Phong trào "TDĐKXD ĐSVH" ở Văn Chấn: Cần thực chất hơn!
- Cập nhật: Thứ hai, 1/2/2010 | 9:08:14 AM
YDDT - Qua tìm hiểu ở một số xã của huyện Văn Chấn (Yên Bái), được biết, việc xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá ở một số nơi còn áp đặt, mệnh lệnh hành chính, chưa khơi dậy được tinh thần tự nguyện, tự giác, tính gắn kết cộng đồng. Đâu đó vẫn chạy theo thành tích, dẫn đến danh hiệu gia đình văn hoá, làng văn hoá còn hình thức chung chung.
Múa khèn trong ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại xã Suối Giàng (Văn Chấn) năm 2008.
|
Kết quả
Trong những năm qua, huyện Văn Chấn đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết HĐND huyện về nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (TDĐKXD ĐSVH), trọng tâm là mở rộng, nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, làng văn hoá gắn với phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở. Nhờ vậy, phong trào đã phát triển rộng khắp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay, toàn huyện có 260 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng văn hoá, bằng 73,03% tổng số làng, bản trong toàn huyện, trong đó có 135 làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng văn hoá, đạt gần 38%; 28.550 gia đình đạt chuẩn văn hoá, bằng 81%; 93% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá; 236 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng văn hoá có quy ước; 159 làng, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá; xây dựng 80 đội văn nghệ quần chúng, trong năm đã tổ chức được 195 buổi biểu diễn ở cơ sở.
Toàn huyện có 25.247 người thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, trong đó có 11.542 người đạt chuẩn rèn luyện thể dục thể thao; 1.711 gia đình thể thao, 38 câu lạc bộ thể thao và 169 đội thể thao cơ sở. Có thể nói đó là những kết quả mà không phải địa phương nào cũng có được. Tuy nhiên, những con số đó so với thực lực và tiềm năng của phong trào TDĐKXD ĐSVH thì chưa tương xứng, hay nói cách khác phong trào chất lượng còn hạn chế.
Nguyên nhân và giải pháp
Anh Hoàng Hữu Thiển - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Trong thời gian qua, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân chưa nhận thức và hiểu hết mục đích, ý nghĩa của phong trào TDĐKXD ĐSVH là một cuộc vận động lớn, lâu dài, toàn diện không chỉ về xây dựng văn hoá, đạo đức, lối sống mà còn tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng trong thời kỳ hội nhập; công tác lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa được quan tâm chú trọng, nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển văn hoá vào nghị quyết".
Qua tìm hiểu ở một số xã, được biết, việc xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá ở một số nơi còn áp đặt, mệnh lệnh hành chính, chưa khơi dậy được tinh thần tự nguyện, tự giác, tính gắn kết cộng đồng. Đâu đó vẫn chạy theo thành tích, dẫn đến danh hiệu gia đình văn hoá, làng văn hoá còn hình thức chung chung. Hơn nữa, đối với đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số còn có một số phong tục, tập quán lạc hậu đã trở thành lối sống, nếp sống lâu dài nên khó thay đổi về nhận thức.
Những tồn tại đó đã dẫn đến phong trào phát triển chưa được đồng đều, bề rộng chưa đi đôi với chiều sâu, chất lượng chưa tương xứng với số lượng, hiệu quả phong trào còn hạn chế. Điều quan trọng là tỷ lệ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá khá cao nhưng nếp mới chậm hình thành. Đặc biệt là vệ sinh môi trường trong các gia đình, mỗi làng văn hoá còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo không có công trình vệ sinh, không có chuồng trại chăn nuôi, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn và thả rông trong khu dân cư vẫn còn. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong làng văn hoá còn nghèo nàn về nội dung và hình thức.
Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Văn Chấn tham mưu cho huyện về các giải pháp cụ thể như: nâng cao nhận thức và vai trò lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc quán triệt về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc thực hiện phong trào; đưa các nhiệm vụ chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hoá vào nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phong trào TDĐKXD ĐSVH. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn và tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ phong trào cho cán bộ cơ sở; tổ chức tốt các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào TDĐKXD ĐSVH. Phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận Tổ quốc, hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội người cao tuổi và xem đây là động lực chủ yếu để thực hiện phong trào ở cơ sở.
Chú trọng đẩy mạnh Nghị quyết 05 ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh văn hóa giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao; huy động các nguồn lực, đặc biệt là vận động nhân dân tham gia, đóng góp xây dựng các thiết chế văn hoá và các hoạt động văn hoá quần chúng ở cơ sở. Tổ chức tốt các hình thức phát động, đăng ký và giao ước thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào TDĐKXD ĐSVH ở cấp cơ sở, các ngành, đoàn thể. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra, tin rằng phong trào TDĐKXD ĐSVH ở Văn Chấn sẽ đúng với ý nghĩa đích thực của hai từ "văn hoá".
Văn Tuấn
Các tin khác
Ngày đầu tuần, Bắc Bộ tiếp tục chuỗi ngày đẹp không mưa, trời nắng, trong đó, các tỉnh phía Tây Bắc Bộ nhiệt độ cao nhất từ 28-31 độ, nhiệt độ như... những ngày mát mẻ trong mùa hè.
Chiều 29-1, Bộ Y tế xác nhận có thêm một bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1. Bệnh nhân là nam, 31 tuổi, ở Quảng Ninh, có tiền sử phát hiện nhiễm virus HIV từ tháng 3-2003. Đây là ca thứ 57 tử vong do cúm A/H1N1 tại Việt Nam.
YBĐT - Đến nay tổng số cán bộ công chức toàn ngành có 101/106 người trong đó có 37 Chấp hành viên, 13 Thẩm tra viên, không còn đơn vị nào không có trưởng thi hành án hoặc chấp hành viên.
YBĐT - Năm 2009, Đài PTTHYên Bái đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh. Đài đã đảm bảo chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình trong ngày với thời lượng tăng gấp 1,5 lần so với năm 2008.