Yên Bái: Thêm một cháu bé chết do bệnh dại
- Cập nhật: Thứ tư, 25/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 17 tháng 2 năm 2009, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận một cháu gái 12 tuổi nhập viện trong tình trạng lên cơn dại điển hình. Vì không thể điều trị khi bệnh đã lên cơn dại, người thân xin về và cháu gái này tử vong sau đó ít giờ tại nhà riêng ở khu phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Cán bộ y tế xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh: Đức Hồng)
|
Liên tục trong 2 tháng (28/12/2008 - 20/2/2009), Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái đã ghi nhận 3 bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Đây là một dấu hiệu cho thấy, bệnh dại đã và vẫn đang lưu hành tại các địa phương trong tỉnh với những diễn biến rất phức tạp. Ngoài những trường hợp tử vong ở người lớn do bị chó, mèo cắn, giết mổ, tiếp xúc... thì gần đây còn có các trường hợp là trẻ em bị lên cơn dại do chơi đùa, tiếp xúc thường xuyên với chó, đặc biệt là chó con mua ở chợ về nuôi.
Gần đây nhất, vào ngày 17 tháng 2 năm 2009, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận một cháu gái 12 tuổi nhập viện trong tình trạng lên cơn dại điển hình. Vì không thể điều trị khi bệnh đã lên cơn dại, người thân xin về và cháu gái này tử vong sau đó ít giờ tại nhà riêng ở khu phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Theo lời kể của người mẹ, cháu bé thích chơi đùa với chó, mèo nên người nhà cũng không biết cháu bị chó, mèo cắn hay bị dính rớt dãi của chúng vào tay, chân bị trầy xước khi tiếp xúc. Vì thế nên gia đình đã không đưa trẻ đi tiêm phòng dại. Còn hai trường hợp khác là một cháu gái 10 tuổi ở thôn Hồng Hà, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên tử vong ngày 24/10/2008 và một cháu gái 8 tuổi ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên tử vong ngày 31/1/2009 cũng do chơi đùa và bị chó cắn, liếm... qua tiếp xúc nhưng gia đình không biết, hoặc biết nhưng lại đưa trẻ đi chữa thuốc nam mà không đến cơ sở y tế để khám và tiêm phòng dại.
Như vậy, từ đầu năm 2008 đến nay, đã có tới 5 trẻ ở độ tuổi 8 - 12 trong số 11 người chết do bệnh dại vì thiếu sự quan tâm hoặc thiếu hiểu biết của người thân trong gia đình. Những năm trước đây, bệnh dại tồn tại phổ biến ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình thì nay đã lan sang các huyện giáp ranh như: Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái. Dự báo trong thời gian tới, bệnh dại tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng sang các địa phương khác như: Văn Chấn, Mù Cang Chải bởi nguồn truyền bệnh là chó, mèo dại vẫn chưa được quản lý và giải quyết triệt để.
Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách: khi nuôi chó, mèo phải biết rõ nguồn gốc, không nên mua ở chợ nếu không biết rõ; thực hiện tiêm phòng dại cho chó, mèo theo sự chỉ dẫn của cán bộ thú y; không thả rông chó, mèo để hạn chế lây nhiễm bệnh dại và cắn người. Khi phát hiện chó, mèo bị dại phải tiêu diệt; nếu nghi ngờ phải nhốt, xích theo dõi trong vòng 15 ngày; không mổ chó, mèo ốm để ăn thịt.
Đối với người khi bị chó, mèo cắn: không được làm dập nát vết thương vì điều này dễ làm cho vi rút dại xâm nhập nhanh hơn, sau đó rửa sạch vết thương bằng nước xà phòng đặc nồng độ khoảng 20% hoặc nước muối rồi rửa lại bằng nước sạch, dội nước nhiều lần làm sạch vết thương và lượng vi rút dại có thể tồn tại nơi vết thương. Dùng cồn iode 1% hoặc cồn 70o sát khuẩn vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn tiêm phòng cho từng trường hợp cụ thể. Không được chữa bệnh dại bằng thuốc nam và các biện pháp dân gian vì các biện pháp này đều không có tác dụng. Tiêm vắc xin phòng dại là biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh dại ở người.
Hiện nay đã có vắc xin dại tế bào (Verorab) là loại vắc xin có tính an toàn cao, hiệu quả miễn dịch lâu bền; những người sống ở vùng có dịch dại trên đàn chó, mèo, hay những người thường xuyên phải đi qua lại vùng này, những cán bộ thú y, những người chăn nuôi, giết mổ chó, mèo... cần đi tiêm chủng sớm để phòng ngừa bệnh dại.
Bác sĩ: Nguyễn Thúy Lan
(Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái vừa tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần thứ IX (khóa 1) tổng kết công tác khuyến học năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009. Tới dự có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Hoàng Thị Hạnh – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
YBĐT - Cùng với các địa phương trong tỉnh Yên Bái, sáng 24/2/2009, tại UBND xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã diễn ra lễ ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS – KHHGĐ) đợt I (từ 24/2 đến 30/4/2009).
Ngày 24-2, đại diện hai cơ quan của Liên hiệp quốc tại Việt Nam là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương (FAO) đã ra thông cáo chung cảnh báo việc cần đặc biệt nâng cao cảnh giác để chống lại dịch cúm gia cầm, sau khi có thông tin 3 người mắc cúm A H5N1 và các vụ bùng phát dịch ở gia cầm được xác nhận tại một số địa phương từ đầu năm tới nay.
Ngày 23-2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009/QÐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.