Công tác dân tộc tỉnh Yên Bái trong tình hình mới
- Cập nhật: Thứ năm, 24/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ khi Đảng ta ra đời, ngay ở những giai đoạn đầu của cuộc cách mạng, công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau, tương trợ giúp đỡ nhau tạo thành sức mạnh tổng hợp, đấu tranh chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Bản định cư Suối Bu (Văn Chấn). (Ảnh: Thanh Miền)
|
Là một tỉnh miền núi nhiều dân tộc, bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái bên cạnh những thuận lợi cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: trình độ dân trí thấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển, kết cấu hạ tầng cơ sở, điểm xuất phát của nền kinh tế còn thấp. Cùng với đó, những tàn tích của chế độ phong kiến còn nặng nề, phong tục tập quán còn nhiều điểm lạc hậu, đời sống đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao...
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác dân tộc đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành vận động nhân dân đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, khơi dậy sức mạnh của nhân dân, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế đầu tư phát triển, chú ý đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức thực hiện sáng tạo các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn của địa phương... nên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh khắc phục khó khăn, từng bước ổn định và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Đáng chú ý là việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Chương trình 134 và 135 của Chính phủ; thực hiện chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính sách trợ giá, trợ cước một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc vùng cao; chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo...
Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi có sự thay đổi tích cực, toàn diện. Đại bộ phận nông dân được bồi dưỡng, tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học vận dụng vào sản xuất và đời sống. Sản lượng lương thực đạt 215.339 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 287 kg/người/năm, cơ bản không còn tình trạng đói lưu niên ở vùng cao; số hộ đói nghèo giảm đáng kể, chỉ còn 21,31%, nhiều hộ đã có tích lũy.
Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả. Nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn, bản các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã trong mùa khô; một số tuyến đường liên xã, thôn bản được bê tông hóa. Các công trình thủy lợi đã làm tăng thêm diện tích tưới tiêu; khai hoang mở rộng được 1.423 ha ruộng nước. Các công trình phúc lợi công cộng như: chợ, trường học, trạm y tế xã, điện, nước sạch... cũng được quan tâm đầu tư; 60% số dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Mạng lưới trường, lớp được tăng cường, số phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố tăng và xóa bỏ tình trạng học 3 ca; tỷ lệ phòng xây đạt 89%. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến phổ thông trung học vùng dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển. Số học sinh là người dân tộc đi học ở bậc tiểu học chiếm tỉ lệ 62,91 %; bậc trung học cơ sở là 56,86%, có 15 trường dạy chữ dân tộc (chữ Mông). Hệ thống trường dân tộc nội trú tiếp tục được củng cố. Tất cả các xã đều có trạm xá, các thôn, bản có nhân viên y tế; một số trung tâm cụm xã có phòng khám đa khoa khu vực; 84 trạm xá có bác sỹ; 88 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền được tập trung chỉ đạo hướng mạnh về cơ sở. Công tác phát thanh - truyền hình có bước phát triển mạnh, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay, đã có 92% địa bàn được phủ sóng truyền hình, 100% số xã có điểm xem truyền hình. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác dân tộc của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, như: nhận thức của một số ngành, địa phương và một số cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc chưa toàn diện, chưa sâu sắc. Định hướng và quy hoạch kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc chưa rõ nét. Kinh tế vùng cao phát triển còn chậm, chưa tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư. Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục phát triển chưa đồng đều giữa các vùng và chất lượng, hiệu quả còn thấp. Quỹ đất ở vùng cao còn nhiều bất cập. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu. Hệ thống công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở chưa thực sự được quan tâm. Một số chính sách dân tộc hiện nay chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.
Để đáp ứng và thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới, công tác dân tộc của tỉnh Yên Bái cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới đồng bào vùng dân tộc với phương pháp và hình thức phù hợp.
Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tăng cường củng cố và đổi mới chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tập trung củng cố các tổ chức Đảng ở vùng đồng bào dân tộc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ là hạt nhân của mọi hoạt động. Bên cạnh đó, thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thôn, bản; luân chuyển, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất về công tác ở các xã và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tình nguyện công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; đổi mới nội dung và phương pháp vận động, tập hợp quần chúng; động viên, sử dụng người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong việc triển khai thực hiện các công tác và chính sách dân tộc ở cơ sở.
Năm là, tăng cường củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp có đủ trình độ, năng lực, đạo đức, phẩm chất chính trị đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả to lớn trên mọi mặt của đời sống, xã hội. Song cũng đang đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ, đòi hỏi các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh có sự nhận thức đúng đắn, sâu sắc, toàn diện đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ với những cách làm hiệu quả, các hình thức, bước đi thích hợp với từng nơi, từng dân tộc ở mỗi giai đoạn và thời điểm khác nhau nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Và hạn chế đến mức thấp nhất tốc độ gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng; bảo đảm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; giữ vững quốc phòng - an ninh; bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hoàng Trung Năng
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng các lãnh đạo MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ đã tới thăm, tặng quà và động viên các chức sắc, giáo dân ở Toà Giám mục giáo phận Hưng Hoá, thành phố Sơn Tây, Hà Nội.
Chiều 23.12, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã có buổi làm việc về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, trên địa bàn cả nước đang có 3 tỉnh đang xảy ra dịch cúm gia cầm (CGC) chưa qua 21 ngày, gồm: Cà Mau, Thái Nguyên và Cao Bằng.
YBĐT - Ngày 23/12/2009, tại Hội trường Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã diễn ra Đại hội Hội phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái lần thứ I, nhiệm kỳ 2010-2015 với sự góp mặt của 75 đại biểu chính thức.