“Muốn sang thì bắc cầu kiều…”
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/11/2010 | 9:00:02 AM
YBĐT - Là người Việt Nam, có ai không thấm nhuần câu ca dao nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía ấy, bởi đó là một trong những chuẩn mực đạo đức của mỗi con người.Dân tộc ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đó là nét đẹp văn hoá, có quan hệ nhân quả, mang tính biện chứng, ngày càng được phát huy và đã trở thành đạo lý của dân tộc ta.
Từ khi còn trong nôi, ai cũng được nghe lời ru của bà, của mẹ: “Muốn sang phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, để rồi tự lúc nào thấm nhuần cái điều tất yếu của con người: “Học là học để làm người, biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi”.
Dưới chế độ phong kiến, vị trí của người thầy trong xã hội rất cao: “Quân - sư - phụ”, thầy dưới vua nhưng trên cả cha mẹ. Cái lễ nghĩa, ngôi thứ thầy - trò không cứ học nhiều hay ít: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.
Chế độ phong kiến đề cao đạo làm người theo tinh thần nho giáo: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” - người quân tử suốt đời đèn sách, phấn đấu nhằm mục đích: “Trị quốc, bình thiên hạ”. Khi cái “đạo làm người” đó không thành, họ sẵn sàng trở về, đem hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết, dạy dỗ các thế hệ học trò, mong muốn thế hệ hậu sinh sẽ tiếp tục hoài bão của những người đi trước như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm...
Cái tinh thần “trọng đạo” ấy càng sáng tỏ thêm ý thức “tôn sư”, gốc có vững thì cây mới vươn cành xanh lá; vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội ngày trở nên quan trọng: “Không thầy đố mày làm nên”; “Nhân bất học, bất tri lý”; “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” và “Mùng một tết cha, mùng hai tết chú, mùng ba tết thầy”.
Từ khi có Đảng, vai trò và vị trí của người thầy được nâng lên một tầm cao mới. Người thầy chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá. Việc dạy “đạo làm người” chính là hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi người để mỗi người có cả đức, cả tài, trung với nước, hiếu với dân... Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội của toàn xã hội để tôn vinh và đề cao vai trò nhà giáo.
Mỗi chúng ta đều hướng về người thầy và nghề dạy học với lòng biết ơn vô hạn, cũng mong muốn mỗi người thầy luôn trau dồi, gọt rũa hoàn thiện mình, để mỗi người thầy và sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn xứng đáng với vị trí quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp trồng người.
Dương Hiền Nga
Các tin khác
Theo kế hoạch, trong tuần này Bộ GD&ĐT hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ dự thảo nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam về việc đảm bảo nguồn cung ứng, bình ổn thị trường thuốc.
YBĐT - Sáng 18/11/2010, UBND tỉnh tổng kết Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010). Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Hà Hùng- Phó chủ nhiệm ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các ngành thành viên, các xã, huyện thuộc diện 135...