Thanh tra việc thực hiện bộ luật lao động trong doanh nghiệp:

“Thanh” ra nhiều “nợ” và “sai”

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Qua thanh tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng được thoả ước lao động, nội qui lao động, hoặc có xây dựng nhưng lại chưa đăng ký với cơ quan lao động theo qui định, nội dung thì sơ sài. Công tác báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng lao động, tai nạn lao động của nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm...

Phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Thời gian qua, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành một số cuộc thanh tra về thực hiện Bộ luật Lao động tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những sai phạm, hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến cuộc thanh tra từ 22/6 đến 17/7 tại 16 đơn vị, doanh nghiệp là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, các hợp tác xã và cuộc thanh tra theo đề nghị của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tại các đơn vị: Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Yên Bái, Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp Yên Bái, Lâm trường Lục Yên trong thời gian từ 10/8 đến 19/8/2009.

Nhìn chung, các đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra đều gặp phải những khó khăn nhất định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như nhiều nguyên nhân khách quan khác. Song, qua thanh tra, cũng ghi nhận ý thức trong việc chấp hành các qui định của pháp luật lao động cũng như những nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị vẫn tồn tại thiếu sót, hạn chế và sai phạm.

Nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội

Đó là vấn đề nổi cộm trong cuộc thanh tra tại 4 đơn vị vào trung tuần tháng 8. Trong khó khăn chung, 4 đơn vị này không tránh khỏi ảnh hưởng, một số dây chuyền sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động. Vì vậy, ngoài vấn đề thu nhập của người lao động thấp, nhiều lao động bị nghỉ việc, thì quyền lợi về chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc cho người lao động chưa được thực hiện đầy đủ. Đáng kể nhất là trường hợp Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin có 244 lao động tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm y tế từ năm 2006. Tổng số tiền BHXH đơn vị còn nợ đọng tính đến thời điểm thanh tra là trên 3 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.

Bên cạnh ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung thì một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp là do hoạt động kinh doanh yếu kém. Trong vài năm trở lại đây, các đơn vị không có khả năng thanh toán nợ vay ngân hàng, các đơn vị: Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Yên Bái, Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp Yên Bái sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, một số công trình do đơn vị thi công đã hoàn thành từ năm 2008 nhưng đến nay chưa thu hồi được hết nợ.

Mặt khác, các đơn vị thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động đã bố trí cho một số lao động nghỉ tự túc đóng BHXH, bảo hiểm y tế mức 23%. Tuy nhiên, riêng Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin đã thu tiền BHXH của 52 người với gần 295 triệu đồng nhưng không đóng, nộp cho BHXH. Do các đơn vị nợ tiền BHXH nên cơ quan BHXH tạm dừng cấp thẻ bảo hiểm y tế, vì thế các chế độ ốm đau, thai sản của một số lao động tại các doanh nghiệp chưa được thực hiện đúng theo quy định.

Và các sai phạm khác

 Kết thúc đợt thanh tra từ ngày 10/8/2009 đến 19/8/2009 đối với 4 doanh nghiệp: đoàn thanh tra đã đưa ra 25 kiến nghị, đồng thời tiến hành lập 4 biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm với tổng số tiền 11 triệu đồng.
Đối với 16 doanh nghiệp được thanh tra trong thời gian từ 22/6/2009 đến 17/7/2009: đoàn đã đưa ra 165 kiến nghị mà các doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Hầu hết các đơn vị này được thanh tra lần đầu nên thực hiện với phương châm hướng dẫn, nhắc nhở.

Tuy không xảy ra tình trạng nợ đóng tiền BHXH, nhưng tại 16 đơn vị được tiến hành thanh tra trong thời gian trước đó vẫn còn những sai phạm liên quan đến các nội dung như: thoả ước lao động, nội qui lao động, hợp đồng lao động, an toàn vệ sinh lao động...

Qua thanh tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp này chưa xây dựng được thoả ước lao động, nội qui lao động, hoặc có xây dựng nhưng lại chưa đăng ký với cơ quan lao động theo qui định, nội dung thì sơ sài. Công tác báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng lao động, tai nạn lao động của nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm dẫn đến việc thống kê, tổng hợp số liệu về lao động hàng năm chưa đạt yêu cầu đề ra.

Do vậy, những trường hợp người lao động bị chủ sử dụng sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không được bảo đảm các quyền và chế độ theo quy định của Nhà nước. Chỉ có 3/16 doanh nghiệp xây dựng hệ thống thang bảng lương. Việc không xây dựng hệ thống thang bảng lương hoặc đã xây dựng nhưng không áp dụng dẫn đến khi tính toán và thực hiện các chế độ về BHXH, tiền lương, các khoản phụ cấp cho người lao động chưa được đầy đủ hoặc không được thanh toán.

Kết quả thanh tra cũng cho thấy có 5 đơn vị chưa ký hợp đồng lao động đối với người lao động, tổng số lao động là 114 người, chiếm 17% lao động thuộc diện phải ký hợp đồng lao động tại 16 đơn vị, doanh nghiệp. Mặt khác, các bản hợp đồng lao động được ký kết giữa chủ sử dụng lao động và người lao động lại chưa đúng theo quy định.

Nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ làm công tác lao động, tiền lương của doanh nghiệp nhận thức hạn chế hoặc do không thực hiện theo quy định nên công tác tham mưu cho chủ sử dụng lao động chưa đúng. Đồng thời, người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cấp sổ lao động là nhằm mục đích theo dõi quá trình công tác của người lao động và là cơ sở để giải quyết các chế độ liên quan đến quan hệ lao động nên các doanh nghiệp hầu hết không thực hiện đăng ký cấp sổ lao động với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái, tỷ lệ đã tham gia chỉ chiếm 1%, rất thấp so với số thực tế phải cấp sổ.

Bên cạnh đó, tại một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chế biến nông, lâm sản, lực lượng lao động phần lớn là người địa phương, trình độ văn hoá thấp. Vì thế, nhiều chế độ, chính sách theo quy định có lợi cho người lao động nhưng người lao động lại không muốn thực hiện như: BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc nghỉ ngơi, bảo hộ lao động... Tỉ lệ lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc tại 16 đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra chiếm tới 53%. Công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật lao động đã được doanh nghiệp quan tâm nhưng chưa thường xuyên. Việc tập huấn, huấn luyện về công tác an toàn cho người lao động không đầy đủ, doanh nghiệp chỉ tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động làm việc lâu dài tại đơn vị còn những lao động được tuyển dụng dưới một năm hoặc làm việc theo thời vụ thường không huấn luyện...

Trước những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các đơn vị, kết thúc các đợt thanh tra, đoàn thanh tra đã đưa ra nhiều kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng thời hạn. Đồng thời, Thanh tra Sở cũng đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, đối với những đơn vị còn nợ đọng tiền BHXH: những đơn vị nào có khả năng thanh toán, đề nghị BHXH tỉnh đôn đốc, nhắc nhở thực hiện. Riêng Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin chưa có khả năng thanh toán nợ tiền BHXH nên ngành sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đề nghị BHXH tỉnh vận dụng giải quyết các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản cho người lao động đã tham gia BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Việc phát hiện, nhắc nhở, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị qua các đợt thanh tra đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nghiêm nội dung này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà, ổn định. 

 P.V

Các tin khác

Theo quy định mới nhất về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, thời gian làm việc của giáo viên phổ thông là 42 tuần/năm, trong đó có 35-37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục, tùy theo chương trình giáo dục tiểu học hoặc giáo dục trung học.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân Trạm Tấu một số biện pháp kỹ thuật mới về gieo cấy lúa.

YBĐT - Công đoàn cơ sở (CĐCS) khối nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) trực thuộc LĐLĐ huyện Trấn Yên, là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn huyện về các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn. Hoạt động của Công đoàn luôn có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và đó là động lực thúc đẩy để Công đoàn khối thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn.

Việt Nam đã ghi nhận 10.512 trường hợp dương tính virus cúm A/H1N.

Ngày 27/10, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) đã chính thức xác nhận thêm 3 ca tử vong, vì cúm A/H1N1, nâng tổng số bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này tại Việt Nam lên 35 trường hợp.

Ngày 27.10, trong lúc bão Lupit vừa suy yếu thành áp thấp khi tiến gần vùng biển đông bắc Nhật Bản, thì một cơn bão mới có tên quốc tế là Mirinae lại xuất hiện ở khu vực tây Thái Bình Dương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục