Đổi cách tính điểm, giảm áp lực cho học sinh tiểu học
- Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2009 | 12:00:00 AM
Học lực môn cả năm của học sinh tiểu học sẽ được tính bằng điểm thi cuối năm thay vì điểm trung bình cộng của điểm thi kỳ một và học kỳ hai như trước. Đây là một trong những điểm mới trong Dự thảo đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
Áp lực sẽ giảm
Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, dự thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Theo bà Đào Thủy, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Mỹ Đình, Hà Nội) thì với cách tính điểm này, thay vì phải liên tục chịu áp lực thi cử tới 4 lần trong năm, học sinh sẽ chỉ phải thi 1 lần vào cuối năm học.
Cũng theo bà Thủy, khi trường phổ biến dự thảo cách đánh giá mới này, nhiều phụ huynh lo lắng vì thấy tính điểm như học đại học. Song các phụ huynh không nên quá lo lắng vì Bộ có cách đánh giá mở: nếu điểm thi cuối năm có bất thường so với điểm theo dõi hàng tháng thì trường sẽ tổ chức thi lại. Các con được thi lại tối đa tới 3 lần.
“Tôi cho rằng cách đánh giá tại thời điểm cuối năm học là hợp lý vì đây là kết quả cả quá trình tích lũy kiến thức của học sinh”, bà Thủy nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội), cho rằng, cách tính điểm này sẽ khích lệ học sinh phấn đấu mà không phải quá lo lắng về chuyện thi cử, không phải lo điểm kỳ I thấp kéo điểm tổng kết xuống.
“Các em sẽ học với tinh thần thoải mái hơn, điều này rất có ý nghĩa, nhất là với trẻ hiểu học. Trong khi đó, vẫn có các bài kiểm tra thường xuyên để các con biết sức học của mình đến đâu để phấn đấu”, ông Hợp chia sẻ.
Ở một cách nhìn khác, chị Nguyễn Thị Hồng (Gia Lâm, Hà Nội), cho rằng đây là cách làm rất mới và hiện đại hơn: “Các con sẽ ý thức hơn việc học là lấy kiến thức cho mình chứ không phải chạy theo thành tích. Hơn nữa, do thi nhiều nên phụ huynh quanh năm phải cho con đi học thêm ở nhà cô, mục đích là để cô luyện cho con dạng đề thi, kiểm tra. Nhưng khi không phải lo thi cử liên miên, tình trạng tiêu cực này sẽ sớm chấm dứt”.
Giáo viên còn băn khoăn
Theo bà Đào Thủy, tuy quy định đánh giá mới có mở ở chỗ cho phép được kiểm tra lại khi kết quả thi của học sinh có yếu tố bất thường nhưng lại không cụ thể. Nếu bình thường học sinh đó được 9, 10 điểm thì khi thi xuống khung 7 – 8, 5 – 6 hay 4 – 5 thì có được coi là bất thường?
Có thể về phía nhà trường, việc một học sinh giỏi, thường xuyên đạt 9, 10 nhưng khi thi chỉ đạt 8 là bình thường, nhưng khi quy định không rõ ràng thì phụ huynh có thể vin vào đó để kiện lại trường. Nếu phụ huynh đặt câu hỏi “thế nào là bất thường” thì trường cũng không thể trả lời một cách chính xác và thuyết phục bằng quy chuẩn cụ thể nào.
Cũng theo bà Thủy, một khó khăn khác là việc giải thích cho phụ huynh vì thời đi học của họ có hàng loạt điểm: kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết, điểm thi giữa và cuối các kỳ. Đến con lớn của họ chỉ tính 4 điểm thi giữa kỳ I, cuối kỳ I, giữa kỳ II, cuối kỳ II. Bây giờ lại thay đổi cách tính mới. Phụ huynh thấy rối tung lên, không hiểu được thầy cô tính thế nào.
Mặc dù theo cách tính điểm mới, giáo viên sẽ nhàn hơn trong công tác lên điểm cũng như trong quá trình dạy, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cách tính điểm này sẽ không khách quan.
Theo bà Trần Thị Thủy, giáo viên trường Tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Nam Định, cách đánh giá này sẽ thiếu tính khách quan khi học lực của một năm rèn luyện, phấn đấu của học sinh lại chỉ dồn vào một kỳ thi. “Tính may rủi, học tài thi phận sẽ rất cao trong khi học sinh tiểu học tâm lý chưa ổn định, chỉ lơ là một chút là làm bài không tốt”, bà Thủy nói.
Đồng tình với ý kiến này, cô Châu, giáo viên trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho rằng khi xét học lực môn bằng một đầu điểm theo cách mới, tính may rủi sẽ lớn hơn. “Học sinh tiểu học chưa ý thức được về việc học như các lớp lớn nên nếu tính 4 đầu điểm thì sẽ phản ánh chính xác hơn học lực của học sinh đó trong cả năm”, cô Châu cho biết.
Thiếu tính chính xác cũng là ý kiến của bà Vũ Thiều Hoa, giáo viên trường Tiểu học Bình Nguyên (xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). “Mặc dù với cách tính điểm này, giáo viên chúng tôi sẽ nhàn hơn rất nhiều, nhưng nó không phản ánh đúng vì học lực là kết quả của cả quá trình một năm rèn luyện của các em”, bà Hoa chia sẻ.
Phụ huynh lo lắng
Lo lắng cũng là tâm trạng của không ít bậc phụ huynh. “Chỉ tính một điểm thì áp lực trong năm học có thể sẽ giảm nhưng dồn lại vào cuối năm. Lúc này, tinh thần của con sẽ rất căng thẳng. Hơn nữa, nếu chỉ chênh lệch một điểm, hàng ngày con được 9 - 10, đi thi được 8 thì không phải là sự chênh lệch tới mức bất thường để trường phải kiểm tra lại, nhưng học lực của con đã thụt bậc từ giỏi xuống khá”, chị Bình (Mỹ Đình, Hà Nội) nói.
“Không phải chúng tôi ham thành tích nhưng có rất nhiều trường trung học cơ sở, nhất là những trường điểm, chỉ ngó tới hồ sơ của những học sinh có học lực giỏi trong những năm học tiểu học nên chúng tôi không thể không lo lắng, quan tâm”, một phụ huynh khác nói thêm.
Không chỉ phụ huynh trường Đoàn Thị Điểm, đây cũng là tâm trạng của rất nhiều phụ huynh khác. Chị Nguyễn Thủy, phụ huynh trường Tiểu học Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), băn khoăn: “Khi chỉ tính một điểm, sẽ dễ nảy sinh tiêu cực vì đề thi cuối năm là do trường ra. Nếu trường chạy theo thành tích, rèn cho con theo một mẫu sẵn trùng với đề thi thì điểm số sẽ không phản ánh đúng chất lượng học”.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái hiện có trên 65 ngàn hội viên và 407 tình nguyện viên chữ thập đỏ sinh hoạt ở 245 cơ sở hội. Sự lớn mạnh của đội ngũ hội viên và tình nguyện viên là tiền đề nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở Hội. Cùng với đó, 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội là điều kiện để hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh thiết thực hơn.
YBĐT - Thị trấn Cổ Phúc, huyên Trấn Yên (Yên Bái) có truyền thống nhiều năm xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, trong đó công tác lãnh đạo, xây dựng và duy trì thường xuyên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thực hiện có hiệu quả, lực lượng Công an thị trấn giữ vững danh hiệu 10 năm liên tục đạt “Đơn vị quyết thắng”.
Theo giám sát của các cơ quan chức năng, hiện chỉ có 22/44 doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ thực hiện đóng BHXH đều đặn cho người lao động.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 636 lao động được giải quyết việc làm, đạt 78,5% kế hoạch năm.