Nhà ở cho người nghèo: Hình thức nào là thích hợp?
- Cập nhật: Thứ năm, 28/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của tỉnh Yên Bái (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ), đến hết năm 2012, toàn tỉnh sẽ có 6.093 hộ chính sách, hộ nghèo được hỗ trợ làm mới nhà ở.
Ngôi nhà trị giá khoảng 25 triệu đồng, cột bê tông, cốt thép, xà gỗ (mẫu 2) có độ bền vững từ 20 năm trở lên.
|
Mức hỗ trợ tối đa là 21 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo cư trú tại các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 30/2007/QĐ-TTg; là 20 triệu đồng đối với hộ nghèo cư trú tại các vùng còn lại. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6,4 - 7,4 triệu đồng; hỗ trợ vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 8 triệu đồng; gia đình và cộng đồng đóng góp 2,6 triệu đồng, còn lại thuộc ngân sách huyện, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, của huyện. Với mức hỗ trợ này, nhiều hộ thuộc diện được hỗ trợ đang tính toán để chọn một hình thức làm nhà phù hợp với khả năng của gia đình.
Thuộc diện nghèo, chồng bị tâm thần mấy năm nay nên khả năng tự làm mới căn nhà đã xuống cấp bấy lâu với gia đình chị Lê Thị Ngọc ở thôn 3, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là không thể. Biết gia đình sẽ được hỗ trợ để làm nhà, khỏi phải nói chị Ngọc phấn khởi thế nào. Tuy nhiên, với số tiền 20 - 21 triệu đồng, chị chưa biết sẽ lựa chọn hình thức làm nhà như thế nào để đảm bảo độ bền vững cao.
Đây cũng là băn khoăn của bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn 4, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái. Gia đình bà hiện đang sống trong căn nhà gỗ tồi tàn, dột nát. Nay nhận hỗ trợ, nguyện vọng của gia đình sẽ làm một căn nhà cấp bốn khoảng 30 triệu đồng, nghĩa là sẽ phải vay mượn thêm khoảng 10 triệu đồng. Như vậy, nếu khả năng vay mượn thêm không cho phép làm căn nhà cấp bốn như mong muốn thì với mức được hỗ trợ, bà cũng chưa biết sẽ làm nhà thế nào để vừa đảm bảo không gian sống vừa có độ bền cao.
Với những hộ nghèo như gia đình chị Ngọc, bà Hồng thì cơ hội làm mới nhà ở dường như chỉ có một. Thực tế, trong chương trình xóa nhà dột nát những năm trước đây, có rất nhiều hộ được giúp làm nhà mới, giải quyết khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo. Song do nhiều nguyên nhân, đến nay, nhiều căn nhà đã xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ nhưng những hộ này rất khó có khả năng làm lại nhà. Chính vì vậy, khi có cơ hội được hỗ trợ làm nhà, trong điều kiện kinh phí nhất định thì tính kiên cố, độ bền vững của căn nhà mang tính quyết định đối với những hộ nghèo.
Nhằm mục tiêu đảm bảo tính bền vững với các tiêu chí: kín trên, bền dưới, bó vỉa, láng nền, có độ bền vững từ 10 năm trở lên đồng thời để phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc và khả năng của chính hộ nghèo, Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của tỉnh đã đưa ra ba mẫu nhà.
Ba mẫu nhà của Đề án Mẫu 1: Nhà dùng cho những hộ nghèo ở vùng thấp, nhà cấp bốn, diện tích xây dựng 34,55m2 , mái lợp fibrôximăng, vách tường xây gạch chỉ. Mẫu 2: Nhà dùng cho những hộ nghèo ở vùng có đường giao thông khó khăn, vận chuyển vật liệu xây dựng công trình khó khăn và nguyên vật liệu tại chỗ khan hiếm; diện tích xây dựng 37m2 , cột bê tông cốt thép, xà gỗ, mái lợp fibrôximăng, vách bao che, trát toóc-xi hoặc thưng ván gỗ thường, bó vỉa, láng nền. Mẫu 3: Làm theo thiết kế, kiểu dáng nhà truyền thống tại địa phương (nhà sàn hoặc nhà đất), nguyên vật liệu tại chỗ, áp dụng cho hộ có chuẩn bị sẵn gỗ; hộ vùng cao, vùng khó khăn. |
Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái thì: “Hiện nay, chi phí làm một căn nhà cấp bốn như mẫu 1 mất khoảng 30 triệu đồng; với căn nhà cột bê tông cốt thép, xà gỗ như mẫu 2 chỉ mất khoảng 25 triệu đồng. Với ưu điểm khung cứng, cột chịu lực tốt nên độ bền vững của nhà cột bê tông cốt thép phải từ 20 năm trở lên. Trong khi đó cũng với giá trị khoảng 25 triệu đồng thì một căn nhà gỗ chỉ có độ bền vững khoảng 10 năm trở lên”.
Như vậy, trong điều kiện được hỗ trợ từ 20 - 21 triệu đồng thì làm nhà theo mẫu 2 phù hợp với khả năng của người nghèo hơn cả. Đề án đưa ra mẫu 2 dùng cho vùng có đường vận chuyển khó khăn, không vận chuyển được vật liệu xây dựng công trình, không có tre, gỗ tốt và nguyên vật liệu tại chỗ. Tuy nhiên, với những hộ nghèo ở vùng thấp, nếu không đủ khả năng thêm thắt để làm nhà cấp bốn thì nhà cột bê tông cốt thép cũng là một sự lựa chọn hợp lý. Thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương, đây cũng đã và đang là mẫu nhà mà nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn chọn làm.
Gia đình anh Hoàng Đình Tươi ở thôn 5, xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) đang hoàn thiện ngôi nhà theo hình thức này. Anh cho biết: “Gia đình chỉ có độ hơn 20 triệu đồng nên đã chọn làm nhà như thế này. Cả thôn tôi hiện giờ phải có đến 20 hộ làm theo hình thức này, nhiều nhà làm đã lâu nhưng thấy vẫn mới và chắc chắn”.
Mẫu nhà cột bê tông cốt thép, xà gỗ cũng là phương án được Đề án ưu tiên, khuyến khích bởi bên cạnh việc phát huy hiệu quả đầu tư và độ bền lâu dài còn hạn chế tình trạng khai thác gỗ bừa bãi, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ cũng như kích cầu tiêu dùng xi măng, sắt, thép và vật liệu công nghiệp.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) năm nay có một cụm thi gồm hai đơn vị trường: Trường THPT Trạm Tấu và Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp dạy nghề Trạm Tấu, tổng số thí sinh tham gia dự thi là 172 thí sinh, có 7 phòng thi. Đến nay, cơ sở vật chất, tủ khóa bảo quản đề thi, bài thi, hồ sơ thi, ấn phẩm và văn phòng phẩm; điều kiện phục vụ cho thanh tra, giám thị coi thi và cho thí sinh ở xã đã được hoàn tất. Trạm Tấu đã sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm học 2008 – 2009.
Từ 1/6, khách hàng có nhu cầu mua vé tàu được nhân viên bán vé giao tận nhà miễn phí trong phạm vi 7km (từ nhà ga đến nơi đưa vé).
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quy chế phối hợp và khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác liên quan đến việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Việc hóa trang được bố trí cho một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong tổ tuần tra, kiểm soát mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm...