Nền móng vững chắc phát triển giáo dục
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/1/2010 | 9:32:45 AM
YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã triển khai xây dựng mô hình trường nội trú dân nuôi và đạt một số kết quả quan trọng.
Nghị quyết này sẽ tạo nền móng vững chắc cho phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
|
Tính đến năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 63/382 trường phổ thông có cơ sở nội trú với quy mô gần 5.000 học sinh, chiếm 4% tổng số học sinh. Phát triển mô hình này đã giúp các học sinh nhà xa trường được ăn, ở, sinh hoạt tại trường và chuyên tâm học tập. Ý nghĩa quan trọng hơn nữa là thúc đẩy phong trào giáo dục vùng dân tộc thiểu số phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tuy nhiên, việc phát triển loại hình trường nội trú dân nuôi đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, do hệ thống các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của loại hình trường này chưa hoàn thiện nên các chế độ, chính sách đặc thù đối với học sinh, giáo viên chưa được thực hiện. Việc quản lý, tổ chức các hoạt động cho học sinh chủ yếu dựa vào sự năng động, nhiệt tình và tình thương của cán bộ, giáo viên. Cơ sở vật chất phục vụ ăn, ở, sinh hoạt của học sinh do nhân dân tự làm nên còn tạm bợ, chật hẹp, không an toàn và nhiều nơi thiếu các công trình phụ trợ như: bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh. Một thực tế nữa là, phần lớn học sinh nội trú đều ở các xã nghèo, mức thu nhập của người dân thấp dẫn đến việc huy động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Tại kỳ họp thứ 16 (tháng 12/2009), HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”. Mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo nền móng vững chắc cho phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 72 trường phổ thông dân tộc bán trú, quy mô trên 7.000 học sinh nội trú dân nuôi, phân bổ tại Mù Cang Chải 22 trường, Văn Chấn 14 trường, Văn Yên 13 trường, Trạm Tấu 11 trường, Lục Yên 6 trường, Trấn Yên 4 trường, Yên Bình 2 trường. Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện như xác định nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc bán trú được tổ chức và hoạt động theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Ngoài ra, nhà trường có thêm nhiệm vụ tổ chức đời sống vật chất, tinh thần và hướng dẫn học sinh sử dụng thời gian ngoài giờ chính khóa để ôn tập, củng cố kiến thức. Các trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường phổ thông khác theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia đồng thời được đầu tư xây dựng cơ sở nội trú.
Bắt đầu từ năm 2010, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, vốn xây dựng cơ bản tập trung của địa phương và nguồn tài chính hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho học sinh nội trú như: phòng ở, bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh. Riêng năm 2010, ưu tiên tập trung đầu tư cho các địa phương đã có học sinh nội trú nhưng chưa có cơ sở vật chất hoặc có cơ sở vật chất nhưng còn khó khăn.
Các địa phương có trường phổ thông dân tộc bán trú có trách nhiệm quy hoạch quỹ đất để xây dựng cơ sở nội trú; huy động các lực lượng xã hội, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt của học sinh; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Hàng năm, ngân sách tỉnh cân đối bố trí kinh phí hỗ trợ cho các trường phổ thông dân tộc bán trú thực hiện nhiệm vụ đặc thù (quản lý và tổ chức các hoạt động cho học sinh nội trú). Kinh phí hỗ trợ cho các trường được xác định theo số học sinh nội trú dân nuôi; mức hỗ trợ bình quân 195.000 đồng/học sinh/năm học. Mức hỗ trợ này được điều chỉnh tăng theo mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định.
Về đội ngũ giáo viên, các trường phổ thông dân tộc bán trú được áp dụng định mức biên chế theo quy định tại Thông tư 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ. Các cơ sở giáo dục đào tạo trong quá trình tuyển dụng biên chế cần ưu tiên tuyển dụng giáo viên là người dân tộc địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các phụ huynh trong việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp và cung cấp lương thực, thực phẩm cho con em mình cũng như phối hợp chặt chẽ với nhà trường tổ chức tốt các hoạt động cho học sinh nội trú.
Nghị quyết về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú là một chủ trương phù hợp với định hướng của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân. Với sự đồng lòng, nhất trí và quyết tâm cao, Yên Bái sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
Ngày 7.1, Bộ GD-ĐT đã công bố phương hướng tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010. Theo đó, kỳ thi năm nay sẽ có một số đổi mới liên quan trực tiếp đến thí sinh.
YBĐT - Năm 2008 là năm đầu thực hiện Chương trình Kiên cố hóa (KCH) trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn (2008 - 2012). Đây cũng là năm thành phố Yên Bái mở rộng, sáp nhập thêm 6 xã của huyện Trấn Yên chuyển về.
Theo Tổng cục Thuế, những người thu nhập bình quân 6 tháng cuối năm trên 4 triệu đồng/tháng phải kê khai quyết toán thuế.
Chiều 6-1, tại cuộc họp thường kỳ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho biết, hiện nay tình hình dịch cúm A/H1N1 vẫn có xu hướng chững lại, đặc biệt trong những ngày đầu năm 2010 chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới và không có thêm trường hợp nào tử vong liên quan đến dịch bệnh này.