “nhân dân biết”, đã được cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội hàng năm; việc sử dụng đất đai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; bình xét hộ vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; bình xét ưu tiên các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân, các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng… đều được nhân dân thảo luận và đồng tình ủng hộ.

Nội dung “dân bàn” cũng được áp dụng trong việc biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định xây dựng hương ước, quy ước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được thực hiện công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, hình thức được các nghị định, pháp lệnh quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Qua đó, đã lựa chọn được người thật sự có uy tín đại diện cho nhân dân tại cơ sở. Những việc nhân dân “giám sát” đã phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân tại thôn bản, tổ dân phố đã được triển khai. Ban thanh tra nhân dân cơ sở đi vào hoạt động đã phát huy được tốt chức năng tiếp nhận và giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, khiếu kiện của công dân; thường xuyên phối hợp với các ngành, các đoàn thể tuyên truyền pháp luật để nhân dân biết, hiểu và chấp hành tốt pháp luật. Hoạt động thanh tra đã kịp thời phát hiện và các vụ việc cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm báo cáo cho cấp ủy, chính quyền xem xét, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

 Phát huy tốt tổ hòa giải nhân dân để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ thôn bản được trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ và các tổ chức đoàn thể quan tâm làm cho nhân dân đoàn kết, yên tâm lao động sản xuất. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã cổ vũ được các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào thi đua phát triển kinh tế – xóa đói giảm nghèo; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”; “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Nhân dân tích cực tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị tại địa phương. Nhân dân các dân tộc đã tích cực hơn trong việc bài trừ các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới tại cơ sở.

Tuy nhiên, trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến việc thực hiện Quy chế dân chủ của đơn vị mình. Do đó, dẫn đến việc công khai tài chính đối với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị chưa thật sự dân chủ; việc chỉ đạo xây dựng hương ước, quy ước tại thôn, bản còn quá ít và chậm so với yêu cầu thực tế…

Để thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm tới, Huyện ủy Mù Cang Chải đã đề ra các giải pháp: cần đưa nội dung thực hiện Quy chế dân chủ vào sinh hoạt chi, Đảng bộ thường kỳ; thường xuyên kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho các thành viên ban chỉ đạo. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai cho cán bộ, công chức, nhân dân học tập các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về Quy chế dân chủ, đặc biệt là những nội dung cán bộ và nhân dân được: “bàn, làm, được giám sát, kiểm tra”. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Huyện ủy, HĐND, UBND, các ngành chuyên môn, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về công tác công khai tài chính, các chương trình dự án, nguồn vốn hỗ trợ cho nhân dân và công tác triển khai thực hiện tại cơ sở.

Thanh Xuân

Các tin khác

YBĐT - Năm 2008, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, lạm phát, giá cả biến động... gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân song với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) đã phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ thành phố, nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ phường.

Đó là bệnh nhân Lý Tài Múi, 23 tuổi, người dân tộc Dao, thôn Nà Cáng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh.

Ngày 6.2, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã họp lấy ý kiến xây dựng đề án “Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và phương hướng đến năm 2020”.

Ngày 6/2, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 27/2009/TT-BTC hướng dẫn giãn nộp thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đến hết tháng 5/2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục