Thầm lặng nghề bác sĩ pháp y

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2009 | 12:00:00 AM

YBĐT - Đó cũng là những bác sĩ, y sĩ nhưng không được xã hội tôn vinh như danh từ bác sĩ nói chung trong ngành y tế. Song công việc của họ, nhiệm vụ của họ lại hết sức đặc thù, không thể thiếu - nghề pháp y . Những con người đó vẫn thầm lặng hy sinh, thầm lặng cống hiến để tìm lại sự công bằng cho những người đã chết và gia đình nạn nhân.

Nói như bác sĩ Nguyễn Văn Như - Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh: “Trước mỗi vụ việc phải khám nghiệm tử thi, tuy đó là những cơ thể chết nhưng lại nói lời nói của người sống. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm ra sự thật, điều đó vô cùng có ý nghĩa với những người sống và giải toả nhiều uẩn khúc”.
Những bước đi đầu của Trung tâm Pháp y tỉnh

Trung tâm Pháp y tỉnh Yên Bái được thành lập ngày 1/1/2008 theo Quyết định 1693 của UBND tỉnh. Việc thành lập một Trung tâm Pháp y tách rời khỏi đơn vị sự nghiệp y tế hoạt động độc lập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp, hội nhập tư pháp nói chung. Trung tâm đã nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh cũng như ngành y tế với  cơ sở làm việc khang trang. Cả Trung tâm có 8 cán bộ, trong đó có 2 bác sĩ, 1 cử nhân sinh học, 3 y sĩ, 1 kế toán và 1 y công.

Để làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ, hiện Trung tâm cử 3 y sĩ đi đào tạo đại học chuyên ngành pháp y ở Đại học Y Thái Bình. Ngoài ra mỗi huyện, thị, thành phố đều có một giám định viên có thể hoạt động độc lập, song các giám định viên đều là kiêm nhiệm vì thế tham gia giám định không nhiều. Trong 6 tháng (từ 1/10/2008 - 31/5/2009) Trung tâm Pháp y tỉnh đã giám định thương tích 35 vụ, trong đó có 29 vụ hiếp dâm và 6 trường hợp giám định thương tích; giám định tử thi 74 trường hợp trong đó 41 vụ tai nạn giao thông, 4 vụ tai nạn lao động; các nguyên nhân khác là 22 vụ.

Và khó khăn đặc thù

Trên thực tế vấn đề con người, thiết bị kỹ thuật cũng như phương tiện phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là trong khám nghiệm tử thi của Trung tâm còn nhiều khó khăn.

Bác sĩ Hoàng Văn Tư – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện Trung tâm rất cần một bác sĩ học chuyên ngành xét nghiệm tế bào bởi trên thực tế khi đại thể không xác định được nguyên nhân tử vong phải cần phương pháp xét nghiệm. Những trường hợp như thế Trung tâm phải lấy mẫu, bảo quản niêm phong đưa về Viện Pháp y Trung ương xét nghiệm, khi có kết quả mới kết luận được. Trong khi đó mỗi mẫu xét nghiệm phải trả chi phí 3 triệu đồng, kết quả lại không được kịp thời. Các trang thiết bị của Trung tâm hiện mới chỉ được trang bị duy nhất một bộ phẫu thuật mổ tử thi, ngoài ra từ ống nghiệm lấy mẫu phẩm Trung tâm phải khắc phục bằng việc mua các lọ nhựa đựng”.

Với công việc đặc thù, khi có vụ việc xảy ra bất kể ngày giờ, bất kể xa gần khi được mời cán bộ của Trung tâm đều gấp gáp lên đường. Tuy nhiên do chưa được trang bị phương tiện đi lại vì thế họ đều phải tự túc phương tiện, đi bằng xe máy đến hiện trường.

Đối với địa bàn xa khi cần công an địa phương cho xe tới đón, rồi lại đưa về, mỗi lần như thế hết sức lãng phí, hơn thế lại không được kịp thời đối với công việc điều tra của ngành công an. Có những vụ ở Mù Cang Chải, Lục Yên, Trung tâm đề xuất tự thuê xe đi và về để không mất thời gian. Có lẽ với thực tế đó việc làm sao có phương tiện để chủ động trong công việc là thực sự cần thiết. Hay việc mong muốn có một kính hiển vi điện tử phục vụ chuyên môn, một máy in màu để đảm bảo tính bảo mật.

Đặc biệt trong các vụ hiếp dâm, hiện nay Trung tâm vẫn phải làm ảnh tại các cửa hàng ảnh, những trường hợp như thế việc bị lộ ảnh, lưu lại ảnh và phát tán là hết sức nguy hiểm... Bởi với nguồn kinh phí hạn hẹp chỉ đủ để chi trả lương, chế độ của cán bộ thì việc làm sao để đầu tư được một cái nhà bạt căng tại hiện trường cũng vẫn còn là trăn trở của giám đốc Hoàng Văn Tư.

Cần một sự cảm thông với nghề

Có lẽ nhiệm vụ nào cũng có những đặc thù, công việc nào cũng có những khó khăn vất vả nhưng với một bác sĩ pháp y luôn luôn gắn liền với tử thi thì đó quả là một sự khác biệt. Công tác giám định có thể có ở nhiều ngành khác nhau song giám định pháp y lại là một giám định đặc biệt liên quan đến vần đề con người, đến sinh mạng, phẩm giá của con người vì thế đòi hỏi người cán bộ pháp y ngoài việc phải nắm chắc nhiệm vụ chuyên môn và kiến thức pháp luật cần phải thực sự yêu nghề, có đạo đức. Không yêu nghề, không có tinh thần trách nhiệm thì sao có thể bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân những xác chết, hay những ca tử vong do ma tuý, những người có HIV/AIDS...

Nghề nghiệp thậm trí ảnh hưởng tới cả cuộc sống của chính họ, đó là việc đối mặt với nguy cơ độc hại, lây nhiễm cao, là những ánh nhìn không mấy thiện cảm của mọi người ... Có lẽ nói là để hiểu, để cảm thông, để chia sẻ được với họ - những bác sĩ làm công tác pháp y thật khó, bởi thực tế chưa một lần chứng kiến họ thực thi nhiệm vụ nhưng trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm phục, cảm phục sự dũng cảm với nghề, chấp nhận nghề và yêu nghề của họ - họ là những bác sĩ thầm lặng!

Ngọc Tú

Các tin khác

Chỉ riêng trong tháng 6, đã có gần 500 người bị ngộ độc thực phẩm, 3 người tử vong.

Cuối tháng 6-2009, các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ phải công khai chất lượng giáo dục cam kết, chất lượng giáo dục thực tế, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu chi tài chính. Ðây là nội dung của quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa ban hành.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng nay, 25-6, sau khi đi vào khu vực Đông biển Đông, rời xa đảo Luzon (Philippines khoảng 120km), bão Nangka đã chính thức thành cơn bão số 3. Sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,9 độ vĩ Bắc, 118,7 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 22/6/2009 đã có 52.160 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 99 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ Y tế vừa xác nhận thêm 7 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Như vậy, Việt Nam đã có 63 ca nhiễm virus cúm này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục