Mức 6% là phù hợp với các nhóm thu nhập theo vùng miền
- Cập nhật: Thứ ba, 9/6/2009 | 12:00:00 AM
“Khung học phí mới là căn cứ để các địa phương xác định mức học phí cho từng vùng cụ thể, không phải là học phí tính đến từng nhà”- Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục - Đào tạo) đã trả lời báo chí.
|
Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 mà Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp này là nhằm xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, huy động ngày càng nhiều và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội, để tiến tới mọi người- ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.
Đề án gồm 8 nội dung cơ bản, trong đó có 1 nội dung liên quan đến đổi mới chính sách học phí và hỗ trợ người học, nhưng đây lại là nội dung được dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất. Theo đề án, nguyên tắc xác định học phí đối với giáo dục Đại học là thể hiện sự chia sẻ thực sự chi phí đào tạo giữa nhà trường và người học. Còn học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông là không quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Hiện nay, dư luận đang có nhiều băn khoăn, tranh cãi liên quan đến học phí, nhất là học phí ở phổ thông và mầm non. Phóng viên báo chí phỏng vấn ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục-Đào tạo) về vấn đề này. - Thưa ông, nhiều người băn khoăn về cơ sở để tính học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông “không quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình” là rất khó xác định? Ý kiến của ông thế nào? Đề án đưa ra nguyên tắc xác định mức học phí đối với giáo dục Đại học, thể hiện sự chia sẻ thực sự chi phí đào tạo giữa nhà trường và người học; Còn đối với giáo dục mầm non, phổ thông, thì học phí và các chi phí học tập khác không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Cũng do ban đầu, thông tin đến mọi người chưa rõ, nên có người hiểu xác định học phí dựa vào thu nhập từng hộ gia đình, nhưng không phải như vậy. Đề án chỉ đưa ra nguyên tắc để các địa phương xác định khung học phí cho các vùng miền cho phù hợp, chứ không phải tính học phí đến từng hộ gia đình. Mức học phí bao nhiêu do HĐND của các tỉnh, thành phố quyết định. Vì vậy, cách tính học phí mới sẽ đơn giản hơn trước nhiều, chỉ cần xác định được thu nhập bình quân của các hộ gia đình trong vùng đó, rồi căn cứ vào cách tính toán của đề án (học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình của cả vùng, chứ không phải bình quân của từng nhà), HĐND sẽ quyết định mức học phí cho từng vùng. Thống kê mức thu nhập bình quân do Cục thống kê của các tỉnh hằng năm cung cấp cho UBND để xây dựng kế hoạch phát triển KTXH ở địa phương. Thông thường, mỗi tỉnh, theo đặc thù của mình, có từ 3-5 vùng thu nhập. Ví dụ, mới đây, đề án đã giao cho một số tỉnh tính toán thử và đã có khoảng 20 Sở tính và gửi về Bộ, như Thanh Hóa, Nghệ An có đến 5 vùng thu nhập để xác định mức học phí của 5 vùng đó. - Dựa trên cơ sở nào, đề án lại chọn con số 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình để xác định học phí, thưa ông?
Tôi cho rằng mức 6% phù hợp với các nhóm thu nhập theo vùng miền, không là gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình trong chi tiêu cho việc học tập của con em mình. Với tỷ lệ này, chúng ta giải quyết được vấn đề công bằng xã hội. Những người có thu nhập cao hơn thì có đóng góp cho việc học hành của con em cao hơn, còn những người có thu nhập thấp hơn thì có mức đóng góp thấp hơn, nhưng đều không vượt quá 6%, nghĩa là không vượt quá khả năng chi trả. Với những đối tượng khó khăn sẽ có chính sách miễn giảm học phí, với những trường hợp quá khó khăn, không phải đóng học phí mà còn trợ cấp thêm kinh phí để đi học. - Nếu áp dụng khung học phí mới, thì khoản thu từ học phí sẽ chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non, phổ thông? Với mầm non, phổ thông, tổng thu học phí theo nguyên tắc mới, trước mắt chiếm không quá 10% tổng chi thường xuyên cho giáo dục phổ thông và mầm non. Như vậy, hơn 90% vẫn là ngân sách Nhà nước trang trải. - Lâu nay, dư luận phàn nàn nhiều về tình trạng các trường thu tiền tràn lan, với nhiều khoản thu mập mờ giữa bắt buộc và không bắt buộc thông qua Hội phụ huynh học sinh… Liệu khi có đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, tình trạng này có được khắc phục không, thưa ông? Thực ra, Điều lệ Hội cha mẹ học sinh qui định rất rõ. Muốn thu cái gì, mục đích ra sao đều phải công khai, để được người dân hưởng ứng, đồng thời họ có thể giám sát phát hiện, những khoản thu không đúng, không được phép của nhà trường. Mặt khác, trong nhà trường, theo Nghị định 43 của Chính phủ, ngoài khoản thu theo qui định của Nhà nước, nhà trường có thể thu nhận những khoản đóng góp, tài trợ, tự nguyện của người dân, hội phụ huynh học sinh. Ở nhiều trường, hội cựu SV quay lại trường muốn ủng hộ, tài trợ, giúp đỡ, thậm chí cấp học bổng cho SV, xây phòng thí nghiệm, thư viện hoặc tặng máy móc thiết bị… Tất cả những khoản này trường hoàn toàn được phép thu theo qui định của Nghị định 43, cũng như những qui định việc sử dụng các nguồn đó. Rất minh bạch rõ ràng, vì vậy, đề án đã đề cập đến một cơ chế đảm bảo thu đúng, chi đúng trong các cơ sở giáo dục, sẽ không có tình trạng thu tràn lan đầu năm học như các năm trước mà các cơ quan thông tấn báo chí hay phản ánh trường này, trường kia lạm thu. Đặc biệt, để quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành qui chế “3 công khai”: Nhà trường phải công khai về chất lượng đào tạo, cam kết chất lượng mà mình cung cấp cho người học, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (thực trạng trường lớp, trang thiết bị, chương trình đào tạo, giáo viên, cán bộ quản lý), công khai tài chính, đặc biệt việc thu chi tài chính ở cơ sở. Về nguồn tài chính mà nhà trường sử dụng phải công khai Nhà nước cấp bao nhiêu, người dân đóng góp bao nhiêu và sử dụng các nguồn tài chính đó vào việc gì. Và thời điểm công khai cũng qui định rất rõ, đó là vào đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học. Tất cả phải rõ ràng, minh bạch để người dân cùng tham gia giám sát. - Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, liệu việc tăng nguồn lực cho giáo dục, thì chất lượng giáo dục có tăng tương xứng? Đề án qui định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ quan quản lý tài chính, cũng như của người dân, các tổ chức trong việc kiểm tra giám sát việc sử dụng ngân sách của giáo dục cũng như đóng góp của người dân. Đặc biệt cơ chế “3 công khai” của Bộ GD&ĐT đưa ra, trong đó có công khai về chất lượng của cơ sở GD, công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (CSVC, trang thiết bị, chương trình đào tạo, GV), công khai nguồn tài chính và việc sử dụng các nguồn tài chính đó. Với cơ chế quản lý minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, của người dân và xã hội, chắc chắn nguồn lực ấy sẽ tạo ra chất lượng và chất lượng giáo dục sẽ nâng lên. Nếu Quốc hội thông qua đề án sớm trong năm nay thì ngay sau khi Quốc hội đồng ý cho triển khai, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về cơ chế tài chính cho giáo dục và các Bộ, ngành. Ví dụ, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TBXH cũng đã dự thảo thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Có thể nói, tất cả đều sẵn sàn triển khai thực hiện đề án. - Thực tế “cái bánh” tài chính cho giáo dục mà cả Nhà nước và nhân dân đầu tư vào không phải là nhỏ, nhưng việc quản lý phân tán, không đánh giá được hiệu quả đầu tư. Vậy, tới đây “cái bánh” sẽ to thêm, liệu những yếu kém này có khắc phục được không, thưa ông? Chắc chắn là được. Đây là một trong những nội dung chính mà đề án quan tâm giải quyết. Để khắc phục sự chồng chéo, phân tán trong việc quản lý nguồn tài chính của GD&ĐT, đề án đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể. Ví dụ, qui định việc xác định kế hoạch về ngân sách cho giáo dục hàng năm là trách nhiệm của cơ quan giáo dục trong việc lập, xác định nhu cầu ngân sách cho giáo dục, cũng như phối hợp với các cơ quan tài chính, kế hoạch đầu tư để xác định mức ngân sách cụ thể hàng năm chi cho giáo dục. Thứ hai, đề án xác định rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc lập dự toán, báo cáo tình hình sử dụng ngân sách cũng như quyết toán phần ngân sách và phần tài chính nói chung của cơ sở đó đối với các cơ quan quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan tài chính, Bộ Tài chính trong việc sử dụng nguồn tài chính của đơn vị mình, nhà trường mình… - Vậy là, theo đề án này, các cơ sở quản lý giáo dục sẽ được quyền tự chủ mạnh hơn và được tham gia sâu hơn vào việc xây dựng kế hoạch tài chính và quản lý sử dụng các nguồn kinh phí của giáo dục? Đúng vậy. Theo đề án, các cơ sở giáo dục sẽ được phân cấp triệt để hơn và trách nhiệm xã hội cũng lớn hơn. Trong đó qui định rõ sự phân cấp. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp đối với việc sử dụng ngân sách tài chính của giáo dục, cụ thể hơn, các trường được tự chủ những gì. Chẳng hạn, đề án đề cập nhà trường được tự chủ sử dụng nguồn tài chính của nhà trường cho phù hợp với hoạt động thực tiễn của nhà trường. Trước kia, qui định trong phần thu học phí dành bao nhiêu phần trăm cho xây dựng cơ sở vật chất, cho công tác quản lý, chi lương. Nhưng hiện nay, theo cơ chế của Nghị định 43 là tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy và tài chính, qui định rất rõ. Thế nên, hiệu trưởng nhà trường được tự chủ hoàn toàn có quyền tự chủ quyết định sử dụng cái nguồn tài chính của trường cho các nội dung hoạt động phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, cung cấp dịch vụ giáo dục tốt cho học sinh và cộng đồng. Đặc biệt, trong đề án đưa ra một giải pháp rất khả thi là các nhà trường sẽ phải báo cáo với các cơ quan giáo dục cấp trên của mình, và các cơ quan quản lý ở địa phương phải tiếp tục báo cáo cho Bộ GD&ĐT toàn bộ phần ngân sách của giáo dục ở địa phương mình… Như thế, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp được toàn bộ ngân sách giáo dục ở địa phương và phần ngân sách giáo dục của các Bộ ngành…, từ đó mới có thể đánh giá được việc sử dụng ngân sách giáo dục có đúng mục tiêu đề ra hay không và hiệu quả thế nào. Cùng với tăng cường nguồn lực cho giáo dục, thực hiện sự phân cấp, là đổi mới cơ chế quản lý, ban hành qui chế “ba công khai”, hy vọng, khi nguồn lực cho giáo dục tăng lên tăng, thì chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn. - Xin chân thành cảm ơn ông. (Theo VOV)
Đề án đã tính toán từ thực tế trong nhiều năm qua, xem thu học phí và các khoản đóng góp khác chiếm bao nhiêu phần trăm trong thu nhập bình quân của hộ gia đình. Con số điều tra của Tổng cục thống kê từ năm 2002-2008 cho thấy, mức đóng góp khác và chi học phí khoảng từ 5-9%, nhưng bình quân chung trong cả nước năm 2008 chiếm con số khoảng 6,6%. Thực tế này và tham khảo kinh nghiệm của các nước, đề án đã chọn 6%.
Các tin khác
YBĐT - Việc “rèn cán, luyện quân” luôn được Đảng ủy - Ban CHQS huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)tập trung chăm lo, từ ra nghị quyết chuyên đề, đến xây dựng hệ thống kế hoạch công tác huấn luyện các năm...
YBĐT - Tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho phụ nữ là một trong những vấn đề mà các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái luôn trăn trở tìm hướng giải quyết trong nhiều năm nay. Các tổ chức Hội phụ nữ từ tỉnh đến các cơ sở đã tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả chương trình công tác trọng tâm "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Khu vực miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ đầu mùa hè đến nay. Nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội có lúc lên tới 41-42 độ C.
Sáng 10/6, Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm kỳ một, tháng Sáu, tại số 285 Trung Kính, Cầu Giấy - Hà Nội.